Chuyên gia ACBS chỉ ra cơ hội đầu tư từ 5 nhóm ngành tiềm năng năm 2023
Hai kịch bản của VN-Index 2023
Trong talkshow Giải mã thị trường chứng khoán mới đây, ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính, GDP Việt Nam năm 2023 sẽ dao động trong khoảng 5,5 - 6,5%. Rủi ro suy thoái có thể đến từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, sẽ tác động giảm tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động của các doanh nghiệp FDI vốn là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam.
Trong năm 2022, lạm phát Việt Nam đến từ chi phí đẩy (chủ yếu là giá dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu). Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy xăng dầu sẽ duy trì xung quanh mức hiện tại trong năm 2023. Theo Goldman Sachs, giá dầu sẽ dao động 90 - 100 USD/thùng. Giá các loại hàng hóa và logistics cũng giảm về mức trước dịch có khả năng không tăng cao cũng giúp giảm bớt áp lực lạm phát.
Do đó, áp lực lạm phát năm 2023 chủ yếu đến từ tác động gián tiếp của chi phí đẩy năm 2022, các chi phí điện, nước, y tế và giáo dục tăng khiến lạm phát tăng, khiến CPI Việt Nam sẽ dao động từ 3,5 - 4,5%.
Về cung tiền – tín dụng, chuyên gia ACBS đánh giá, thời gian gần đây, huy động tăng trưởng khá chậm, cho vay cũng rất khó khăn. Nguyên nhân đến từ tăng trưởng cung tiền từ đầu năm rất thấp, trong khi tăng trưởng tín dụng cao, dẫn đến nguồn tiền cần rất nhiều nhưng nguồn tiền cung rất thấp.
Hai yếu tố chính áp lực lên thanh khoản đến từ ngoại biến là đồng USD mạnh lên, hấp dẫn nguồn tiền khiến dòng vốn chuyển dịch và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải bán USD. ACBS ước tính, NHNN phải bán USD khoảng 26,5 tỷ USD, tương đương rút ròng ra khỏi hệ thống ngân hàng 600 nghìn tỷ đồng làm thanh khoản suy yếu. Còn yếu tố nội biến là thị trường trái phiếu bị chững lại khiến vòng quay vốn bị chậm và chững lại theo.
Trong thời gian tới, những yếu tố đó sẽ được giải quyết, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến giữa năm 2023, tuy nhiên, thanh khoản đã bớt áp lực hơn khi đà tăng lãi suất chậm lại. Đặc biệt, áp lực USD sẽ suy giảm khi Fed ngừng tăng lãi suất. Với dự kiến Fed tăng thêm 0,75%, NHNN cũng dự kiến sẽ phải nâng lãi suất điều hành thêm tầm 1 - 1,5%.
Tỷ giá năm sau dự kiến sẽ bớt căng thẳng nhờ việc Fed ngưng tăng lãi suất và dòng vốn FDI hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tạo thặng dư, còn dịch vụ thì hồi phục và giảm thâm hụt.
Tuy nhiên, rủi ro đến từ việc thu hẹp bảng cân đối của các ngân hàng trung ương lớn (Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu) vẫn áp lực lên tỷ giá. Trong một dự phóng của Fed Alanta, việc thu hẹp 2,2 nghìn tỷ USD tương đương với việc tăng 0,29% trong tình trạng bình thường và tăng 0,74% trong thời điểm khủng hoảng. Do đó, nhóm phân tích nhận định trung lập đối với tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2023 và dự kiến VND có thể tăng giá nhẹ trong nửa sau của năm.
Nhận định về kịch bản thị trường, ACBS cho rằng trong kịch bản cơ bản, VN-Index đi ngang trong 1 - 3 tháng, tích lũy thu hút lực cầu từ các thành phần khác trên thị trường với đòn bẩy là nhóm nhà đầu tư nước ngoài, tạo đáy tại biên độ từ 1.000 – 1.150 điểm (có thể nới rộng đến 1.2000 điểm).
Trong kịch bản tích cực, VN-Index điều chỉnh bởi áp lực chốt lời tăng dần để về hỗ trợ ngắn 1.030 điểm. Sau đó tiếp tục sóng tăng ngắn hạn với pha tăng điểm kháng cự tại đỉnh có nền giá 1.300 điểm.
Chiến thuật đầu tư hiệu quả
Căn cứ tình hình hiện tại, ông Võ Văn Minh, Giám đốc ACBS chi nhánh Cách Mạng Tháng Tám cho biết: “Những gì đã tác động xấu đến chứng khoán khi biến mất sẽ thành tin tốt cho thị trường. Chúng ta kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ khởi sắc hơn do tín hiệu rủi ro đang suy giảm như giá xăng dầu thế giới đã giảm hơn 30% về mức trước xung đột; Trung Quốc đang nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 và chính sách lãi suất của Fed gần chạm đỉnh”, ông Minh phân tích.
Mặt khác, kinh tế Việt Nam sắp vào chu kỳ tăng trưởng do Chính phủ và NHNN đã kiểm soát tăng trưởng tín dụng ổn định trong 6 - 7 năm qua, mức trung bình khoảng 15%, đủ đưa GDP Việt Nam tăng khoảng 6 - 6,5% nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát dưới 4%.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công đạt từ 10 - 12 tỷ USD/năm trong 3 năm tới và mở rộng quỹ đất khu công nghiệp lên 210 nghìn ha vào năm 2030 để thu hút tối đa ngoại lực, FDI chất lượng cao.
Từ đó, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc hơn trong năm 2023 khi P/E chỉ ở mức 10 lần – giá thời khủng hoảng như 2012 – 2020. Đồng thời, Chính phủ đang quyết tâm đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế bằng những mục tiêu rõ ràng như: nâng hạng thị trường lên mới nổi vào năm 2025 và nâng mức đầu tư từ Ba2 lên Baa3 (Moody’s) vào năm 2030.
Đánh giá về các nhóm ngành và cổ phiếu được kỳ vọng thời gian tới, ông Minh cho rằng, khi nền kinh tế phát triển, nhóm tiêu dùng thiết yếu (VNM, PLX, POW) và công nghệ (FPT) sẽ hưởng lợi. Ngoài ra, Việt Nam là nước có lợi thế về nông - lâm - thủy sản, nhưng tính chu kỳ của nhóm này chỉ khoảng 6 tháng đến một năm nên nhà đầu tư cần chú ý thêm. Đơn cử như trong thời gian qua, nhóm lương thực tăng đột biến nên nhóm gạo cũng được hưởng lợi.
Câu chuyện đầu tư công đang được thực hiện quyết liệt, ông Minh đánh giá nhóm này chắc chắn được hưởng lợi, các cổ phiếu nên quan sát nằm trong nhóm vật liệu như: HPG, PLC. Ngoài ra, nhóm đang được định giá thấp là nhóm tài chính như: STB, SSI sẽ có nhiều cơ hội tích lũy. Đặc biệt, nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc thu hút FDI như: GVR, PHR, SZC,…