Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Phát huy vai trò chủ thể nông dân trong phát triển nông nghiệp

Thu Hà Thứ sáu, ngày 10/12/2021 15:41 PM (GMT+7)
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng việc phải phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân, người dân nông thôn hơn lúc nào hết đang đặt ra và ngày càng trở lên có ý nghĩa khi toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thể chế, thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Bình luận 0

Chiều nay, 10/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo "Phát huy vai trò chủ thể của nông dân, người dân nông thôn và định hướng quản lý xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, hiện đại bền vững trong bối cảnh mới".

Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 cùng đồng chí Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 chủ trì Hội thảo.

Cùng tham dự hội thảo có các Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, đơn vị liên quan; trưởng các ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. 

Dự hội nghị còn có sự tham dự trực tuyến Hội ND của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đạt được nhiều thành tựu to lớn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Nông Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Phát huy vai trò chủ thể nông dân trong phát triển nông nghiệp - Ảnh 1.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc tại Hội thảo. Ảnh: Đức Quảng.

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện; nhiều mặt đã phát triển ngang bằng và vượt các nước trong khu vực ASEAN.

Góp phần vào thành tựu đã đạt được đó có phần đóng góp quan trọng từ kết quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 ngày 05/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm, với những thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử.

Giai cấp nông dân Việt Nam được quan tâm nâng tầm và vị thế, ngày càng thể hiện vai trò chủ thể, chủ nhân trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Phát huy vai trò chủ thể nông dân trong phát triển nông nghiệp - Ảnh 2.

Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng phát biểu tổng kết Hội thảo. Ảnh: Đức Quảng

Song song với đó, đời sống kinh tế, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh. 

Xã hội nông thôn ngày càng được quan tâm, củng cố, hoàn thiện đảm bảo cơ thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng nông thôn mới với môi trường, cảnh quan ngày càng cải thiện, xanh - sạch - đẹp hiện đại.

Tuy vậy, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. 

Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệch vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, vai trò cộng đồng chưa phát huy tốt, nếp sống văn hoá nông thôn, nơi gìn giữ những truyền thống văn hoá cao đẹp của dân tộc ở một số nơi có nguy cơ ngày càng mai một…

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Phát huy vai trò chủ thể nông dân trong phát triển nông nghiệp - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Phát huy vai trò chủ thể của nông dân, người dân nông thôn và định hướng quản lý xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, hiện đại bền vững trong bối cảnh mới". Ảnh: Đức Quảng.

Thảo luận nhiều vấn đề nóng của tam nông

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cho rằng: Trước bối cảnh và yêu cầu mới, những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, phân tầng xã hội; hậu quả và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã, đang và tiếp tục ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến từ người dân, nhất là đối với nông dân, người dân nông thôn, là những chủ thể của xã hội nông thôn, chủ thể của các thiết chế chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.

"Việc phải phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân, người dân nông thôn hơn lúc nào hết đang đặt ra và ngày càng trở lên có ý nghĩa khi toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thể chế, thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Và càng có ý nghĩa to lớn, thiết thực khi chúng ta đang tổ chức tổng kết sau hơn 13 năm thực Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" - Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Phát huy vai trò chủ thể nông dân trong phát triển nông nghiệp - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm trình bày tham luận về xu hướng biến đổi giai tầng xã hội nông thôn và việc phát huy chủ thể của nông dân, xây dựng cộng đồng nông thôn trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Đức Quảng.

Dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn và Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở nông thôn; xây dựng hệ thống chính trị và phát huy dân chủ ở nông thôn; vấn đề bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, năng lực và vị thế của phụ nữ ở nông thôn… 

Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, giải pháp cụ thể để phát huy vai trò chủ thể của nông dân, người dân nông thôn và định hướng quản lý xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, hiện đại bền vững trong bối cảnh mới.

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội ND tỉnh thông tin: Vai trò của nông dân trong xây dựng cộng đồng nông thôn và nông thôn mới là trọng tâm, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Hà Tĩnh đã phát triển xây dựng NTM dựa chủ yếu vào sức dân với phương châm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tiến tới sản xuất nông nghiệp an toàn, tuần hoàn thích ứng với chuyển đổi số, kinh tế số; tích cực xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. 

Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã đồng ý giao cho Hội ND các cấp thực hiện nhiệm vụ này. Các cán bộ Hội không có ngày thứ Bảy, Chủ Nhật mà luôn về cơ sở, cùng với hội viên nông dân thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ này. Cùng với đó, các cấp Hội ND tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động nông dân thi đua thực hiện 3 phong trào lớn của Hội. 

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho rằng lực lượng nông dân thoát ly khỏi làng quê ra thành phố làm việc đã tạo nên sự biến động lớn cùng với những xáo trộn xã hội về an ninh, trật tự. Theo thống kê, thu nhập bình quân của người nông dân có 22% từ nông nghiệp, thu nhập từ lao động tự do chiếm 78% khi nông dân nhàn rỗi mùa vụ, từ đó làm thay đổi cơ cấu lao động tại nông thôn. Nông dân có vai trò chủ đạo, tạo nên các giá trị của nông thôn, đặc biệt khi xã hội có những biến động, xáo trộn về dịch bệnh. Vì vậy vị thế của nông dân chưa được phát huy tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới. Hội ND các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân giai đoạn hiện nay.

Phát biểu tổng kết tại hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng đã đánh giá cao những trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến chất lượng của các đại biểu trong hội thảo. 

"Hội thảo đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, bởi đây là nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước. Theo ước tính, hiện nay bình quân thu nhập người dân nông thôn khoảng 43 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên so với mặt bằng chung nông dân còn nhiều thiệt thòi, chúng ta cần tiếp tục quan tâm, chăm lo cho nông dân thời gian tới, đầu tư hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, có chiến lược tạo việc làm, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

Chúng ta nói nông dân có vai trò chủ thể, trung tâm, thì phải làm cách gì để phát huy vai trò chủ thể, trung tâm đó. Bởi nông dân trực tiếp tham gia vào sản xuất kinh tế, vào giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh"-ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh. 

Thời gian tới, Ban Kinh tế T.Ư mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng chí trong quá trình tổng kết Nghị quyết 26. Đây là những ý kiến quý báu, có giá trị để củng cố cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ công tác tổng kết Nghị quyết 26; từ đó BCH T.Ư Đảng xem xét ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 26, đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.

Đào tạo nghề, "trí thức hoá" nông dân

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho rằng, nông dân được xác định giữ vai trò chủ thể trong hoạt động phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, và xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên chưa được phát huy đầy đủ. Số lượng hộ nông dân có xu hướng giảm theo thời gian, thay vào đó là các hộ phi nông nghiệp; diện tích đất sử dụng bình quân mỗi hộ rất nhỏ và manh mún. (Bình quân mỗi hộ được quyền sử dụng diện tích đất là 0,45 ha); trình độ, kỹ năng của lao động còn thấp. Bên cạnh đó, nông dân tích luỹ vốn và mức vốn đầu tư vào nông nghiệp rất nhỏ, không đáng kể. Các hộ nông dân đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tuy nhiên thu nhập của đa số hộ nông dân còn chưa cao.

Để phát huy vai trò chủ thể, trung tâm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Hội NDVN đề ra 7 nhóm giải pháp. Theo đó, rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật liên quan phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nhất là luật đất đai; đào tạo nghề, góp phần "trí thức hóa nông dân", xây dựng người nông dân văn minh; hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể; tăng cường hỗ trợ nông dân trong tiếp cận với các phương thức trao đổi thông tin, thị trường, dịch vụ logistic…

Phát huy vai trò của Hội NDVN

Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Giang cho biết: Với trên 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của tỉnh Bắc Giang vừa là mục tiêu, động lực. Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực, trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người nông dân. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,2%, quy mô đạt 38.310 tỷ đồng, khẳng định vững chắc vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo ông Lã Văn Đoàn, những kết quả đạt được của nông nghiệp có sự đóng góp quan trọng của nông dân-với vai trò làm chủ, chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Ông Lã Văn Đoàn đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chủ trương, chính sách cụ thể để xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của Hội NDVN, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể để Hội ND các cấp tham gia trực tiếp các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Đức Thịnh (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem