Chuyện của người làm báo Hồn Nước đón Cách mạng Tháng Tám

Thành An Thứ tư, ngày 19/08/2020 15:15 PM (GMT+7)
"6 số báo xuất bản trong 2 năm (1944-1945), 5 lần chuyển địa điểm "tòa soạn" - ông Lê Đức Vân - người phụ trách tờ báo Hồn Nước, chậm rãi nhớ lại những ngày gian khó, đầy hiểm nguy khi ông cùng các đồng chí làm báo trong những ngày Cách mạng tháng Tám hào hùng.
Bình luận 0

Tờ báo của tuổi trẻ nhiệt huyết và yêu nước

Ông Lê Đức Vân sinh năm 1926, hiện sống ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là người được giao nhiệm vụ phụ trách tờ báo Hồn Nước - tiếng nói của nam nữ Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu trong những ngày tháng tám lịch sử năm 1945. Hiện là Trưởng Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Những ngày tháng Tám, tiết trời Hà Nội vào Thu, mở cửa đón chúng tôi là một ông cụ hơn 90 tuổi, minh mẫn và khỏe khoắn.

Chuyện của người làm báo Hồn Nước đón Cách mạng Tháng Tám - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Vân chia sẻ với PV Báo Dân Việt.

Nhấp chén trà mới pha, câu chuyện của ông Vân đưa chúng tôi trở lại những năm trước Tổng khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ông bảo: Khi Bác Hồ về nước năm 1941, Đảng có chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân lại để giải phóng dân tộc… Đến năm 1943, Ban Thường vụ T.Ư Đảng ra Chỉ thị "mỗi thành phố lớn phải có một Ban Thanh vận và ra một tờ báo riêng của thanh niên"

Ở Trường Bưởi năm 1941-1942 có hội Tu Thân, mục đích vận động anh em học giỏi, tập thể thao rèn luyện khỏe để làm điều tốt cho xã hội. Tổ chức này có đặc biệt là mọi người rất thích ăn chuối nên đi mua từng bồ chuối về ăn để tăng cường sức khỏe nên gọi là Hội Chuối.

Sau đó, Hội Chuối được giới thiệu tiếp cận đồng chí Vũ Quý - một đảng viên do T.Ư điều về Hà Nội công  tác. "Lúc này, chúng tôi mới tìm hiểu nhiều hơn về Việt Minh. Sau đó, tham gia vào tổ chức, tham gia cách mạng để lật đổ chính quyền Pháp... Năm 1944, Nhật vào Đông Dương, trước giờ lên lớp chúng tôi phải kéo cờ, trong lúc kéo cờ Pháp được kéo chậm lại còn cờ Việt Nam được kéo lên trước. Đó là những cách thể hiện lòng yêu nước của chúng tôi" – ông Vân chia sẻ.

Chuyện của người làm báo Hồn Nước đón Cách mạng Tháng Tám - Ảnh 2.

Ông Lê Đức Vân, Trưởng Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. (Ảnh: Thành An).

Khi đang học trường Bưởi, ông Vân được tham gia vào Đội Ngô Quyền (một tổ chức bí mật của học sinh Trưởng Bưởi), được kết nạp vào Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu và nhanh chóng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 18 tuổi nhờ những đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng, được tổ chức chọn tham gia lớp học cho đảng viên mới do Ban cán sự Đảng Hà Nội tổ chức. Lớp học do đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp giảng bài. Chương trình học có nhiều nội dung, trong đó có công tác tuyên truyền đấu tranh và làm báo để tuyên truyền.

"Sau khi học xong chúng tôi được giao nhiệm vụ ra một tờ báo của thanh niên, thành lập một Ban Thanh vận. Tháng 8/1944, anh Vũ Quý triệu tập mọi người ở số 46 Bát Đàn kết nạp chúng tôi vào Đảng" – ông Vân nói và nhấn mạnh, lúc đó ông được đồng chí Lê Quang Đạo giao cho nhiệm vụ phụ trách một tờ báo của nam nữ thanh niên thành Hoàng Diệu lấy tên là Hồn Nước để thực hiện chủ trương của Thường vụ T.Ư Đảng. Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu hoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, của Việt Minh. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ là lực lượng sung sức đi đầu khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Tham gia làm Báo Hồn Nước gồm 5 người, trong đó Lê Đức Vân phụ trách phần nội dung, tổ chức in ấn và phát hành, các đồng chí Lều Văn Hoán (tức Mai Luân), Nguyễn Kim Chi (tức Chi Hiền), Nguyễn Văn Cung (tức Trần Thư) và Nguyễn Hải Hùng, là cán bộ in báo. Ban đầu Hồn Nước ra mỗi số 2 trang, mỗi số in khoảng 1 - 2 trăm tờ, có các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu...

Chuyện của người làm báo Hồn Nước đón Cách mạng Tháng Tám - Ảnh 3.

"Tờ báo đã trở thành vũ khí tuyên truyền, giới thiệu hoạt động của Việt Minh đến với đông đảo quần chúng nhân dân Hà Nội. Nhờ tuyên truyền, nhân dân đã mua tín phiếu, ủng hộ thuốc men… trở thành "mạng lưới cảm tình" rất quan trọng trong việc giác ngộ thanh niên và kết nạp đoàn viên mới vào Tổ chức thanh niên Cứu quốc" - ông Lê Đức Vân.

Ông Vân chỉ cho chúng tôi xem số báo vẫn được lưu giữ trong Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Tôi đọc thấy rõ trên báo, Số 5 ra ngày 1/7/1945 được in litô, mực xanh, hai trang. Còn rất rõ tên báo "Hồn Nước" và dòng chữ "Cơ quan tuyên truyền của nam nữ thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu" được in màu đỏ. Trang 1 báo in các bài: "Văn hóa với cách mạng", "Hãy bình tĩnh trước cơn khủng bố", "Chặt xiềng phá ách"…, đặc biệt bài thơ "Khởi nghĩa" của tác giả Mạc Văn (bút danh của nhà thơ Thôi Hữu), vẫn còn đọc được cả bài, trong đó có những câu thơ thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng: "Rượu chi đâu mà mặt nóng hồn say/Đạn súng lắp chỉ đợi giờ khởi nghĩa".

"Lúc đó, tôi và anh em còn quá trẻ, chưa viết được bài xã luận, chỉ những tin tức thời sự tôi trực tiếp viết hoặc dẫn lại nguồn tin từ các tờ báo khác. Còn bài xã luận có tính định hướng do các anh Lê Quang Đạo, Vũ Oanh, Nguyễn Khang… viết" – ông Vân tâm sự và khẳng định: Tờ báo đã trở thành vũ khí tuyên truyền, giới thiệu hoạt động của Việt Minh đến với đông đảo quần chúng nhân dân Hà Nội. Nhờ tuyên truyền, nhân dân đã mua tín phiếu, ủng hộ thuốc men… trở thành "mạng lưới cảm tình" rất quan trọng trong việc giác ngộ thanh niên và kết nạp đoàn viên mới vào Tổ chức thanh niên Cứu quốc.

Ông Vân hồi tưởng, việc in ấn tờ Hồn Nước tốn rất nhiều thời gian và công sức vì dụng cụ hết sức thô sơ. Còn nhớ những ngày đầu, dựa vào anh em đội viên Thanh niên cứu quốc, ông Lê Đức Vân quyết tâm in bằng được số báo đầu tiên. Nhà ông Trần Thư ở 15 Hàng Phèn, là nơi in số 1 của báo vào cuối năm 1944.

Chuyện của người làm báo Hồn Nước đón Cách mạng Tháng Tám - Ảnh 4.

Số 5 của báo Hồn Nước ra đời vào ngày 1/7/1945.

Lúc đầu báo chỉ có hai trang, được in bằng thạch (viết mực tím vào tờ giấy, rồi ép tờ giấy lên mặt thạch thì hiện chữ lên thạch, rồi để tờ giấy mới lên và lăn rulo lên tờ giấy ép vào thạch để mực in lên giấy), được 10 tờ thì hết mực rồi nhòe nhoẹt… không đạt yêu cầu nên ông đi tìm mua hộp đá ẩm (thực chất là đất sét trắng). Mỗi lần in cũng chỉ được 10 - 15 bản, chữ lại mờ, không thẳng hàng. Do đó, sau khi ra Số 1, chúng tôi quyết định chuyển sang in báo bằng đá li-tô. Anh Nguyễn Kim Chi phải học viết chữ ngược để in báo cho đẹp hơn trước.

Khi bắt tay vào in đá li-tô, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì chưa ai có kinh nghiệm, nhưng rồi mày mò mãi cũng in ra được tờ báo số 2 bằng kỹ thuật này. Mỗi lần in phải mài tấm đá rất kỹ rồi viết ngược chữ lên tấm đá bằng thứ mực đặc biệt, sau đó lau bằng nước chanh cho sạch rồi mới lau bằng nước đường để cho mực in không dính lên mặt đá, rồi lăn mực in, sau đó đặt giấy lên và lăn. Nếu làm thành công thì một lần sẽ in được 70 tờ báo với hai mặt in. Muốn có nhiều bản, chúng tôi phải in đi in lại nhiều lần và mỗi lần phát hành khoảng 200 tờ".

"Chúng tôi quyết tâm tìm hiểu tờ báo Cứu Quốc in thế nào. Và, cử anh Chi Hiền - người in báo, đi học công nghệ. Sau đó, chúng tôi in đá, mua 2 phiến đá ở các nơi bán bia mộ. In đá thì đẹp nhưng rất cực, mỗi lần in phải mài tấm đá nhẵn thín rồi viết ngược chữ lên tấm đá bằng thứ mực đặc biệt, sau đó lau bằng nước chanh cho sạch và lại lau bằng nước đường để cho mực in không dính lên mặt đá thì mới lăn mực in rồi đặt giấy lên và lăn luro. Một tờ báo hai trang thì phải viết mười mấy ngày với xong. Nếu làm thành công thì một lần sẽ in được 70 tờ báo với hai mặt in. Muốn có nhiều bản, chúng tôi phải in đi in lại nhiều lần và mỗi lần phát hành khoảng 200 tờ" – ông Vân nhớ lại.

Làm báo bí mật

Công đoạn phát hành tờ báo và truyền đơn rất nguy hiểm. Những người thực hiện nhiệm vụ này thường đi theo nhóm, mỗi nhóm 3 người và được phân công công việc cụ thể: Một người cảnh giới, một người phết hồ làm bằng bột gạo nếp vào tường, người còn lại chỉ việc áp truyền đơn, Báo Hồn Nước lên đó. Báo Hồn Nước cùng với truyền đơn của Việt Minh khi đó được dán tại những nơi đông người qua lại như cổng chùa Láng, các đình làng Quan Nhân, Chính Kính, đình làng Hạ Yên Quyết và Thượng Đình...

Chuyện của người làm báo Hồn Nước đón Cách mạng Tháng Tám - Ảnh 5.

Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít-tinh tại quảng trường thành phố, nhân dân Thủ đô Hà Nội đánh chiếm Bắc bộ Phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. ẢnhTư liệu TTXVN

Tuy nhiên, một số phần tử phản cách mạng đã bỏ công bóc hết số tài liệu đó tại một số điểm nhất định. "Anh em chúng tôi phải tổ chức cảnh cáo bằng nhiều hình thức khác nhau chúng mới thôi. Trường hợp một tên tay sai của Pháp tại làng Cót (Cầu Giấy) là một ví dụ. 

Cách mạng thành công, báo Hồn nước ra công khai, là cơ quan ngôn luận của Đoàn TNCQTHD, trụ sở ở phố Lê Thái Tổ (gần Ngân hàng T.Ư). Cuối năm 1945, báo đã chuyển thành cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam. Với các số báo thành công, tờ báo cùng với các loại truyền đơn, tài liệu, áp-phích đã góp phần cổ vũ thanh niên Hà Nội nói riêng, nhân dân Thủ đô nói chung đứng lên giành chính quyền khi ấy. Hiện nay, một số báo của tờ Hồn Nước vẫn còn được lưu lại tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Đêm đêm tên này thường bóc hết áp phích mang về nhà tiêu hủy. Chúng tôi đem theo vũ khí, những áp phích khác đột kích vào nhà, đập tan cái bàn đèn mà hắn đang hút thuốc phiện rồi yêu cầu hắn phải dán lại số áp phích đó lên tường ở đầu làng. Sợ quá, hắn y lệnh của những Thanh niên Cứu quốc" – ông Vân nói và hạ giọng tâm sự: "In được một tờ báo vất vả lắm nhưng chứng kiến cảnh nam nữ thanh niên thành Hoàng Diệu truyền tay nhau đọc đến nhàu nát tờ Hồn Nước anh em chúng tôi vui sướng lắm, quên hết mệt nhọc".

Người phụ trách báo Hồn Nước kể: Trong suốt thời gian in báo, mọi người phải tuyệt đối giữ bí mật. Nhiều hôm, giữa ban ngày mà các đồng chí Trần Thư và Chi Hiền phải ngồi trong buồng, thắp đèn dầu lên để viết, để in. Ăn uống lại kham khổ. Có thời gian, cả tháng trời, mọi người chỉ ăn toàn cá khô với tương ớt, người gầy gò, xanh như tàu lá, thậm chí ốm tiểu cả ra máu phải về nhà chữa trị hết ốm lại quay lại làm báo. Thế nhưng, từ khi ra số đầu tiên đến số cuối cùng, "nhà in" bị lộ và phải chuyển địa điểm tới 5 lần.

Chuyện của người làm báo Hồn Nước đón Cách mạng Tháng Tám - Ảnh 8.

Biểu tình giành chính quyền ngày 19/8/1945 tại Phủ khâm sai Bắc Kỳ. Ảnh tư liệu.

Chuyện bị lộ cũng do nhiều nguyên nhân, có khi anh hàng xóm mất gà, ban đêm soi đèn đi tìm, bắt gặp mấy thợ in đang tụm đầu làm việc; lúc khác lại ở nơi trống trải, ai ra vào cũng dễ bị phát hiện... nên phải chuyển.

Tháng 2/1945, cơ sở in báo Hồn Nước chuyển ra làng Giáp Nhất (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), ở nhà của cụ Nguyễn Hải Hoành, bố ông Hải Hùng, Đội trưởng đội Tuyên truyền xung phong ngoại thành. Ông Hải Hùng làm tạm gian nhà đơn sơ, gọi là "bếp" ở vườn để che mắt địch.

Tại làng Giáp Nhất, tờ báo Hồn Nước được in ba số là số 2, số 3, số 4, sau phải chuyển địa điểm do bị lộ. Ông Thư và Chi lại chuyển "Nhà in" đến Láng Trung, rồi lùi xa ra Xuân Canh, quê của ông Nguyễn Viết Tiết. Cụ Nguyễn Viết Thư, cha ông Nguyễn Viết Tiết, đã nuôi giấu và tạo mọi điều kiện cho số 5 của báo ra đời vào ngày 1/7/1945. 

Nhưng ông Trần Thư bị ốm nặng, tổ in chỉ còn ông Kim Chi và vài người phụ việc. Lúc này, cao trào kháng Nhật cứu nước dâng cao cuồn cuộn, do đó, ông Vân quyết định chuyển "nhà in" ra xã Minh Khai, ở nhà bà Nguyễn Thị Bảy và được bổ sung thêm anh Nhuận để bắt nhịp hơi thở cuộc đấu tranh.

Ông Vân say sưa kể tiếp: "Anh Nhuận là công nhân in Tô-panh, đã mang đến tấm đá đúc của Pháp, nên báo in đẹp hẳn lên. Chúng tôi khẩn trương in truyền đơn và báo chuẩn bị cho khởi nghĩa".

Khi số báo thứ 6 - số cuối cùng của báo Hồn Nước chưa phát hành thì ngày 17/8/1945, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh ủng hộ chính phủ trên quảng trường Nhà hát Lớn.

"Thời cơ cách mạng đã đến. Đêm 17/8/1945, Thành ủy Hà Nội quyết định triệu tập hội nghị của Ủy ban Quân sự cách mạng sẽ khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8. Tôi được Thành ủy phân công phụ trách quần chúng khởi nghĩa ở vùng Láng - Mọc - Đại lý Hoàn Long. Anh Nhuận cũng "bay" về nhà máy in Tô-panh để tham gia vào khối công nhân cứu quốc khởi nghĩa. Anh Chi Hiền bèn chở tất cả dụng cụ in và số báo chưa kịp phát hành về gia đình. Sau khởi nghĩa, anh Chi Hiền giao lại Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu" – ông Vân nhớ lại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem