Chuẩn bị lên sàn, “ông lớn” Petrolimex hấp dẫn thế nào?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 16/12/2016 06:00 AM (GMT+7)
Với quy mô hơn 15.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên cả nước, việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dự kiến lên sàn chứng khoán vào quý 1.2017 (mã PLX) được giới đầu tư khá quan tâm. Tuy nhiên, cổ phiếu Petrolimex liệu có hấp dẫn bằng các “ông lớn” khác như: Sabeco, Habeco, Vinamilk...?
Bình luận 0

img

Tính đến hết quý 3.2016, tổng tài sản Petrolimex đã vượt con số 51.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với Sabeco (17.295 tỷ đồng). Tuy nhiên, dù được đánh giá là doanh nghiệp “độc quyền” trong điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu nhưng dường như Petrolimex cũng chưa thực sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Cổ tức bình quân khoảng 8%

Petrolimex (PLX) chính thức IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) vào đầu năm 2012. Từ khi IPO đến nay, qua hơn 5 năm tổng số vốn huy động của PLX tăng từ 7.800 tỷ đồng đã lên thành 17.500 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ đông, với cơ cấu Nhà nước nắm giữ gần 95% cổ phần thì đến nay PLX đã chính thức hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn, đưa tỷ lệ vốn Nhà nước giảm xuống mức 75% theo Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 31.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa và tái cấu trúc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Hiện, cơ cấu cổ đông của PLX gồm: Trong nước chiếm 80,08% (cá nhân: 3,14%; pháp nhân: 76,88%); nước ngoài chiếm 8% và Cổ phiếu quỹ chiếm 11,98%.

Từ khi cổ phần hóa đến nay, cổ đông của PLX nhận được cổ tức bình quân với mức 8%/năm.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần hợp nhất của PLX đạt 88.059 tỷ đồng, bằng 78% so với cùng kỳ. Theo giải trình của ban lãnh đạo, doanh thu giảm do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 9 tháng đầu năm 2016 chỉ bằng 81% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 3.330 tỷ đồng, tăng 56%. Nguyên nhân là vì PLX không còn chịu khoản lỗ từ tỷ giá như cùng kỳ năm 2015, bên cạnh đó giá cơ sở được điều chỉnh kịp thời và đúng quy định giúp tập đoàn và các công ty thành viên bám sát kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, những thông tin về PLX chưa thực sự hấp dẫn trong mắt giới đầu tư khi tỷ lệ sinh lời hàng năm không nhiều song lại liên tục có nhiều “biến động” trong doanh thu, lợi nhuận, thậm chí kể cả trong điều hành tại tập đoàn này. Điều này thể hiện qua kết luận Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy, Petrolimex đang đầu tư ngoài ngành đến hàng nghìn tỷ đồng vào các mảng ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản... nhưng thua lỗ, không hiệu quả. Chưa kể, hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm...

Được biết, PLX có 46 tổng công ty/công ty TNHH MTV do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ; 17 tổng công ty/công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên trở lên do tập đoàn sở hữu trên 50% vốn điều lệ; 3 công ty cổ phần do tập đoàn sở hữu từ 30-50% vốn điều lệ nhưng nắm quyền kiểm soát. Ngoài ra, Petrolimex còn có 3 công ty cổ phần và công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên do tập đoàn sở hữu 30-50% vốn điều lệ.

Lên sàn vào quý 1.2017, PLX sẽ có giá bao nhiêu?

Petrolimex đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nộp lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước để sẵn sàng lên sàn vào quý 1.2017. Trong thông báo mới nhất của mình, PLX cho biết đã hoàn thành phương án phát hành vốn, giảm vốn Nhà nước từ 94,99% xuống 75,87% theo theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.

Liệu PLX sẽ có giá ra sao, có bứt phá ấn tượng bằng những doanh nghiệp “con cưng” của Nhà nước như Sabeco, Habeco, Vinamilk...?

Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, nếu xét về quy mô, cơ sở vật chất, hệ thống phân phối rộng khắp và lợi thế mà không doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào có được, nếu chính thức lên sàn thì PLX sẽ có “bộ mặt khác” do được  điều hành bởi cơ chế thị trường, quản lý công khai, minh bạch... Tuy nhiên, sẽ khó để PLX “bứt phá” như các doanh nghiệp khác khi hiện tại PLX vẫn được xem là công cụ bình ổn giá xăng dầu của Nhà nước.

Ngoài ra, những thông tin về PLX trên thị trường chưa nhiều, con số cụ thể về tình hình tài chính, về kinh doanh ngoài ngành, kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp trái ngành... cũng chưa rõ ràng nên trong điều kiện chứng khoán hiện nay, việc nhà đầu tư ít quan tâm cũng là điểu dễ hiểu.

Được biết, hiện giá giao dịch cổ phiếu Petrolimex trên sàn OTC giao động quanh mức 30.500 đồng - 31.500 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với giá hơn 39.000 đồng/CP mà Petrolimex đã bán JX Nippon Oil & Energy (chiếm 8% vốn) hồi tháng 9.2016.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem