Tăng trưởng kinh tế 2024 từ 6-6,5%: Mục tiêu thách thức, phải giải quyết dứt điểm yếu kém

An Linh Thứ ba, ngày 14/11/2023 07:53 AM (GMT+7)
Quốc hội vừa thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 với nhiệm vụ tăng trưởng GDP phải đạt từ 6-6,5%, lạm phát dưới 4%. Theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng này khả thi nếu các vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế đã được nhận diện, được Chính phủ có phương án giải quyết kịp thời.
Bình luận 0

Thách thức vẫn đan xen cùng cơ hội tăng trưởng

Một trong những vấn đề còn tồn tại được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhắc đến đó chính là hiện tượng cung - cầu vốn không gặp nhau khi sức khỏe của doanh nghiệp suy kiệt; thậm chí vốn rẻ nhưng doanh nghiệp không mặn mà vay. Cùng với đó, xuất khẩu khó khăn do thiếu đơn hàng. Các thị trường tài sản như bất động sản trong tình cảnh "nguội lạnh"; kênh huy động vốn (chứng khoán, trái phiếu) cho nền kinh tế chậm hồi phục, chưa tháo bỏ được hết những nút thắt, chưa trở thành kênh huy động vốn lớn cho nền kinh tế,…

Bên cạnh những khó khăn thách thức, nhiều điểm sáng của nền kinh tế cũng được nhận diện và kỳ vọng như giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 10/2023 đạt trên 401.800 tỷ đồng, bằng 56,74% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022. Bước đệm giải ngân nhiều dự án lớn như các dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam, dự án Sân bay quốc tế Long Thành… đã và đang trở thành vốn mồi cho các dự án đầu tư công khác.

Giải ngân vốn FDI đạt hiệu quả cao, con số lớn, điều này chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư vẫn lớn vào Việt Nam trong đó có các dự án tỷ USD như nhà máy bán dẫn Amkor… Việt Nam cũng là điểm đến của dòng vốn mới, công nghệ cao hứa hẹn sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên tầm cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện.

Tìm động lực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6%-6,5% năm 2024? - Ảnh 2.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng (Ảnh: Minh Quang).

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Mục tiêu tăng trưởng GDP cao là cơ hội để chúng ta tìm ra những giải pháp để đạt được tăng trưởng.

Theo ông Lực, dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ cho tăng trưởng vẫn rộng mở, các chính sách giảm thuế, phí và giải ngân vốn cho các lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tài khóa là điều cần thiết.

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, phải thiết kế chính sách làm sao giải ngân nhanh gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, các chính sách miễn thuế VAT, phí cho doanh nghiệp cần thực hiện dài hơi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tối đa, theo vị chuyên gia này.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần lĩnh hoạt, trong đó việc giảm lãi suất, hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp ưu tiên như xuất khẩu, công nghệ, logistics sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thì nêu quan điểm, mục tiêu tăng trưởng cao, là thách thức cho Chính phủ bởi hiện nay nhiều mục tiêu kinh tế xã hội trong 3 năm qua chưa đạt được. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, có 5 chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội, tỷ lệ của công nghiệp chế biến, chế tạo, tốc độ tăng trưởng; GDP bình quân và xuất nhập khẩu cũng không đạt.

"Về năng suất lao động, đây là cái đáng lo bởi mục tiêu không đạt được sẽ khiến năng suất lao động giảm sút. Nguyên nhân do Covid-19 kéo dài, nhưng theo tôi vẫn phụ thuộc lớn vào chuyển đổi nền kinh tế, tăng giá trị gia tăng, chuyển dịch lao động và chiến lược chuyển đổi nền kinh tế", ông Hòa nói.

Tìm động lực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6%-6,5% năm 2024? - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: NT)

Ông Hòa cho rằng, chuyển đổi nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động là cần thiết và phù hợp xu hướng của kinh tế khu vực và thế giới. Chuyển đổi số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, doanh nghiệp cần được xem là động lực, vừa là việc bắt buộc để tăng hiệu quả đồng vốn vừa giúp gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

"Thách thức của chuyển đổi số không ai khác chính là thói quen cũ và cách tạo giá trị gia tăng cũ. Cần xem chuyển đổi số như cuộc chơi, bài test để doanh nghiệp thay đổi tương lai của mình", Đại biểu Hòa cho hay.

Muốn tăng trưởng cao cần nhận diện rõ, "chữa đúng và trúng bệnh"

Bên cạnh những kỳ vọng, những thách thức nền kinh tế năm 2024 hiện đang rất rõ nét bởi bối cảnh xung đột diễn ra ở nhiều nơi vẫn diễn ra gay gắt; chuỗi cung ứng toàn cầu về linh phụ kiện, xuất khẩu vẫn đứt gãy; các nước lớn đang gia tăng các biện pháp bảo hộ ngày càng rõ rệt… Điều này đã và đang tác động rõ rệt đến Việt Nam năm 2023 và chưa có dấu hiệu chấm dứt năm 2024.

Theo nhiều chuyên gia, hơn 30 năm sau đổi mới 1986, đây là thời điểm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, những yếu kém nội tại của nền kinh tế ngày càng bộc lộ như thâm dụng vốn, năng lượng, giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu thấp, năng suất lao động khó cải thiện.

Tìm động lực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6%-6,5% năm 2024? - Ảnh 4.

Giải ngân đầu tư công năm 2024 liệu có thực sự đột phá khi có các đại dự án như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Ảnh: AT).

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại bất hợp lý: Vốn rẻ nhưng doanh nghiệp không mặn mà; nhà ở cho người có nhu cầu thật, giá bình dân thiếu, trong khi phân cấp cao cấp dư thừa; vốn đầu tư công nằm chờ dự án; Việt Nam là thị trường có độ mở lớn với hơn 200% GDP, song xuất khẩu hầu hết là đến từ FDI, doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt ra nước ngoài, định vị được rất thiếu, yếu và hiếm.

TS Thiên cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang là vài chục %, còn doanh nghiệp thành lập mới có tăng song tốc độ giảm. "Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là thật, "chết" thật! Còn tỷ lệ gia nhập thì chưa chắc là "thật" vì họ chưa tạo ra sản phẩm ngay, thậm chí doanh nghiệp mới thành lập thường phải có lỗ kế hoạch tính tháng, tính năm mới cho ra sản phẩm mới, tạo giá trị gia tăng, phát triển được.

Tìm động lực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6%-6,5% năm 2024? - Ảnh 5.

PGS. TS TRần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Ảnh: VN).

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp mới thành lập, đăng ký thành lập chưa tạo ra giá trị, chưa đóng góp tăng trưởng GDP, thậm chí đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp đăng ký mới có thể là "ảo" do chính sách đăng ký thành lập doanh nghiệp hiện nay thông thoáng, có nhiều hình thức lập doanh nghiệp để đấu giá, quay vòng hóa đơn, lừa đảo, trốn thuế… gây hại cho nền kinh tế thực.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến nền kinh tế năm 2022 - 2023 đã được nhìn nhận rõ và năm 2024 nếu muốn GDP tăng trưởng, phải giải quyết dứt điểm các yếu kém này. Nếu làm được, không chỉ tăng 6-6,5% mà còn cao hơn.

Ông Cường cho rằng, các hạn chế, yếu kém làm suy giảm nền kinh tế năm 2023 đã được chỉ ra như hệ quả của đại dịch Covid-19, lãi vay đè nặng lên cân đối tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu đơn hàng do nhiều thị trường xuất khẩu "thắt lưng buộc bụng", kênh huy động vốn (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp) gặp sự cố, nhà đầu tư mất niềm tin, thị trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công chậm chạp, tình trạng nhiều đại dự án kéo dài, trì trệ giải ngân…

GS Cường cho rằng, những yếu tố tiêu cực, hạn chế của nền kinh tế đã được nhìn nhận, và giờ là lúc tìm giải pháp để khắc phục. Hy vọng năm 2024, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương "nhìn thẳng vấn đề" có đối sách hợp lý sẽ có dư địa tăng trưởng cao hơn, tốt hơn nhằm hiện thực hóa mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem