Chưa chốt sổ ở công ty cũ có được đóng tiếp BHXH ở nơi mới?

07/04/2021 09:50 GMT+7
Việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là cơ sở để người lao động được hưởng các chế độ về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,… Vậy chưa chốt sổ ở công ty cũ có được đóng bảo hiểm ở công ty mới?

Nghỉ việc bao lâu thì được chốt sổ BHXH?

Căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

[…]

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

Như vậy, trong vòng 14 ngày làm việc hoặc chậm nhất là 30 ngày, người sử dụng lao động phải hoàn thành xác nhận thời gian đóng BHXH (chốt sổ BHXH) và trả lại cho người lao động.

Trường hợp không thực hiện thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 01 - 20 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm (theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Chưa chốt sổ ở công ty cũ có được đóng tiếp BHXH ở nơi mới? - Ảnh 1.

Trong vòng 14 ngày làm việc hoặc chậm nhất là 30 ngày, người sử dụng lao động phải hoàn thành xác nhận thời gian đóng BHXH (chốt sổ BHXH) và trả lại cho người lao động.

Chưa chốt sổ BHXH ở công ty cũ có được đóng tiếp ở nơi mới?

Nhiều trường hợp khi người lao động nhảy việc từ công ty này sang công ty khác, công ty cũ thường gây khó dễ bằng cách không chịu chốt sổ BHXH. Vậy khi đó, việc tham gia BHXH của người lao động ở công ty mới có bị ảnh hưởng gì không?

Hiện nay Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn không có Điều khoản nào quy định người lao động chưa chốt sổ ở công ty cũ thì không được tham gia BHXH ở công ty mới.

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động chỉ cần làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Mặt khác, khi thực hiện thủ tục tham gia BHXH bắt buộc, người lao động chỉ cần khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) và nộp cho người sử dụng lao động.

Trong đó, người tham gia đã có mã số BHXH chỉ cần khai mã số BHXH cùng các thông tin về họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh,… sau đó nộp để người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH.

Như vậy, dù chưa chốt sổ BHXH tại công ty cũ nhưng người lao động vẫn có thể cung cấp mã số BHXH để được đóng nối BHXH tại công ty mới.

Lưu ý: Trường hợp người lao động nghỉ việc nhưng công ty cũ chưa báo giảm lao động thì người lao động sẽ không thể tham gia BHXH ở công ty mới bởi:

Nếu công ty cũ đóng BHXH cho người lao động trước đó mà chưa báo giảm lao động thì người này vẫn được coi là làm việc cho công ty này. Theo đó, khi tham gia BHXH tại công ty mới, người lao động được xác định là có đồng thời 02 hợp đồng lao động với các đơn vị khác nhau.

Căn cứ khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người lao động đồng thời có từ 02 hợp đồng trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động.

Do đó, chỉ khi công ty cũ báo giảm lao động, người lao động mới có thể tham gia BHXH theo hợp đồng lao động với công ty mới.

Nói tóm lại, việc có chốt sổ BHXH tại công ty cũ hay không sẽ không ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH tại công ty mới. Tuy nhiên nếu công ty cũ chưa báo giảm lao động, người lao động sẽ không thể đóng BHXH tại công ty mới.

PV
Cùng chuyên mục