Chưa phát hiện có lợi ích nhóm làm tổn hại đến nông dân

Thứ năm, ngày 13/06/2013 10:12 AM (GMT+7)
Dân Việt - Mặc dù đã trả lời 28 lượt câu hỏi, song do thời gian đã hết, nên vẫn còn tới 13 câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) muốn chất vấn với Bộ trưởng Bộ NNPTNT không thể thực hiện trên hội trường.
Bình luận 0

Tiếp phần trả lời chất vấn trong buổi chiều qua (12.6), sáng nay (13.6), Bộ trưởng Bộ NNPTNT tiếp tục trả lời nhiều câu hỏi mà các vị ĐBQH quan tâm, nhất là vấn đề sản xuất, thu mua tạm trữ lúa gạo.

Cũng trong phần trả lời chất vấn đầu giờ sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã trả lời thêm cùng Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Bộ NNPTNT kiên quyết phản đối lợi ích nhóm

Trả lời câu hỏi của ĐB Y Thông (Phú Yên), rằng:

“Hiện nay sản xuất nông nghiệp của nước ta gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp bán sản phẩm, thì với giá thấp không đủ bù đắp chi phí cho sản xuất nông nghiệp, nhất là sản phẩm lúa gạo và sản phẩm chăn nuôi. Nhưng đối với người tiêu dùng mua các sản phẩm này thì lại không dễ chút nào, thậm chí rất đắt và rất cao. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này Bộ trưởng có thấy nhóm lợi ích nào thao túng ở lĩnh vực này hay không và Bộ trưởng có giải pháp nào để tháo gỡ nhằm giúp cho người nông dân đỡ khó khăn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp này?”.

Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Bộ NNPTNT kiên quyết phản đối mọi nhóm lợi ích hoạt động trái pháp luật hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật làm tổn hại đến lợi ích của nông dân. Tôi thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp kiểm tra để có biện pháp ngăn ngừa, song cho đến nay chưa có cơ sở phát hiện các nhóm lợi ích đó”.

Cũng liên quan đến vấn đề người nông dân làm ra sản phẩm nhưng không bán được giá cao, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tiếp tục hỏi: “Mặc dù Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ các vấn đề. Song bản thân tôi và cử tri chưa thật yên tâm, bởi cứ đến mùa thu hoạch, người nông dân được mùa, nhưng bị thương lái ép giá. Vấn đề đặt ra ở đây là có thực trạng này không và giải pháp là gì?. Chúng ta vẫn nói sẽ đảm bảo người nông dân có lãi 30% theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng thu hoạch và bán không có lãi, trong khi đó thương lái chỉ đến vụ mới đi thu mua thì lại được lãi rất nhiều?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phát thành thật nói: “Chúng tôi cũng rất là chia sẻ và trăn trở tình hình hiện nay khi nông dân rất vất vả làm ra nông sản, nhưng lại phải bán với giá thấp. Chúng tôi đang cùng các bộ, ngành tìm ra tất cả các giải pháp để giải quyết vấn đề này đến tận cùng”.

Theo Bộ trưởng, đúng là thương lái được lợi nhiều hơn, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Vì thế, chúng tôi đã hướng dẫn bà con nông dân tập trung sản xuất những cây trồng, vật nuôi có thị trường, làm với năng suất cao, tốt hơn và rẻ hơn so với đối thủ cạnh tranh. Chỉ khi làm có thị trường, thì làm ra mới không bị ế.

Mặt khác, trong cùng hoàn cảnh đó, làm sao để người nông dân không bị ép giá, đó là tạo ra một môi trường cạnh tranh, không để một nhóm lợi ích hoặc một tổ chức ép giá ND hoặc khống chế giá trên thị trường. Chúng tôi cũng theo đuổi và khuyến khích chủ trương hình thành các hợp tác xã, tổ liên kết để tạo thành chuỗi sản xuất lớn hơn. Như lúa gạo, chúng ta có tới 9,5 triệu hộ nông dân sản xuất trên diện tích rất nhỏ thì rất khó đàm phán với thương lái.

