Chuyện cái thiếp cưới Hà Nội thời bao cấp

Nguyễn Văn Ất Thứ ba, ngày 07/02/2023 18:41 PM (GMT+7)
Đám cưới chúng tôi ngày ấy có thể cũng là hơi ngoại lệ. Khách mời được "ăn mặn" đông lắm! Phải nói đó là sự quan tâm và ưu ái đặc biệt của gia đình hai bên, nhất lại là bên cưới con trai út, bên cưới con gái đầu.
Bình luận 0

Cách đây 41 năm, tháng 12/1982 chúng tôi "về ở chung một nhà".

Đám cưới hồi ấy vất vả lắm!

Khó khăn từ cái nhỏ nhất mà hôm nay các bạn trẻ không hình dung nổi! Chẳng hạn: Nhỏ như cái chuyện chụp ảnh cũng không phải là chuyện đơn giản! Phim chụp ảnh vô cùng hiếm. 

Mỗi đám cưới nếu chơi sang mời thợ ảnh đến chụp thì cũng chỉ dám chụp vài ba "pô". Một cuộn phim 36 kiểu thì ông thợ ảnh phải chụp cho mấy đám cưới!

Còn to như chuyện làm cỗ cưới mời khách thì… thôi rồi! Những người lớn tuổi chắc đều còn nhớ: Ngày ấy do "cái ăn" khó khăn, cái gì cũng phải có tem phiếu. Đến dự đám cưới chủ yếu cắn hạt dưa, uống nước chè với ít bánh kẹo! Rất ít khách được mời dự ăn mặn!

Chuyện cái thiếp cưới và nhớ về Hà Nội một thời - Ảnh 1.

Thiếp mời cưới năm 1982. Ảnh: Nguyễn Văn Ất.

Nếu đám nào muốn mời một số họ hàng ruột thịt đến ăn cỗ cưới thì tự mà làm lấy. Thời ấy chưa có "lệ" và cũng chẳng đâu nhận đặt cỗ ở khách sạn, nhà hàng mà toàn phải lọ mọ, hí húi làm ở nhà!

Đám cưới chúng tôi ngày ấy có thể cũng là hơi ngoại lệ! Khách mời được "ăn mặn" đông lắm! Phải nói đó là sự quan tâm và ưu ái đặc biệt của gia đình hai bên với chúng tôi, nhất lại là bên cưới con trai út, bên cưới con gái đầu.

Riêng việc vặt lông chim để làm cỗ đã phải huy động mấy cô, mấy chị trong họ làm giúp suốt cả đêm! Ngày ấy đám cưới Hà Nội mà cỗ có chim hầm hạt sen thì khá là… to!

Ấy thế lo được chuyện lớn là cỗ đã khó nhưng lo được chuyện nhỏ cũng gian nan không kém! 

Tôi muốn chia sẻ với mọi người về những thứ "râu ria" của đám cưới thời ấy để chúng ta, nhất là những người ở thế hệ U70-U80 nhớ về một thời khó khăn của Hà Nội và để các bạn trẻ hình dung.

Chuyện cái "râu ria" rất bé, rất mỏng đúng nghĩa đen nhưng lại mang tính lễ tân, tính văn hoá đậm nét. Đó là cái thiếp mời.

Thời nay cái Thiếp mời đám cưới là chuyện rất nhỏ có lẽ chẳng ai làm đám cưới nào phải quá bận tâm! Cứ ra Hàng Gà, thích kiểu gì, giấy thơm mùi gì, giấy khô hay ướt, in cái gì thậm chí"thiếp giát vàng cũng có!

Thế nhưng hơn 40 năm trước, cái Thiếp mời của cái thời khốn khó ấy, không phải có tiền là có thiếp đẹp đâu!

Dù có tiền nhưng tìm được chỗ in Thiếp mời bằng giấy trắng là vô cùng khó. Tôi chạy khắp nơi trong Hà Nội tìm chỗ nào có nhận in thiếp là mò đến (ngày ấy Hàng Gà chưa kinh doanh mặt hàng Thiếp mời như bây giờ). Chỗ nào cũng chỉ có giấy gia công vàng xỉn. Cuối cùng tìm được một cửa hiệu in có giấy trắng nhưng không đủ cho mấy trăm cái thiếp của 2 gia đình nhà trai và nhà gái.

Làm sao bây giờ?

Nghĩ nát óc và thế rồi cũng tìm được phương án tối ưu: để giấy trắng in các Thiếp dành cho Phụ huynh đứng tên mời, còn Thiếp do cô dâu, chú rể đứng tên mời thì in bằng giấy kém hơn. Khổ thế!

Chuyện cái thiếp cưới và nhớ về Hà Nội một thời - Ảnh 2.

Hình ảnh cặp đôi hạnh phúc khi về chung một nhà năm 1982. Ảnh: Nguyễn Văn Ất.

Mà đâu đã xong. Mẫu chữ lồng A&H tôi vẽ rất đẹp trên giấy mang đến hiệu in, nhưng khi họ làm mẫu để in lên Thiếp thì chao ôi, sao mà cứng thế! Thua xa hình tôi vẽ. Ngày ấy kỹ thuật in kém, gia công khuôn mẫu chữ cũng rất thủ công nên chỉ có vậy!

Ấy thế nhưng cũng mẫu chữ lồng ấy thêu trên vỏ gối được người thợ thêu dưới Thường Tín chuyên thêu hàng cho cửa hàng của gia đình chúng tôi đã nhiều năm, thêu đẹp hơn mẫu in trên thiếp mời nhiều!

Cái thiếp mời ngày ấy cũng phân biệt rõ ràng mức độ quan trọng, mức độ thân, sơ của khách được mời: Ai được mời ăn cỗ thì thiếp mời mới kèm theo mẩu giấy bé xíu bằng con tem thư, trong đó ghi "đến dự bữa cơm thân mật" chứ cũng không ai dám viết là đến dự tiệc tùng gì! Ai không được mời ăn cỗ thì chỉ có mỗi cái thiếp to!

Ngày ấy có quy định không được cho người nước ngoài đến nhà riêng! Nếu có ông "Tây mũi lõ" mà đến chơi nhà riêng thì sau đó chắc chắn rắc rối to!

Ngày ấy tôi làm trợ lý kiêm phiên dịch cho Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng công trình cầu Thăng Long, Hà Nội. Mặc dù các chuyên gia và đặc biệt vợ chồng ông Trưởng đoàn đều biết tôi đang chuẩn bị để cưới vợ. 

Nhưng tôi cũng không dám nói cụ thể là sẽ tổ chức cưới ngày nào! Và đương nhiên không thể có chuyện mời các chuyên gia Liên Xô làm việc gần gũi với mình tới dự đám cưới!

Ngày cưới và địa chỉ nhà riêng phải giấu kín với các chuyên gia! Nhỡ chẳng may có ông bà Tây nào quá nhiệt tình và lại muốn tìm hiểu xem đám cưới người Việt Nam thế nào mà lò dò đến thì chỉ gây thêm rắc rối, phiền toái! Rồi giải trình này nọ với nhà chức trách thì mệt lắm! Chết dở chứ không đùa!

Và thế là họ cũng chẳng biết tôi cưới khi nào mà chúc mừng!

Mà có chúc mừng, tặng quà có lẽ cũng không dám nhận! Bởi nhận có khi lại rắc rối!

Kỷ niệm về một thời như thế không bao giờ quên!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem