Chưa hết khó, doanh nghiệp mong được giảm lãi suất, giãn nợ
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, tác động đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản và kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, từ đó tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ khách hàng vay vốn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức nhiều Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành nhằm hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hội nghị được tổ chức gần đây là nhất là tại TP.HCM. Trong Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ ngành ngân hàng. Dù vậy, khó khăn vẫn còn rất nhiều nên doanh nghiệp mong muốn có thêm gói hỗ trợ giảm lãi suất và giãn nợ.
Được hỗ trợ nhưng chưa hết khó
Ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may TP.HCM chia sẻ Việt Thắng Jeans đã được giảm lãi 1,3-1,5%, hỗ trợ bởi Vietcombank và Agribank.
Đặc biệt Agribank đã cắt giảm tất cả chi phí để hỗ trợ Việt Thắng Jeans về thanh toán và các khoản. Ngân hàng đã có sự thay đổi, đó là sự chủ động hỗ trợ doanh nghiệp bởi trước kia doanh nghiệp phải làm báo cáo để đạt các tiêu chí.
"Tôi thấy hệ thống ngân hàng Agribank đã hoạt động rất tốt. Công ty tôi không gặp khó khăn khi tiếp cận vốn", ông Việt cho biết.
Ông Thái Bá Cần - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng tâm sự hệ thống công ty ông có 4 trường đại học và hơn 40 trường mầm non, phổ thông. Thiệt hại ở đây đến từ việc dừng học tập, nỗ lực của doanh nghiệp giảm học phí cho các sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn.
« Tôi đánh giá Thông tư 01 ra đời rất sớm, NHNN đã có cái nhìn rất xa để giúp doanh nghiệp, tạo điều kiện chuyển nhóm cho các khoản vay đã giúp doanh nghiệp rất nhiều », ông Cần cho biết ngành ngân hàng đã bên doanh nghiệp lúc khó khăn.
Theo ông Cần, doanh nghiệp đã làm việc, bàn bạc với ngân hàng từ lâu rồi, đặc biệt với Sacombank. Hai bên có hợp tác chặt chẽ, ngoài vay mượn, doanh nghiệp sử dụng rất nhiều dịch vụ của ngân hàng.
Phạm Thi Thanh – Giám đốc HTX vận tải và du lịch Thanh Sơn cũng cho biết khó khăn mà đơn vị gặp phải. Hoạt động kinh doanh giảm 50%, từ việc hạn chế di chuyển trong thành phố, nhưng chi phí vẫn phải thanh toán đầy đủ.
Theo bà Thanh, OCB đã ân hạn gốc từ tháng 4 đến tháng 6. OCB hỗ trợ nhanh chóng phát hành thư, đảm bảo điều kiện dự thầu để trúng thầu 2 gói. Nhờ vậy, đơn vị đã giải tỏa áp lực tài chính.
Doanh nghiệp mong được giảm lãi suất, giãn nợ
Nhận được sự hỗ trợ rốt ráo và kịp thời từ ngân hàng giúp doanh nghiệp "dễ thở" hơn. Dù vậy, khó khăn vẫn còn nên doanh nghiệp vẫn mong muốn có thêm hỗ trợ từ ngành ngân hàng.
Ông Phạm Văn Việt cho biết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may nói chung "Tôi kiến nghị NHNN điều chỉnh tỷ giá giảm hỗ trợ xuất khẩu; Giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu xuống 2%, trong thời gian hỗ trợ lên đến 24 tháng, vì doanh thu giảm rất mạnh; Hỗ trợ tỷ lệ kí quỹ, giảm chi phí thanh toán xuất khẩu, hỗ trợ kéo dài vay vốn lưu động, do khách hàng không nhập hàng và giãn thời hạn thanh toán; Điều chỉnh thời gian trả nợ không vượt quá 24 tháng, tạo điều kiện cơ cấu nợ, tiếp tục dự báo ảnh hưởng 6 – 12 tháng, sau đó doanh nghiệp có khả năng phục hồi như Thông tư 01 quy định chỉ trong 12 tháng".
Ông Thái Bá Cần mong muốn ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất. Đối với NHNN, ông Cần hy vọng thủ tục đơn giản, nhanh gọn để doanh nghiệp tiếp cận được ưu đãi như vừa nêu.
Tương tự, bà Phạm Thị Thanh mong muốn ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Bà Vũ Thị Thu Trang – Công ty Đầu tư Xây dựng Đình Tân đề xuất tăng hạn mức cho vay với doanh nghiệp có nhu cầu nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
« Thông tư 01 có hiệu lực 3 tháng sau khi hết dich, tôi đề nghị giãn thời gian 6 tháng để ổn định và thu hút vốn FDI », bà Thanh cũng mong muốn doanh nghiệp được giãn nợ.