“Không thể cứ nói làm ra với giá bao nhiêu thì bán bấy nhiêu”

Về vấn đề thu mua tạm trữ lúa gạo, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt tiếp câu hỏi: “Chúng ta bảo tạm trữ lúa gạo là để hỗ trợ thị trường, vậy nông dân được lợi gì, tại sao chúng ta lại đi tạm trữ gạo, trong khi nông dân chỉ có lúa để bán?”.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phát nói tiếp: “Biện pháp tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế và là một trong những biện pháp để tác động vào thị trường, không phải là giải pháp căn cơ cho chương trình lúa gạo. Song chúng tôi cũng thấy rằng, đã đến lúc ngành lúa gạo phải thay đổi, chúng ta giữ 3,8 triệu ha đất lúa, song chúng ta có thể trồng cây trồng khác có thị trường trên diện tích đấy, không nhất thiết cứ phải trồng lúa trên diện tích đó.

Còn những diện tích lúa còn lại phải quy hoạch và trồng những giống có chất lượng cao hơn, có thị trường, đồng thời tăng cường công tác bảo quản, hỗ trợ, tăng cường khả năng thâm nhập vào thị trường thế giới để bán với giá cao hơn, từ đó mới mua được với giá cao hơn”.

Dù đã có tới cả gần 10 lượt câu hỏi về vấn đề lúa gạo, song trong câu hỏi cuối cùng trên hội trường sáng nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục nhận được câu hỏi khá sắc sảo của ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang). ĐB Tuyết hỏi: “Vấn đề tạm trữ lúa gạo vẫn còn rất nhiều bất cập, gây rất nhiều bức xúc trong nông dân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, tại sao đến nay chúng ta chưa có giá thu mua định hướng, nếu như thế doanh nghiệp tự quyết định giá mua, có thể đè giá nông dân. Vậy tạm trữ có tác động hỗ trợ đến thị trường hay không?”.

Trước câu hỏi này, ông Phát cho rằng: “Chúng ta phải làm theo quy luật của thị trường, chúng ta không thể nói với thị trường, tôi làm ra giá bằng này, thì bán ra phải bằng này. Chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng là làm theo thị trường. Còn giá định hướng là để… định hướng, chứ không thể yêu cầu doanh nghiệp mua ngay với giá 5.400 đồng/kg được. Chúng ta tạm trữ là để giá không thể rơi xuống tự do nữa và cố gắng kéo giá lên”.

Tuy nhiên, ông Phát cũng thông tin: Chúng tôi đang cùng với VFA chỉ đạo các doanh nghiệp đã có hợp đồng tăng mua lúa cho dân. Vào lúc này, chúng tôi đã phân bổ thêm chỉ tiêu.

3 Bộ sẽ “bắt tay” hỗ trợ mặt trận nông nghiệp

Do có nhiều ĐB đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn (NN, NT), nên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã mời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trả lời thêm về vấn đề này.

Thống đốc Bình cho biết: “Trong 5 năm gần đây, hệ thống ngành ngân hàng đã ưu tiên nguồn vốn cho NN, NT. Chỉ tính riêng từ 2008, tăng trưởng tín dụng cho NN, NT đạt trung bình 20%/năm. Đặc biệt, từ năm 2010, tín dụng NN, NT đã tăng lên nhanh chóng, tăng gấp 2 lần trong 5 năm qua. Dư nợ tín dụng đến 31.12.2013 đã đạt 561.533 tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm nay, tín dụng của cả nền kinh tế chỉ tăng 2%, song tín dụng cho NN, NT vẫn tăng gần 5%”.

Với riêng lĩnh vực cho vay lúa gạo, Thống đốc nói: Cho vay tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân dư nợ cho vay đạt 7.612 tỷ đồng để thu mua được trên 950.000 tấn quy gạo. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay tạm trữ đợt tiếp theo.

Về Thủy sản và chăn nuôi: Thực hiện chính sách 1149 của Thủ tướng, từ 15.8.2012 đến 30.4.2013, doanh số cho vay đã đạt 63.142 tỷ đồng, trong đó cá tra 27.955 tỷ đồng (dư nợ hiện là 17.544 tỷ đồng), tăng 7,8% so với thời điểm trước 15.8.2012. Cho vay nuôi tôm, trong 4 tháng 8.644 tỷ đồng và dư nợ là 14,568 tỷ đồng. Cho vay chăn nuôi: 21.579 tỷ đồng, dư nợ còn 17.705 tỷ đồng (30.4.2012).

Về cho vay cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 63, 65 của Thủ tướng, ông Bình cho biết: “Doanh số cho vay đạt rất thấp đến 30.4 mới đạt 699 tỷ đồng từ 4 ngân hàng thương mại. Qua tìm hiểu và đi công tác thực địa tại các địa phương, khó khăn lớn nhất của bà con nông dân là máy móc thiết bị phải có tỷ lệ nội địa hóa 60%, trong khi máy móc bà con mua không đạt tỷ lệ này”.

Riền cho vay cà phê, ông Bình nói: Chúng tôi đang triển khai gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để hỗ trợ tái canh cây cà phê với mức lãi suất thấp, thời gian vay trung và dài hạn.

Mặc dù là người “ngoại đạo”, nhưng Thống đốc Bình cũng đưa ra một số nhận xét về thực trạng của ngành NN. Theo ông Bình, qua đi thực tế chúng tôi nhận thấy, năng lực sản xuất NN của chúng ta còn rất lớn, nhưng để phát huy hết nội lực còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Cụ thể, như cây cà phê còn liên quan đến giống, kỹ thuật, vật tư, quy hoạch… Hay như nuôi cá tra, phải nuôi trồng, chế biến, tích trữ như thế nào, đòi hỏi phải có quy hoạch tổng thể. Cái thiếu của chúng ta hiện nay vẫn là quy hoạch.

“Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương sẽ có phối hợp để rà soát các chính sách cho NN, NT để bổ sung hoàn thiện hơn phục vụ cho sản xuất NN, NT nước ta”, ông Bình khẳng định. Câu nói này của ông Bình sau đó được Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng ngợi khen và cho rằng rất hay để hỗ trợ cho mặt trận NN, ND, NT nước ta và Chủ tịch cho rằng, nên có cả sự tham gia của Bộ Kế hoạch- Đầu tư nữa.

Phát biểu sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phát, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng kết luận: “Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã nhận được 21 câu hỏi. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng đã trả lời 28 lượt ý kiến chất vấn của ĐBQH và vẫn còn 13 ĐB muốn đặt câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng sẽ nghiêm túc trả lời 13 câu hỏi còn lại bằng văn bản. Đồng thời, Bộ trưởng đã trả lời tất cả câu hỏi rất cụ thể và thấu đáo đối với các câu hỏi. NHững câu trả lời của Bộ trưởng, kèm theo lời hứa, nếu làm được tốt, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển NN, NT trong thời gian tới”.

Theo Chủ tịch, chúng ta phải tạo ra được chuyển biến tích cực từ nay đến năm 2015 phải tạo ra sự chuyển biến tích cực hơn nữa cho NN, ND, NT để từ 2016-2020, chúng ta xây dựng ngành NN của nước ta trong bối cảnh nước ta cơ bản là nước công nghiệp, thì NN cũng phải hiện đại. NN là một lĩnh vực rất rộng, NT là địa bàn cũng rất rộng và ND là lực lượng chiến lược của đất nước ta trong thời kỳ xây dựng CNH hiện nay. Cho nên, đây là mặt trận rất quan trọng. Để làm tốt phải làm tốt công tác quy hoạch NN gắn với thị trường, với các ngành nghề khác. Quy hoạch liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem