Chiêu lừa đảo cũ khiến vợ nạn nhân Rào Trăng 3 mất 100 triệu đồng
"Lúc đó linh tính mách bảo, tôi mở app ra kiểm tra thì thấy đã mất tiền. Suy sụp, tưởng là đã mất tất tiền mọi người gửi cho anh", chị Lê Thị Thu Thảo, hiện sống tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết.
Chồng chị, anh Trần Văn Lộc là một trong 17 nạn nhân vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 vào ngày 12/10. Thi thể anh Lộc vừa được đưa từ Thừa Thiên Huế về nhà vào ngày 17/10.
Biết được hoàn cảnh của chị Thảo, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp tiền để ủng hộ. Những ngày gần đây, rất nhiều người gọi đến để chia buồn, động viên chị Thảo. Tuy nhiên, cuộc điện thoại nhận được vào chiều 20/10 lại khiến chị bị mất số tiền 100 triệu đồng.
"Người gọi cho tôi nói là muốn chuyển 6 triệu đồng để động viên gia đình, nhưng lại chuyển từ một tài khoản quốc tế. Anh ấy nói, chia buồn rất lâu, sau đó bảo sẽ gửi tin nhắn rồi hướng dẫn tôi nhập thông tin. Họ nói là chỉ cần bấm vào là nhận được tiền", chị Thảo chia sẻ.
Sau đó, chị Thảo nhận được một tin nhắn chứa liên kết. Dùng một điện thoại khác để vào đường dẫn này, trang web hiện ra yêu cầu chị nhập số tài khoản, mật khẩu dịch vụ ngân hàng.
"Anh ta nói rất dài, chia buồn với tôi rồi còn bảo vợ ra nói chuyện thêm. Lúc đó tôi thấy họ nói chuyện lan man, khó hiểu, như để câu giờ. Trong hôm đó tôi đã nghe đến hàng chục cuộc điện thoại, được nhiều người ủng hộ tiền, nhưng đều là chuyển qua các ngân hàng trong nước. Đúng lúc ấy, như có linh tính mách bảo, tôi mới mở ứng dụng ngân hàng để kiểm tra", chị Thảo kể lại.
Đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng Vietcombank, chị Thảo hoảng loạn vì thấy thông báo tài khoản đã đăng nhập trên máy khác. Theo chị Thảo, chị phải mất 4 lần mới đăng nhập được vào ứng dụng này. Khi đó, phần thông báo trong ứng dụng cho thấy tài khoản của chị đã chuyển tiền 2 lần, tổng cộng 100 triệu đồng.
Trong ứng dụng lúc đó đã hiện lệnh chuyển tiền thứ 3, nhưng chưa được thực hiện. "Có thể đúng lúc đó tôi mở app nên không bị mất tiền nữa", chị Thảo nghi vấn.
Ngay sau đó, chị Thảo cùng người nhà đi trình báo sự việc tới Công an huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Chị Thảo cho biết phía công an thông báo đã chuyển sự việc lên Bộ Công an để điều tra.
"Tôi cũng rất thắc mắc vì sao không nhận được tin nhắn về mà tiền vẫn bị chuyển đi. Thông thường khi chuyển tiền lúc nào tôi cũng phải nhập mã xác nhận trong tin nhắn", chị Thảo nói thêm.
Theo nạn nhân này, sáng 21/10 có cuộc gọi từ phía ngân hàng Vietcombank, cho biết vụ việc này đang được điều tra. Trả lời PV, một đại diện của ngân hàng cho biết sẽ sớm có thông tin chính thức về sự việc.
Kiểu lừa đảo thông qua các đường dẫn (link) giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính đã xuất hiện nhiều. Cách làm chung của kẻ lừa đảo là giả chuyển tiền từ tài khoản quốc tế, sau đó gửi đường dẫn và yêu cầu nạn nhân nhập thông tin ngân hàng.
Vào tháng 2, ngân hàng Vietcombank đã đưa ra cảnh báo về các website giả mạo chuyển tiền quốc tế. Mục đích của các website này là lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Trong thông báo, Vietcombank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không đăng nhập dịch vụ VCB – iB@nking của Vietcombank từ các website lạ; không tiết lộ tên đăng nhập, mật khẩu và mã PIN của các dịch vụ cho bất kỳ ai, qua kênh nào.
Ngân hàng Vietcombank cũng khuyên khách hàng thường xuyên thay đổi mật khẩu, đặt mật khẩu đủ phức tạp, khó suy đoán.