Chủ tịch Hội NDVN: Bơm chích tạp chất tôm làm ảnh hưởng tới nông dân

Nguyễn Công Thứ bảy, ngày 23/12/2017 15:58 PM (GMT+7)
Báo NTNN đã phản ánh về tình trạng sản xuất kinh doanh nông sản gian lận, mất an toàn vệ sinh gây ảnh hưởng tới nông dân và các cơ sở làm ăn chân chính. Làm gì để ngăn chặn tình trạng nguy hại này, bảo vệ nền sản xuất và sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng? Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Lại Xuân Môn lên tiếng về vấn đề này.
Bình luận 0

img

Sau khi đọc các thông tin trên NTNN, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã bức xúc cho rằng: “Đây thực sự là 1 vấn nạn cần phải dẹp bỏ sớm, không thể để một bộ phận thương lái và cơ sở kinh doanh làm liều khiến ND, người tiêu dùng lãnh hậu quả...”.

Ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu đang xảy ra tràn lan ở một số tỉnh ĐBSCL?

- Qua nắm bắt thông tin của tôi, ND nuôi tôm đang rất bức xúc về tình trạng bơm tạp chất. Những bức xúc của ND cũng là bức xúc của tôi với tư cách cá nhân cũng như vị trí là người đứng đầu giai cấp NDVN. Tôi đã chỉ đạo các cơ quan báo chí của Hội, trực tiếp là Báo NTNN phải tìm hiểu thêm, làm rõ hơn tình trạng này.

Tôi cho đây là một vấn nạn nghiêm trọng cần phải được dẹp bỏ. Không thể để một nhóm thương lái, cơ sở thu mua làm liều, vi phạm pháp luật rồi hậu quả cuối cùng lại đổ xuống đầu người ND nuôi tôm. Vấn nạn bơm tạp chất, bơm nước không chỉ ở tôm nguyên liệu mà còn xuất hiện ở nhiều mặt hàng thủy hải sản, sản phẩm chăn nuôi khác. Báo NTNN cần tiếp tục điều tra, theo dõi, phản ánh và đưa ra công luận những tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm đó.

Thưa ông, có thể khẳng định việc bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, bơm nước vào bò lợn trước khi giết mổ, dùng thủ thuật biến cá nuôi thành cá đồng... chủ yếu là hành vi của các thương lái, cơ sở kinh doanh?

- Chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản là lĩnh vực có thế mạnh và nhà nước đã, đang và sẽ có nhiều chính sách giúp đỡ, hỗ trợ, khuyến khích ND áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng. Là người nuôi trồng, ở đâu đó vẫn còn ND lạm dụng kháng sinh, thức ăn tăng trọng, chất tạo nạc... trong chăn nuôi, nhưng về cơ bản, tôm cá, trâu bò, lợn... khi xuất bán đều đảm bảo chất lượng để tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Hiện nay việc chăn nuôi, nuôi trồng đã và đang tiếp tục được lực lượng chức năng giám sát khá chặt chẽ ở các quy trình, công đoạn. Vậy chỉ có ở khâu vận chuyển, phân phối mới xuất hiện tình trạng bơm tạp chất, bơm nước, nhuộm hóa chất... cho sản phẩm chăn nuôi để trục lợi bất chính. Đó là hành vi của một bộ phận thương lái, đầu nậu, đại lý thu mua, cơ sở giết mổ và chế biến.

img

Thực trạng mà ông chia sẻ đã được báo động từ khá lâu, nhưng tại sao không những chưa giải quyết được mà còn có chiều hướng gia tăng?

-Để thực trạng trên diễn ra tràn lan, một số nơi diễn ra công khai, tôi cho rằng trách nhiệm trước hết ở các ngành chuyên môn quản lý như các ngành nông nghiệp, quản lý thị trường và các cấp chính quyền. Thêm vào đó, tình trạng bơm, nhồi tạp chất vào thủy sản, vật nuôi, biến cá nuôi thành cá đồng, buộc cua bằng dây ngâm nước và tẩm bùn đất... tràn lan như Báo NTNN vừa phản ánh chứng tỏ công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đoàn thể, trong đó có Mặt trận Tổ quốc và Hội ND là chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đáng lẽ, đối với những hoạt động phi pháp, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải có sự giám sát, báo cáo, đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý. Bản thân từng hội viên, đoàn viên cũng cần nêu cao tinh thần giám sát, phản ánh với các cơ quan chức năng về những hành vi gian dối, vi phạm pháp luật nêu trên.

Những hành vi sản xuất bẩn đó sẽ có tác hại như thế nào đối với sản xuất của ND, thưa ông?

-Rõ ràng hành vi đó rất có tác hại đến người ND trực tiếp nuôi trồng thủy sản. Cái lợi phi pháp thì thương lái hưởng, còn cái tiếng xấu, cái hại cho sản xuất thì ND chịu. Thời gian qua, nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã bị đối tác nước ngoài trả về bởi dư lượng kháng sinh cao vượt chuẩn và dính đến tạp chất. Số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay trực tiếp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu chưa nhiều mà chủ yếu là thu gom nguyên liệu từ các thương lái. Hàng xuất khẩu bị trả về, doanh nghiệp thua lỗ, hạ sản lượng, thậm chí là dừng thu mua thủy sản nguyên liệu khiến ND không bán được, thương lái ép càng giá. Hơn nữa, khi nghe đến tôm bơm tạp chất, trâu bò bơm nước... người tiêu dùng thường nghĩ “thủ phạm” là ND và tẩy chay sản phẩm khiến bà con điêu đứng, sản xuất đình trệ…

Phía Hội NDVN đang và sẽ có giải pháp gì để góp phần đẩy lùi tình trạng sản xuất thực phẩm bẩn, bảo vệ ND làm ăn chân chính?

- Nhiều năm qua, Hội NDVN luôn tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hỗ trợ, xây dựng các mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn; lên án, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Trước tình hình “nóng” về an toàn thực phẩm, ngày 25.4.2016 vừa qua, tôi đã ký Công văn số 1516 gửi Hội ND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục thực hiện “Nói không với thực phẩm bẩn”. Tiếp đó, ngày 29.6.2016, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đã ban hành Nghị quyết số 27 về tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn. Nhiều tỉnh, thành phố đã hưởng ứng tích cực và xây dựng kế hoạch, nội dung thực hiện rất sát với thực tiễn như Ninh Bình, Nghệ An…

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem