Chủ tịch Sao Ta: Xuất khẩu tôm nửa cuối năm 2022 sẽ không như kỳ vọng, cả năm có thể đạt 4 tỷ USD

27/08/2022 07:29 GMT+7
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực Phẩm Sao Ta cho rằng hoạt động xuất khẩu tôm trong 6 tháng cuối năm sẽ không mạnh như 6 tháng đầu mà chỉ có thể ngang ngửa so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm thì vẫn có thể tăng trưởng nhưng chỉ quanh mức 4 tỷ USD.

Trao đổi bên lề Hội thảo “Nhu cầu và xu hướng thị trường thuỷ sản hậu COVID-19”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực Phẩm Sao Ta cho rằng tình hình xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm sẽ có những yếu tố làm đảo lộn xu hướng so với đầu năm.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến thế giới khó khăn, các thị trường tiêu thụ lớn rơi vào lạm phát. Điều này khiến sức mua của người tiêu dùng giảm xuống. Lượng tiêu thụ số hàng đã nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm không được như ý, vẫn còn tồn kho.

Trong khi đó, một số cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ năm nay có sản lượng khá tốt. Mức cung của họ sang các thị trường lớn, chủ yếu là Mỹ rất mạnh.

Trái lại, ở Việt Nam, tình hình nuôi tôm lại không được như ý khi dịch bệnh diễn ra âm ỉ nhưng tác hại khá lớn khiến cho sản lượng tôm nuôi không có được như ý như năm rồi.

"Những yếu tố trên dẫn đến hoạt động xuất khẩu tôm trong 6 tháng cuối năm sẽ không mạnh như 6 tháng đầu mà chỉ có thể ngang ngửa so với cùng kỳ. Cả năm thì vẫn có thể tăng trưởng nhưng chỉ quanh mức 4 tỷ USD", ông Lực dự báo.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020.

Trong khi đó,Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) tỏ ra lạc quan hơn khi dự báo

xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng ít nhất 10% nhờ kết quả trong 6 tháng đầu năm tốt.

"Thành quả của 6 tháng đầu năm được coi như là nền tảng để ngành tăng tốc, cộng với sự linh hoạt của người nuôi tôm, sách lược thị trường phù hợp của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay dự kiến vẫn tăng trưởng ít nhất 10%, đạt khoảng 4,2 tỷ USD", VASEP nhận định.

Chủ tịch Sao Ta: Xuất khẩu tôm nửa cuối năm 2022 sẽ không như kỳ vọng, cả năm có thể đạt 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực Phẩm Sao Ta. Ảnh: Như Huỳnh

Những tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu tôm được đẩy mạnh. Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh bất thường trong những tháng đầu năm nay còn được cho là do chi phí cước tàu tăng, góp phần làm tăng giá bán.

Ông Lực đánh giá có nhiều yếu tố khiến kim ngạch xuất khẩu tôm có kết quả tích cực, trong đó phải kể đến tiêu thụ tôm tăng do tác động một phần từ lạm phát.

Ngoài ra, cuối năm 2021 nhiều doanh nghiệp tôm giảm chế biến, nay dồn cho đầu năm bởi các vấn đề hậu COVID-19. Chi phí cước tàu tăng đã góp phần tăng “ảo” thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Hậu quả COVID-19 cuối năm 2021 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến và đẩy mạnh trả nợ đơn hàng vào đầu năm nay và lạm phát tăng cũng phần nào tác động làm tăng giá tiêu thụ tôm.

Mặc dù tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, ông Lực dự báo sản lượng tôm cả năm vẫn tăng nhẹ khoảng 5% lên gần 1 triệu tấn. Bên cạnh đó, hiện nhiều công ty chuyển hướng sang các thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao cấp, đòi hỏi việc chế biến tỉ mỉ nên tốc độ sản xuất chậm hơn.

"Lượng tôm vẫn đủ đáp ứng cho cho các nhà máy chế biến biến, nhất là những doanh nghiệp có trình độ chế biến cao. Hai năm qua, Sao Ta giảm tỷ trọng tại và tập trung nhiều vào Nhật Bản bởi thị trường này yêu cầu các sản phẩm chế biến tỉ mỉ hơn", ông Lực cho biết.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Cùng chuyên mục