Chuyên gia: GDP bình quân đầu người dự báo vượt 5.000 USD, mối lo bị áp thuế "bị thổi phồng"
Mối lo ngại Việt Nam bị áp thuế do thặng dư thương mại với Mỹ cao có lẽ "bị thổi phồng"
Chia sẻ với báo Dân Việt, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT, cho biết rằng sau khi Mỹ áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã tăng trưởng ấn tượng, đạt mức trung bình khoảng 25% mỗi năm từ năm 2017 đến năm 2022.
Với diễn biến hiện tại, ông Hinh bày tỏ sự lạc quan về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc có nguy cơ phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn từ phía Mỹ. Bên cạnh đó, ông Donald Trump cũng đã cảnh báo áp thuế đối với các quốc gia BRICS nếu họ tìm cách làm suy yếu vị thế của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Đối với Việt Nam, ông Hinh cho rằng mối lo ngại Việt Nam bị áp thuế do thặng dư thương mại với Mỹ cao có lẽ "bị thổi phồng".
Theo ông, Việt Nam hiện đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Hơn nữa, thặng dư thương mại của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng nếu Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Trump vẫn chưa đưa ra bất kỳ động thái thương mại nào nhằm vào Việt Nam. Trái lại, sau khi tái đắc cử, ông đã có cuộc trao đổi cởi mở với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho thấy mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục duy trì ổn định.
"Việt Nam tuy có nguy cơ bị áp thuế vì thặng dư thương mại cao, nhưng không tồn tại xung đột đáng kể nào giữa Việt Nam và Mỹ, như những gì đang diễn ra giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico," ông Hinh nhấn mạnh.
GDP bình quân đầu người dự báo vượt 5.000 USD năm 2025
Bàn về triển vọng tăng trưởng kinh tế, ông Đinh Quang Hinh nhận định rằng hầu hết các nền kinh tế ASEAN, ngoại trừ Malaysia và Singapore, được dự báo sẽ duy trì hoặc thậm chí tăng tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2025. Trong số đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Dẫn số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông cho biết GDP của Việt Nam dự kiến tăng 6,1% vào năm 2025, nhờ vào nhu cầu nội địa vững mạnh cùng sự gia tăng đầu tư từ cả khu vực tư nhân lẫn đầu tư công.
Các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực ASEAN cũng được dự đoán sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực. Cụ thể:
Thái Lan với dự kiến tăng trưởng ở mức 3,0% vào năm 2025, nhờ tiêu dùng mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích của chính phủ và mặt bằng lạm phát thấp;
Malaysia được dự báo tăng trưởng GDP 4,4% nhờ nhu cầu nội địa mở rộng, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân;
Indonesia dự kiến tăng trưởng 5,1%, với nhu cầu nội địa tiếp tục mạnh mẽ nhờ tiêu dùng tư nhân;
Philippines dự kiến tăng trưởng 6,1%, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa trên diện rộng, được củng cố bởi lạm phát và lãi suất thấp hơn.
Trong khi đó, Singapore dự kiến tăng trưởng ở mức 2,5%, phản ánh giai đoạn phát triển kinh tế mới.
Tuy nhiên, ông Hinh cảnh báo rằng đồng USD mạnh có thể làm giảm khả năng nới lỏng tiền tệ trong khu vực do áp lực lên tỷ giá của các đồng tiền ASEAN. Điều này khiến các nền kinh tế trong khu vực phải tập trung nhiều hơn vào việc kích thích tăng trưởng nội địa thông qua các chính sách tài khóa trung lập hoặc nới lỏng, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ điều chỉnh chính sách kinh tế.
Riêng với Việt Nam, ông Hinh tỏ ra lạc quan khi dự báo rằng GDP của Việt Nam có thể tăng lên 7,3% vào năm 2025, cao hơn dự báo trước đó là 6,6%. Ông lý giải rằng sự lạc quan này đến từ triển vọng đầu tư công được cải thiện và lo ngại về tác động của thuế quan Mỹ đối với xuất khẩu Việt Nam đã giảm bớt.
Ngoài ra, các yếu tố khác củng cố đà tăng trưởng của nền kinh tế bao gồm: Tiêu dùng trong nước từng bước được cải thiện trong bối cảnh áp lực lạm phát giảm và thị trường lao động cải thiện; và thị trường bất động sản và đầu tư tư nhân phục hồi nhờ Luật đất đai sửa đổi chính thức được triển khai và môi trường kinh doanh cải thiện nhờ những cải cách của Chính phủ.
"Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN, với GDP bình quân đầu người dự kiến vượt ngưỡng 5.000 USD vào năm 2025," ông Hinh nhận định.
Về ba trụ cột chính của nền kinh tế, nhà phân tích kỳ vọng tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sẽ duy trì ổn định ở mức 8,3% so với cùng kỳ vào năm 2025 (so với mức tăng 8,2% so với cùng kỳ vào năm 2024) nhờ tăng trưởng xuất khẩu và đẩy mạnh đầu tư công.
Trong khi đó, hai trụ cột còn lại có thể mở rộng mạnh mẽ hơn, với khu vực dịch vụ tăng 7,8% so vơi cùng kỳ vào năm 2025 và lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,6%.