Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Lâm Đồng (bài 3): Lấy người dân làm trung tâm

Văn Long Thứ sáu, ngày 15/10/2021 08:30 AM (GMT+7)
Tỉnh Lâm Đồng đã xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, thực hiện trang bị kỹ năng số cho người nông dân, xây dựng và hình thành văn hóa số trong nông nghiệp nông thôn.
Bình luận 0

Người dân là trung tâm

Hiện nay, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp của cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Những thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cực đoan cũng tác động lớn cho nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh khi sản xuất nông nghiệp mà thiếu kết nối ứng dụng công nghệ số. Chính vì vậy, thời gian tới, chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Lâm Đồng sẽ thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của tổ chức, người nông dân dựa trên các công nghệ số.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Lâm Đồng (bài 3): Lấy người dân làm trung tâm - Ảnh 1.

Chuyển động số sẽ thay đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp tại Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Địa phương xác định người nông dân làm trung tâm của chuyển đổi số. Do đó, Lâm Đồng sẽ có những giải pháp chuyển đổi cho phù hợp với nhận thức, nhưng phải công khai, minh bạch, khuyến khích sự tham gia và giám sát của người dân, cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ người nông dân giảm thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công theo phương thức số, dễ sử dụng, mang lại giá trị gia tăng. Trang bị kỹ năng số cho người nông dân, xây dựng và hình thành văn hóa số trong nông nghiệp nông thôn".

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng cho rằng, vận hành chuyển đổi số trong nông nghiệp chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố xuyên suốt để chuyển đổi số thành công và bền vững. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ số đều phải bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Lâm Đồng (bài 3): Lấy người dân làm trung tâm - Ảnh 2.

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng được đưa lên sản thương mại điện tử và được khách hàng đón nhận. Ảnh: Văn Long.

Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, quản lý bảo vệ rừng, tưới tiêu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Bắt đầu từ người nông dân

Ông Sơn cũng cho biết, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, chứ không chỉ là công việc của doanh nghiệp vì kinh tế hộ nông dân chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, hiện nay phát triển hạ tầng số để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở khu vực sản xuất nông nghiệp là không đồng bộ (không gian mạng có nơi người dân tiếp cận được, có nơi không). Do đó, ngoài nỗ lực của tỉnh, rất cần Trung Ương, các bộ ngành và các chương trình dự án hỗ trợ tạo điều kiện xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Lâm Đồng (bài 3): Lấy người dân làm trung tâm - Ảnh 3.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Lâm Đồng cần phải bắt đầu từ người nông dân. Ảnh: Văn Long.

Đặc biệt, để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cần có lộ trình tùy theo năng lực của địa phương và điều kiện tiếp cận để hội đủ 4 nền tảng chính của chuyển đổi số trong nông nghiệp là: nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng dữ liệu và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các ứng dụng số được trang bị cho một số cơ sở hiện nay chưa thể phát huy tác dụng của nó khi thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, thương mại nông sản.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Lâm Đồng (bài 3): Lấy người dân làm trung tâm - Ảnh 4.

4 nền tảng chính của chuyển đổi số trong nông nghiệp là: nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng dữ liệu và nguồn nhân lực. Ảnh: Hậu Cao.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, thành công của chuyển đổi số là phải cùng nhau hợp tác làm, có sự kết nối giữa các cơ quan đơn vị quản lý, doanh nghiệp và người nông dân để chia sẻ, gắn chặt với thương mại số. Không thể có doanh nghiệp chuyển đổi số nông nghiệp thành công nếu không có nông dân số. Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết số phải thực hiện vai trò là người đặt hàng thiết lập các ứng dụng số (apps) cần thiết cho chuỗi của mình, tạo lập liên kết thông minh, bền vững với nông dân.

Hơn nữa, Lâm Đồng là vùng sản xuất và cung cấp nguyên liệu nông sản cho cả nước và xuất khẩu. Vì vậy, trong thực hiện hoạt động thương mại điện tử, nên ưu tiên định hướng phát triển sàn thương mại điện tử kết nối giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, các Sở, ban, ngành cần tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đưa các sản phẩm lên các sàn Sendo (FPT), Tiki, BigC/GO, Shopee, Lazada, Alibaba ( xuất khẩu)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem