Một dự án phải xin trên 30 con dấu, sức khỏe doanh nghiệp bất động sản bị "bào mòn"

13/11/2023 14:45 GMT+7
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, vướng mắc về pháp lý chiếm 70%- 90% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Cùng với đó, thủ tục quá "rườm rà", bào mòn doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị về tín dụng bất động sản sáng nay (13/11), ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, khó khăn về pháp lý chiếm đến 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Nếu không được giải quyết kịp thời, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao.

Ông đề nghị Chính phủ phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao.

Chính phủ và Quốc hội cân nhắc xem xét, kiện toàn Luật đầu tư để quy trình đầu tư, giao đất, quy hoạch, cấp phép xây dựng được diễn ra nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn vốn cho xã hội.

Cùng với đó, ông Dennis Ng Teck Yow mong muốn Chính phủ có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục pháp lý chưa đồng bộ, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố.

"Kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ban, Ngành có chính sách giảm thuế và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (năm 2022, 2023 và 2024)", Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland nêu thêm.

Một dự án phải xin trên 30 con dấu, sức khỏe doanh nghiệp bất động sản bị "bào mòn" - Ảnh 1.

Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland (bên trái).

Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho biết, có tới 90% các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính. Do đó, doanh nghiệp rất mong mỏi các khía cạnh về pháp lý mà Quốc hội đang cân nhắc thông qua.

"Ví dụ như giải phóng mặt bằng, thủ tục và cơ chế thu hồi kéo dài,… có dự án 15 năm chưa xong giải phóng mặt bằng.Về thủ tục đầu tư, hiện 1 dự án phải xin trên 30 con dấu. Điều này bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư FDI. Đối tác nước ngoài rất sợ thủ tục đầu tư ở Việt Nam. Đây là cái cần có quy định tư pháp, như một công văn thực hiện trong bao lâu,…", ông Hiệp giãi bày.

Một dự án phải xin trên 30 con dấu, sức khỏe doanh nghiệp bất động sản bị "bào mòn" - Ảnh 2.

Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng thừa nhận, thị trường BĐS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng (chiếm tới 70% vướng mắc của các dự án bất động sản).

Theo ông Nguyễn Văn Đính, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã quyết liệt tháo gỡ vẫn đề pháp lý vẫn chưa đủ lực để kéo thị trường lên, dẫn đến không có nguồn cung bất động sản mới. "Cả nước có 1.200 dự án đang nằm chờ tháo gỡ, trong đó, khoảng 500 dự án đang được xem xét, còn lại 800 dự án vẫn nằm chờ" – ông Đính cho biết

Cùng với đó là sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; Nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh;

Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...

Vướng về pháp lý không chỉ làm khó doanh nghiệp, ngay cả phía các tổ chức tín dụng cũng "đau đầu" về vấn đề này.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV nêu thực tế: Thời gian qua BIDV ban hành gói cho vay nhà ở thương mại giá rẻ với lãi suất rất cạnh tranh. Nhưng các dự án vướng mắc pháp lý rất nhiều. Từ năm ngoái đến giờ BIDV phê duyệt khoảng 26.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 8.000 tỷ, còn lại 18.000 tỷ đồng đang chờ các thủ tục pháp lý mới giải ngân được.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cũng chỉ ra một số bất cập của thị trường bất động sản hiện nay. Thứ nhất, dự án nhà ở xã hội khan hiếm, một số dự án không bán được, nguyên nhân là do đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được quy định quá chặt chẽ, ít đối tượng, các đối tượng thỏa mãn điều kiện lại khó chứng minh khả năng trả nợ khi vay vốn ngân hàng.

Thứ hai, cơ cấu thị trường bất động sản chưa cân đối, thiếu phân khúc nhà ở có giá cả phù hợp với thu nhập người dân. Từ đầu năm đến nay, lãi vay đã giảm 2,5% nhưng giá nhà không giảm, thậm chí còn tăng.

Thứ ba, người mua nhà còn có tâm lý chờ đợi giá xuống hoặc chưa có điều kiện mua nhà. Vietcombank có danh mục khách hàng cá nhân rất tốt song từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi vẫn ùn ùn chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất thấp. Trong khi đó, dư nợ vay mua nhà lại liên tục sụt giảm.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục