Cho DN định giá xăng dầu: Người tiêu dùng xuống... thứ yếu!

Mai Hương Thứ năm, ngày 19/06/2014 07:07 AM (GMT+7)
Nghị định 84 sau gần 17 tháng chỉnh sửa đến nay vẫn chưa thể ban hành. Nguyên nhân chính vẫn là do việc trao quyền định giá một cách thông thoáng cho các doanh nghiệp (DN) bị dư luận phản ứng...
Bình luận 0

Sửa nửa vời

Tại kỳ họp này của Quốc hội, khi đánh giá về Nghị định 84, cả hai Bộ trưởng Tài chính và Công Thương đều nhìn nhận rằng, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đã tránh được các cú sốc về giá và người dân đã quen dần với sự lên-xuống của giá xăng dầu. Tuy nhiên, các Bộ trưởng cũng cho biết, việc sửa Nghị định 84 là cần thiết nhằm điều hành giá xăng dầu mềm dẻo, sát thực tế hơn. Theo đó, nội dung Nghị định 84 thời gian tới sẽ được sửa đổi và ban hành sớm theo hướng sát diễn biến thị trường hơn.

Và để đúng theo hướng "sát thị trường hơn", Nghị định 84 sửa đổi đã được đề xuất cơ chế định giá vẫn theo 3 mức (nhưng biên độ có thấp hơn trước), cụ thể: DN xăng dầu có quyền tự định giá (tăng, giảm với biên độ 2%), còn với các biên độ cụ thể trên 2- 7%, thì Nhà nước và cùng tham gia với DN. Trên 7% thì Nhà nước "quyết".

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ chế điều hành giá như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và người tiêu dùng vẫn xếp hàng thứ yếu. Theo ông Long, hiện xăng dầu chưa có thị trường cạnh tranh thực sự, còn có DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường (thực chất là độc quyền nhóm). Sự cạnh tranh còn rất yếu, bởi hiện trên thị trường kinh doanh xăng dầu nước ta có 21 đầu mối, nhưng Petrolimex vẫn chiếm khoảng gần 50% thị phần. Giá cơ sở để tính giá bán lẻ xăng dầu đều được tính từ "ông lớn" Petrolimex.

Điểm “tối” nhất của Nghị định 84 là để cho DN tự định giá theo biên độ, ai cũng biết, nhưng sửa lại vẫn là để cho DN tự định giá theo biên độ, có chăng thấp hơn, vậy là "sửa quá nửa vời, vô lý". Trên thực tế, khi giá xăng dầu thế giới vừa tăng nhẹ, trong thời gian quy định các DN xăng dầu ngay lập tức kêu lỗ và tăng giá.

Khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục và giảm sâu, các DN đã không giảm giá kịp thời, hoặc giảm rất ít và viện đủ lý do cho việc giảm giá không tương xứng này. Ông Long cho rằng, với biên độ cho phép DN xăng dầu tự tăng giá đến 2%, so với mức giá xăng hiện tại thì DN được phép tăng trên 400 đồng/lít - mức giá tuyệt đối mà DN được phép tăng như vậy sẽ không phải là nhỏ và nếu cứ tăng liên tục theo quy định thì người dân cũng đủ "hết hơi".

Nhà nước muốn "buông"

Trên cơ sở sửa đổi Nghị định 84 như nói trên, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị, cần mạnh dạn cho DN tự định giá xăng dầu trên cơ sở hướng dẫn của Nhà nước... Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại: Thị trường xăng dầu chưa hình thành cạnh tranh đúng nghĩa, nếu Nhà nước "buông" thì dân quá "gay".

"Giờ Nhà nước đang "bám" vào mà giá xăng dầu cũng đã nhảy loạn xạ, người dân, DN không có quyền lựa chọn giá khi mua xăng. Nếu Nhà nước bỏ quyền định giá thì không biết nền kinh tế, quyền lợi người dân sẽ đi về đâu trong tay một vài DN xăng dầu lớn như hiện nay?!"- ông Doanh nói.

Phân tích sâu hơn vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, thị trường xăng dầu Việt Nam, với 11 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, trong đó Petrolimex chiếm đến gần 60% thị phần, PVOil chiếm gần 20%, hai DN trên chiếm đến 80% thị phần nên việc để cho DN tự định giá là chưa hợp lý.

Hơn nữa, tính công khai, minh bạch của DN trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu chưa đảm bảo để họ tự quyết định giá. Với năng lực hạn chế trong viêc kiểm soát nguyên tắc tính giá xăng dầu của DN như hiện nay, nếu Nhà nước tiếp tục để cho họ tự định giá dù biên độ hẹp cũng sẽ rất nguy hại. DN xăng dầu đang thống lĩnh thị trường họ sẽ làm mọi cách để tính giá có lợi cho DN và đưa lại lợi nhuận mà Nhà nước rất khó "cầm cương", còn người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt.

"Tôi vẫn e ngại khi Nhà nước giao quyền tự quyết về giá cho DN đầu mối xăng dầu. Theo tôi, cần giảm vai trò thống lĩnh thị trường của các DN thị phần lớn, như nâng thị phần của các DN nhỏ, cho phép DN nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam. Petrolimex hiện nay đang gần như dẫn dắt về giá, các DN nhỏ vẫn phải định giá dựa vào "ông lớn" này, như thế đâu có cạnh tranh và có lợi cho người tiêu dùng và xã hội”.
Ông Phạm Tất Thắngchuyên gia kinh tế

Ông Ánh đề nghị: Với thị trường xăng dầu, để phù hợp với thể chế xác định giá đối với thị trường, khi còn có DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường, phù hợp với Luật Giá đã ban hành, Nhà nước cần quy định giá trần, mới đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh về giá giữa các DN.

Theo đó, giá bán của các DN không được vượt qua giá trần. Để làm được như vậy, bản thân DN cần cố gắng phấn đấu giảm chi phí quản lý, kinh doanh, tiếp thị để giảm giá bán nhằm thu hút khách hàng. Mức giá tối đa này phải đảm bảo cho DN bù đắp được chi phí và có lãi hợp lý, phải sát với giá thị trường.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem