Chợ lá Tây Ninh, phiên chợ độc đáo dùng lá cây thay tiền

Trần Khánh Chủ nhật, ngày 13/02/2022 14:13 PM (GMT+7)
Dùng lá cây thay tiền là một nét đẹp độc đáo, có một không hai tại Tây Ninh. Chợ không dùng tiền mặt. Chỉ có chiếc lá trao đi, món hàng trao lại. Tất cả cùng cảm ơn nhau, chúc nhau những lời tốt lành đầu năm mới.
Bình luận 0

Độc đáo phiên chợ lá Tây Ninh 

Clip: Độc đáo phiên chợ dùng lá cây thay tiền.

Chợ lá là nét đẹp truyền thống ở Tây Ninh, xuất hiện từ khoảng 10 năm nay. Chợ lá Tây Ninh được tổ chức hàng năm. Cứ vào dịp rằm tháng Giêng (âm lịch), người bán kẻ mua lại tề tựu về chợ lá.

Phiên chợ sáng hôm nay (13/2) được tổ chức dọc theo con đường Nguyễn Quốc Gia (cửa 8 Chợ Long Hoa, Trung tâm thương mại Long Hoa).

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chợ lá Tây Ninh tạm hoãn. Năm 2022, chợ lá Tây Ninh được tổ chức sớm hơn mọi lần vì tranh thủ dịp nghỉ cuối tuần (ngày 12 - 13/2). Phiên chợ kéo dài đến hết rằm tháng Giêng.  

Điểm chung là phiên chợ lá bắt đầu từ rất sớm và cũng kết thúc rất nhanh. Chợ lá Tây Ninh mở cửa từ khoảng 5 giờ 30 phút sáng; chỉ sau 1-2 giờ đồng hồ là chợ vãn.

Chỉ Thu Trang ở xã trường Hòa (TX.Hòa Thành) tham gia bán hàng ở phiên chợ lá này đã 5 năm. Chị Trang kể, chị đã phải chuẩn bị các món hàng từ tối hôm trước. Đến 4 giờ sáng thì chị thức dậy, đưa gian hàng bánh mì đến chợ lá.

Chị Trang bán hàng ở chợ lá không phải để kiếm lời. Chị tham gia chợ lá vì chỉ muốn đem chút niềm vui nhỏ đến với mọi người.

Đã gọi là chợ thì phải có gì đó trao đổi vì chợ lá bán hàng, không lấy tiền. Thế là lá cây được dùng để thay thế cho tiền.

"Mang hàng hóa đến chợ để chia sẻ, để nhận lại những lời cầu chúc tốt lành đầu mới là chính là niềm hoan hỷ của chợ lá", chị Nga nói.

Lá cây được dùng để thay tiền mặt ở chợ lá Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Lá cây được dùng để thay tiền mặt ở chợ lá Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Có mặt ở chợ lá Tây Ninh từ sáng sớm, chị Hồng Nga, ngụ TP.Tây Ninh dẫn theo con trai 10 tuổi để cậu bé biết thêm nét độc đáo của phiên chợ quê hương.

Chị Nga nhẩm đếm có đến trên 20 món ăn, từ dân dã đến cầu kỳ trong phiên chợ. Khách sẽ mua những món hàng mình thích và thưởng thức tại chỗ hoặc đem về nhà.

Không cần biết mệnh giá, khách mua cứ mua, người bán cứ bán. Muốn mua thứ nào, khách chỉ việc đưa một chiếc lá cho người bán, thế là xong.

"Chiếc lá trao đi, món hàng trao lại. Tất cả cùng cảm ơn nhau, chúc nhau những lời tốt lành đầu năm mới", chị Nga kể.

Hồn quê bình dị ở chợ lá Tây Ninh

Quy mô chợ lá tuy nhỏ, chỉ chừng 20 gian hàng nhưng khách đến chợ rất đông. Người đến chợ không chỉ là dân địa phương mà còn là du khách từ những tỉnh, thành khác.

Trong chợ lá, người ta không khó để nhận ra những nụ cười tươi vui, niềm háo hức của trẻ con, sự mừng rỡ của người lớn. Không một ai nghĩ đến chuyện hơn - thua, được - mất, ít nhất cho đến lúc chợ tan.

"Người đến chợ như lạc vào cõi thoát tục, lánh xa những hơn - thua, được - mất. Vì thế mà chợ lá còn có tên gọi khác là chợ tiên", chị Nguyễn Thu Hương đến từ TP.HCM giải thích.

2 năm trước, chị Hương biết đến phiên chợ này qua mạng xã hội. Phiên chợ này có lẽ là duy nhất trong cả nước không dùng tiền mặt.

Một khách hàng nhí dùng lá để mua hàng trong chợ lá. Ảnh: Trần Khánh

Chợ lá vẫn giữ nguyên nét mộc mạc và bình dị, tạo thành nét rất riêng của người dân Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Chợ lá Tây Ninh mang khát vọng mong ước một năm thuận hòa, đủ đầy và sung túc. Năm nay, chị Hương lại đến chợ lá, để được hòa mình trong tiếng nói cười rôm rả của phiên chợ.

"Và để cầu mong cũng vào dịp này năm sau, mọi người lại về đây, cùng mua bán, trao đổi bằng lá cây, và bằng cả tấm chân tình", chị Hương chia sẻ.

Người đầu tiên tổ chức phiên chợ lá này bác sĩ Bùi Quốc Thái, một thầy thuốc Nam, hay làm từ thiện ở Tây Ninh. 

Phiên chợ hình thành từ năm 2010. Ngoài khoản chi phí tự có, bạn bè bác sĩ Thái cùng đóng góp thêm. Ai có gì góp nấy để buổi chợ phong phú thêm về các đồ ăn thức uống.

Dần dà, phiên chợ được nhiều người biết đến. Những người tham gia biến phiên chợ thành một buổi chợ để chia sẻ và cầu nguyện tài lộc đầu năm. Lá cây được dùng làm tiền để trao đổi hàng hoá.  

Đến nay, chợ lá vẫn giữ nguyên nét mộc mạc và bình dị, tạo thành nét rất riêng của người dân Tây Ninh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem