Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và giấc mơ nền nông nghiệp thông minh

Hải Phong - Minh Phong ghi Thứ năm, ngày 22/12/2016 09:57 AM (GMT+7)
“Bình thường, nếu chúng ta may áo thì gọi là sản phẩm công nghiệp, làm ra xà lách thì gọi là sản phẩm nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng các khái niệm đó trong cuộc cách mạng số sẽ giao thoa với nhau. Không phải là vật gì mà cách làm ra nó như thế nào”.
Bình luận 0

img

Chủ tịch CLB nông nghiệp công nghệ cao - DAA Trương Gia Bình hướng dẫn Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TP.HCM trải nghiệm truy xuất nguồn gốc rau với tem thông minh DAA - (Ảnh: Nguyên Văn)

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã chia sẻ những nhận định của mình về sự thay đổi của nghành nông nghiệp Việt Nam khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ập tới, đặc biệt là những trăn trở, kỳ vọng của ông vào một nền nông nghiệp thông minh, nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ số trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Nhân tố chính của nông nghiệp số là doanh nghiệp

Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định, dù không biết cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 (CMCN 4.0) sắp đến sẽ đưa thế giới đi về đâu nhưng nếu muốn tồn tại, cần phải thay đổi theo hướng phát triển của nó.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của CMCN 4.0 đến lĩnh vực nông nghiệp, ông Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam là một quốc gia đi tiên phong trong CMCN lần thứ 4.

“Cách mạng công nghiệp phải gắn với cuộc cách mạng giống ở từng địa phương, từng mảnh ruộng. Không có giống tốt nhất mà chỉ có giống phù hợp nhất với mảnh đất. Đồng thời, nhân tố quan trọng nhất trong xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp là doanh nghiệp. Bởi con đường sẽ xa hơn nếu bảo người nông dân chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp số” – ông Bình nói.

Nhìn vào bối cảnh của Việt Nam, Chủ tịch FPT mường tượng về sự ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 như sau: Trên những cánh đồng rộng lớn sẽ có những máy bay bay đi đo đạc, xem xét đồng ruộng. Chúng như đôi mắt thần sẽ xem xét và sẽ điều chỉnh gần như chính xác lúc này đồng ruộng cần gì, liều lượng bao nhiêu… thậm chí sẽ thông báo hôm nay người nông dân phải thu hoạch ở đâu để đem lại năng suất tốt.

Còn đối với doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình cũng lạc quan đánh giá, việc doanh nghiệp muốn học hỏi tìm hiểu công nghệ ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu, Israel, Nhật Bản… là không khó, việc chuyển giao công nghệ về Việt Nam cũng không khó.

Chủ tịch tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, nếu để ý một doanh nghiệp làm nông nghiệp, họ gần như làm hết tất cả các khâu từ khâu chạy đất cho đến giải phóng, xây dựng hạ tầng , chọn giống, thức ăn, chế biến... Một người làm từ A – Z không thể nào có tính cạnh tranh, bởi anh có thể tốt ở một khâu nhưng khâu khác anh không chuyên. Khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, nâng cao chuỗi liên kết thì quy mô, năng suất sẽ tăng, có thể có những chỗ đứng cao trên thế giới”.

Nhắc lại khái niệm tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao mà mình mới đề cập tại Hội thảo “Quản trị và khởi nghiệp” được tổ chức tại TP.HCM cách đây ít ngày, vị Chủ tịch FPT nhấn mạnh thêm: “Bình thường, nếu chúng ta may áo thì gọi là sản phẩm công nghiệp, làm ra xà lách thì gọi là sản phẩm nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng các khái niệm đó trong cuộc cách mạng số sẽ giao thoa với nhau. Không phải là vật gì mà cách làm ra nó như thế nào. Theo đó các doanh nghiệp sử dụng công nghệ số vào quá trình hoạt động sản xuất sẽ có sản phẩm vượt trội hơn hết thảy những thứ gọi là sản phẩm nông nghiệp hay công nghiệp hiện tại”.

img

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình rất kỳ vọng sẽ kết nối, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ số. (Ảnh: I.T)

Chốt lại, ông Bình khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể là một quốc gia giàu có, sống sung túc nếu chúng ta thực hiện thành công một nền nông nghiệp thông minh.

Nếu nỗ lực, Việt Nam có thể vươn lên hàng đầu

“Tôi ví dụ, trong lịch sử Việt Nam từng rất nổi tiếng về thuốc nam. Giả sử bây giờ nói đến một nền nông nghiệp thuốc nam với cách tiếp cận của Hải Thượng Lãn Ông, nhưng sản xuất dưới dạng viên thì chúng ta có thể rất nổi tiếng về một thương hiệu nông nghiệp mới, thực phẩm chức năng mới. Những sản phẩm nông nghiệp như vậy có giá trị gia tăng, tôi nghĩ rằng năng suất lao động không chỉ là hàng trăm triệu đồng Việt Nam như bây giờ mà phải là vài chục tỷ Việt Nam đồng”.

Trả lời câu hỏi làm cách nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh và thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao, ông Trương Gia Bình nhận định: Hiện nay có khoảng 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp. Con số này cho thấy sự tăng trưởng rất nhanh, vì trước đây vài năm chỉ có 200 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

“Nhưng tôi cho rằng trong thời gian tới con số này sẽ tăng vọt. Và khi nhiều doanh nghiệp vào làm với quy mô lớn, chúng ta có thể có vị thế trên thế giới”, Chủ tịch FPT đánh giá.

Ông Bình dẫn chứng luôn: Ví dụ như chanh leo tím ở Việt Nam đã là số 1 thế giới. Lần lượt Việt Nam có thể chiếm hàng loạt các vị trí trên thế giới trong thời gian tới khi mà các doanh nghiệp nhảy vào làm tạo thành quy mô, có tính chất công nghệ cao, chuyên môn hóa từng khâu hoạt động. Người vận chuyển và sản xuất phải là những người riêng, khoa học công nghệ và dịch vụ phải riêng, đó là hình dung của tôi về cấu trúc nông nghiệp của Việt Nam.

Người đứng đầu Tập đoàn FPT kỳ vọng trong 15 năm tới Việt Nam sẽ có được nền nông nghiệp thông minh.

“Chỉ 15 năm nữa, hy vọng sẽ có hàng trăm nghìn doanh nghiệp làm nông nghiệp và mở rộng các khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Việt Nam sẽ có một số sản phẩm xuất khẩu đạt sản lượng cao, chiếm một vài vị trí trên thế giới” – ông Trương Gia Bình dự đoán.

Ông Bình cho rằng với vai trò là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT cần dẫn dắt về công nghệ trong các ngành trọng điểm của Việt Nam, trong đó có nông nghiệp. Việc bắt tay, kết hợp sớm giữa các doanh nghiệp nông nghiệp - hiểu biết về chuyên môn và doanh nghiệp công nghệ - hiểu biết về công nghệ để cùng tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp với đặc thù Việt Nam sẽ thúc đẩy việc hình thành nền nông nghiệp thông minh nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Nói về kỳ vọng vào nền nông nghiệp thông minh của Việt Nam, người đứng đầu FPT cho rằng nếu Việt Nam muốn và nỗ lực, hoàn toàn có thể vươn lên một trong những quốc gia hàng đầu.

“Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam muốn và nỗ lực thì hoàn toàn có thể trở thành quốc gia hàng đầu về nông nghiệp trên thế giới vì thứ nhất, ở Mỹ, Úc, Nhật vẫn chỉ là hộ gia đình, còn ở Việt Nam là công ty. Sự khác biệt giữa một hộ giỏi đến đâu đi nữa so với cấu trúc một công ty chuyên nghiệp hóa khác nhau rất nhiều. Cái sáng tạo đầu tiên của Việt Nam là chủ thể sản xuất, nếu là hộ gia đình trong quan hệ hợp tác xã vẫn không thể so được với công ty và tôi nhìn thấy bắt đầu có những dịch chuyển như vậy ở Nhật Bản. Tức là các tập đoàn lớn ở Nhật Bản đang xin phép Chính phủ nước này thay thế những gia đình nông dân bằng công ty”, ông Bình nói.

Cũng theo phân tích của ông Trương Gia Bình, sự khác biệt thứ hai là nguồn lực mà Việt Nam có thể chạm đến là 70% dân số, trong khi các nước khác chỉ là 2%. Nếu nói đến nông nghiệp chúng ta không chỉ nói đến canh tác mà có thể nói đến chế biến, dịch vụ… cần phải có nguồn nhân lực mà ở nước khác không có. Thứ ba là lợi thế về điều kiện tự nhiên, chúng ta có thể thâm canh tăng vụ mà nước khác chỉ làm được một mùa.

“Do đó, so về tương quan lực lượng mình có một số điểm thuận lợi. Vấn đề là mình có muốn làm hay không”, ông Bình chốt lại.

“Với quan hệ quốc tế rộng mở, FPT sẽ biết ai là chuyên gia hàng đầu trên thế giới về nông nghiệp, về lĩnh vực công nghệ số, để từ đó mang công nghệ cao đó về Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng một cách phù hợp nhất, thông minh nhất. FPT sẽ giải quyết về công nghệ, quan hệ quốc tế” –ông Trương Gia Bình khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem