Chuyện ĐBQH đang bàn Luật tố cáo lại nhận được tin nhắn "tố cáo”

Ngọc Lương Chủ nhật, ngày 12/11/2017 08:09 AM (GMT+7)
Giữa tuần qua, tại buổi Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) có tình tiết khá thú vị. Trong khi một ĐBQH đang phát biểu thể hiện quan điểm không đồng tình với ý kiến mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, điện thoại, fax, cùng lúc máy điện thoại của ông nhận được tin nhắn với nội dung... tố cáo.
Bình luận 0

img

Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã. (Ảnh: VPQH)

Tới kỳ họp Quốc hội liên tục nhận được tin nhắn tố cáo

Đó là trường hợp của đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ông cho biết, tin nhắn “lạ” gửi đến số điện thoại của ông có nội dung tố cáo. Đây không phải là lần đầu tiên ông nhận được những tin nhắn tố cáo kiểu như vậy. Ngay lập tức đại biểu cầm điện thoại chia sẻ với các đại biểu Quốc hội trong tổ để minh chứng cho lời phát biểu của mình.

Trao đổi thêm với PV Dân Việt, đại biểu Nhã cho biết, vào ngày thường, trung bình cứ 2 - 3 hôm ông lại nhận được một tin nhắn tố cáo, còn đến kỳ họp Quốc hội thì trung bình mỗi ngày nhận từ 1 -2 tin. Khoảng 5 - 6 năm nay ông luôn nhận được tin nhắn kiểu đó.

“Từ việc người dân gửi tin nhắn tố cáo kể trên, liên hệ tới việc góp ý vào dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) tôi rất băn khoăn. Nếu như khi sửa Luật mà đưa quy định tiếp nhận tố cáo qua thư điện tử, điện thoại, fax thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy với những kiểu tin nhắn gửi đến”, đại biểu Nhã bày tỏ.

Vị đại biểu này phân tích thêm: Nếu người cán bộ hàng ngày nhận được tố cáo qua tin nhắn hoặc thư điện tử, để thực hiện trách nhiệm thì phải xem xét, xử lý, như vậy sẽ không còn đủ thời gian làm các công việc khác.

“Vấn đề đáng nói là kiểu tin nhắn tố cáo đó lại được gửi cho nhiều người. Qua tìm hiểu tôi biết, nội dung tin nhắn tố cáo khi tôi nhận được, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng nhận được, thậm chí người gửi còn nhắn tới số điện thoại của các vị lãnh đạo ở bộ, ban ngành", ông Nhà nói

Ông cũng đặt giả thiết, nếu người cán bộ có trách nhiệm khi nhận được tin nhắn tố cáo gửi tới họ tiến hành xử lý, rồi những cán bộ khác nhận được tin nhắn cũng xử lý sẽ dẫn tới chuyện bao nhiêu người cùng phải xử lý một tin nhắn. Trong khi tin nhắn kiểu đó không giải quyết được việc gì thì sẽ gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội.

Hai luồng ý kiến

Từ phân tích trên, đại biểu Nhã cho rằng, việc mở rộng hình thức tiếp nhận tố cáo như qua thư điện tử, điện thoại, tin nhắn cần phải hết sức cân nhắc. Bởi khi đã quy định thì những người có trách nhiệm phải thực hiện, có thể gây ra sự lãng phí về thời gian, gây ra ảnh hưởng chung và trở thành vấn đề không tốt cho xã hội.

“Tôi cho rằng trong xã hội chúng ta hiện nay mọi vấn đề đều được công khai, minh bạch, đã nói đến tố cáo nên áp dụng như hình thức như hiện nay là tố cáo bằng đơn hoặc trực tiếp. Trường hợp gửi đơn, cơ quan thụ lý có trách nhiệm bảo mật thông tin của người tố cáo, không sợ thông tin bị lộ. Còn ai không ngại thì có thể tố cáo trực tiếp. Theo cách truyền thống như vậy, tính khả thi sẽ cao nhất trong điều kiện xã hội của chúng ta", đại biểu Nhã nói.

Liên quan đến hình thức tố cáo là một trong những nội dung gây nhiều tranh luận khi Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Ngay tại lần góp ý đầu (kỳ họp thứ 3) và tới phiên thảo luận tổ ở kỳ họp này đã có hai luồng ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo (gửi đơn và trực tiếp). Bởi nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, với nguồn nhân lực hiện nay nếu quy định mở rộng hình thức tiếp nhận tố cáo thì không đáp ứng được.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, cần mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, như thế mới phù hợp với xu hướng xây dựng Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền Hiến định và cũng thống nhất với quy định của một số luật hiện hành, như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tại kỳ họp thứ 3, đại biểu Nguyễn Văn Thể,  lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (nay là Bộ trưởng Bộ GTVT) có phát biểu tranh luận rất mạnh mẽ trên nghị trường. Ông nói, nếu như Luật tố cáo (sửa đổi) mà không cho tố cáo bằng thư điện tử thì chắc chắn đây là một sai lầm rất nghiêm trọng.

“Hai biện pháp chúng ta đưa ra, một là gửi đơn ghi rõ địa chỉ nhà cửa, hai là trực tiếp đến cơ quan để tố cáo. Đó là hình thức rất kém, hình thức đó là đối tượng bị tố cáo biết ngay, do đó phương pháp này trong thời gian vừa qua phát huy không được”, đại biểu Thể nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem