PTT Vương Đình Huệ: “Big Four” ngân hàng sẽ kịp tăng vốn vào năm 2020
Ngày 30/12/2019, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu nhiều nội dung đáng chú ý của dự thảo nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Trong đó, tăng vốn điều lệ cho nhóm Big Four ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank cũng được Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.
PTT Vương Đình Huệ cho biết, mục tiêu xuyên suốt trong điều hành tiền tệ vẫn là chủ động, linh hoạt với chính sách tài khoá, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát. Đến cuối năm 2020 các ngân hàng thương mại phải có mức vốn tự có đáp ứng chuẩn Basel II.
Đề cập tới tăng vốn điều lệ các ngân hàng thương mại Nhà nước giữ trên 50% vốn và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank), Phó thủ tướng thông tin sẽ "được tiến hành kịp thời" trong năm 2020.
Hiện, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) - một trong những tỷ lệ quan trọng của hoạt động tài chính ngân hàng, của 4 nhà băng Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã tiến sát ngưỡng cho phép theo Thông tư 41/2016 và quy định Basel II. Tín dụng cho vay trên thị trường 1 (thị trường dân cư) của nhóm ngân hàng này chiếm gần 48% toàn hệ thống.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ tháng 11, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc không được tăng vốn kịp thời sẽ khiến các nhà băng này "có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng". Điều này bất lợi khi vốn đầu tư ở Việt Nam phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng.
Đề cập sâu hơn về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2020, dự thảo nghị quyết nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.
Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thử nghiệm nhằm phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số,... theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp truyền thống, tăng tính thuận tiện trong hoạt động tiêu dùng của nhân dân.
Chính phủ vẫn xác định điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Đồng thời, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn "tín dụng đen". Phê duyệt và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng là nhiệm vụ được nêu tại dự thảo.
Theo dự thảo, năm 2020 sẽ quyết liệt xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt.