Chính phủ giao Thống đốc tiếp tục báo cáo việc tăng vốn cho “Big 4” ngân hàng
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thị trường tiền tệ quốc tế, đánh giá, dự báo tác động để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là những ngân hàng thương mại yếu kém, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó có nội dung về việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Ông Thanh cho biết, quá trình góp ý dự thảo nghị quyết có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vào dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình. Do vậy, xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo nghị quyết.
Liên quan đến nội dung này, tại cả hai kỳ họp Quốc hội trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đều kiến nghị cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Tại báo cáo trước thềm kỳ họp này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng thương mại nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.
Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).