Chiến tranh giá dầu – khi không ai là người thắng cuộc

15/03/2020 06:20 GMT+7
Chiến tranh giá dầu giữa Nga và Ả Rập Xê Út được châm ngòi khi Nga từ chối cắt giảm sản xuất trong cuộc thương thảo với Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu ở Viên (Áo) vào ngày 6/3.

Ả Rập Xê Út, thành viên chủ chốt OPEC, đáp trả bằng việc công bố giảm giá dầu xuống mức thấp kỉ lục và tăng cường sản lượng dầu thô lên khoảng 12,3 triệu thùng dầu mỗi ngày vào tháng Tư, hơn 25% so với số thùng dầu được cung ứng vào tháng trước – với năng suất cao nhất từ trước đến nay. Nga cũng tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất thêm 500.000 thùng dầu, thêm vào con số 11.2 triệu thùng/ ngày hiện nay. Đến ngày 9/3 giá dầu đã giảm 24% xuống còn 34 USD/thùng, mức thấp kỉ lục trong 30 năm trở lại đây.

Giữa cuộc khủng hoảng thị trường vì giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, Ả Rập Xê Út yêu cầu tập đoàn sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước này - Saudi Aramco tăng sản lượng dầu lên 1 triệu thùng/ ngày. Chuyên gia cho rằng đây là động thái nhằm buộc Nga phải quay trở lại bàn đàm phán, nhưng hiệu quả hiện chưa được đánh giá.

Chiến tranh giá dầu – khi không ai là người thắng cuộc - Ảnh 1.

Chiến tranh giá dầu bùng nổ khi Nga quay lưng với khuyến nghị cắt giảm sản lượng dầu của OPEC

Tầm ảnh hưởng của các cường quốc dầu mỏ vốn như trái bóng chuyền tay qua các quốc gia Ả Rập, Mỹ và Nga từ nhiều thập kỉ nay. Vào năm 2014, Ả Rập Xê Út tham vọng kìm hãm ngành công nghiệp đá phiến nở rộ của Mỹ bằng việc đưa dầu mỏ tràn ngập thị trường. Hai năm sau đó, OPEC tái thắt chặt kiểm soát tỉ trọng sản xuất bằng việc hợp tác với Nga và các quốc gia khác trong một liên minh dầu mỏ OPEC và đồng minh (gọi là OPEC+).

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Nga có xu hướng vượt khỏi khuôn khổ các điều kiện hợp tác với OPEC. Các công ty sản xuất dầu thô nước này được điều hành bởi Rosneft cũng khiến Mỹ nổi giận với những động thái chiếm thị phần. Vào tháng 11/2019, Mỹ công bố áp dụng lệnh trừng phạt nhằm hoãn kế hoạch Nord Stream 2, dự án ống dẫn dầu của Nga đến Châu Âu. Vào tháng 2/2020, Mỹ tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt Rosneft vì những thỏa thuận của công ty này với Venezuela.

Sự hợp tác của Nga với OPEC khiến nước này có thêm tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, khi Ả Rập Xê Út hứng chịu hầu hết những gánh nặng từ việc cắt giảm sản lượng sản xuất. Sức chịu đựng của Ả Rập Xê Út đến giới hạn khi bùng nổ đại dịch virus corona ở Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đặt sức ép lên giá dầu toàn cầu. Với tình hình dịch bệnh ngày càng có diễn biến phức tạp và lan rộng đến nhiều quốc gia cũng như tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu, nhu cầu dầu thô được ước tính sẽ tiếp tục giảm xuyên suốt năm 2020. Tăng khả năng cung ứng ở thời điểm nhu cầu tiêu thụ giảm có thể khiến giá dầu thô giảm xuống dưới mức 30 USD vào quý 2 năm nay, theo ngân hàng Citi Bank.

Các quốc gia nhỏ hơn, kém ổn định hơn và phụ thuộc vào doanh thu từ dầu thô như Nigeria được dự đoán sẽ chịu tổn thất nặng nề từ cuộc chiến giá dầu. Chính phủ I-rắc vốn đã gặp nhiều khó khăn với nền kinh tế bết bát, giá dầu đi xuống có thể sẽ giáng đòn mạnh hơn đến kinh tế nước này. 

Ngay cả với Mỹ, ngành công nghiệp sản xuất đá phiến sét ở một số bang như Texas hay North Dakota sẽ phải chịu thiệt hại song song như cắt giảm sản xuất hay thậm chí gián đoạn hoàn toàn khi giá dầu giảm mạnh, nhu cầu dẩu giảm sâu. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi các doanh nghiệp đá phiến Mỹ vốn đã phải đối mặt với nhiều thử thách trước đó như khả năng duy trì lợi nhuận. Dù chuyên gia kinh tế nhận định công nghiệp đá phiến Mỹ khó có thể sụp đổ, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn sẽ dần sáp nhập với đối thủ mạnh hơn. 

Nga khó có thể loại bỏ ngành công nghiệp đá phiến ở Mỹ, trái lại giá dầu giảm mạnh có thể tác động xấu đến kinh tế Nga. Tuy nhiên, không giống với Ả Rập Xê Út do mệnh giá tiền tệ phụ thuộc vào đồng USD, Nga sẽ không phải đối mặt với vấn đề dòng tiền mất giá. Vào ngày 10/3, Bộ tài chính Nga tuyên bố nước này có đủ dự trữ ngoại hối nhà nước để chống chọi với một thập kỉ giá dầu nằm ở mức từ 25 USD đến 30 USD. Nga chưa thể hiện động thái muốn quay trở lại bàn đàm phán với OPEC.

Là một trong số các quốc gia cung cấp dầu thô rẻ nhất trên thế giới, Ả Rập Xê Út có thể sẽ còn có những động thái khác nhắm vào Nga. Aramco có hơn 50 năm dự trữ dầu, và giá thành sản xuất mỗi thùng dầu của công ty này có thể chỉ rơi vào khoảng 9 USD/ thùng so với mức 15 USD/ thùng của Nga, theo Rystad Energy. Tuy nhiên, nước này có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất – thậm chí con số 12.3 triệu thùng/ ngày cũng sẽ đòi hỏi lấy đi lượng lớn dự trữ từ kho dự trữ nước này.

Cuộc chiến giá dầu có vẻ sẽ không thể tìm ra người thắng cuộc.

Vân Anh
Cùng chuyên mục