Chuyên gia: Không thể "treo" lãi suất cao như hiện nay, lãi suất huy động 6 – 7%/năm là hợp lý

10/01/2023 13:41 GMT+7
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, doanh nghiệp đang rất khó khăn, nên không thể "treo" lãi suất cao như hiện nay. Theo đó, lãi suất huy động chỉ 6-7%/năm là hợp lý. Khi đó, lãi suất cho vay không trở nên quá sức với doanh nghiệp.

Lãi suất tiền gửi một năm hiện khoảng 9,4%, lạm phát bình quân 3,15%. Như vậy, lãi suất tiền gửi thực dương hơn 6,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân 12,5%/năm (kỳ hạn 1 năm), sau khi trừ đi lạm phát, lãi suất thực là 9,35%/năm.

Tại Mỹ, lạm phát năm 2022 ước khoảng 8%, lãi suất cho vay khoảng 4%/năm, có nghĩa là lãi suất cho vay thực tại Mỹ đang ở mức âm 4%/năm.

TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ước tính, so với doanh nghiệp ở Mỹ doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu lãi suất cao hơn 13,35%. Thậm chí, nếu so sánh với châu Âu, lãi suất của Việt Nam còn cao hơn.

"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải kinh doanh dưới áp lực lãi suất cho vay rất ghê gớm, làm sụt giảm sức cạnh tranh, nguy cơ bị đẩy lùi ngay tại thị trường nội địa, nhường chỗ cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang không phải chịu mặt bằng lãi suất cao", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Chuyên gia: Không thể "treo" lãi suất cao như hiện nay, lãi suất huy động 6 – 7%/năm là hợp lý - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Lý giải cho việc lạm phát ở Việt Nam thấp, song lãi suất lại ở nhóm cao nhất thế giới tại talkshow "Đối thoại đầu tuần: Kinh tế 2023: Điều hành chính sách tiền tệ và giải bài toán vốn cho doanh nghiệp" do Báo Đầu tư tổ chức, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay: Lãi suất ở nước ta tăng mạnh thời gian qua không phải do lạm phát hay room tín dụng, mà là do cung tiền.

Theo đó, lãi suất tăng do cung tiền giảm. Năm 2022, cung tiền của Việt Nam chỉ tăng hơn 7%, trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành (GDP danh nghĩa) ước tăng 11,2%. Điều này có nghĩa là, cung tiền năm ngoái thiếu so với tăng trưởng GDP theo giá hiện hành. Nói cách khác, Việt Nam đang thiếu lượng tiền lưu thông để tăng trưởng GDP danh nghĩa.

TS Lê Xuân Nghĩa thông tin thêm, sở dĩ trong nửa đầu năm 2022, nền kinh tế không thiếu tiền là do năm 2021, tăng trưởng GDP danh nghĩa chỉ 4,6% (gồm 2,5% tăng trưởng GDP và 1,9% lạm phát), nhưng cung tiền lại tăng tới 11%. Cung tiền năm 2021 tăng mạnh những tháng cuối năm do NHNN tăng mua ngoại tệ, nên đã hỗ trợ cho 2 quý đầu năm 2022, giúp nền kinh tế không rơi vào tình trạng nghẽn mạch thanh khoản.

Tuy vậy, bước sang những tháng cuối năm 2022, tình trạng nghẽn mạch này đã xuất hiện. Lượng tiền năm 2022 bơm ra nền kinh tế bị hụt.

Hơn nữa, vòng quay tiền tệ của Việt Nam rất thấp (năm 2022 chỉ khoảng 0,6 vòng/năm, trong khi tại Mỹ là 1,6 - 2 vòng/năm). Vì vậy, muốn kéo lãi suất giảm, thì đồng nghĩa cung tiền phải tăng lên.

Ngoài ra, nên nhớ rằng, năm 2022, GDP nước ta tăng 8,02%, nhưng lượng tiền cần cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 không phải là lớn, do dựa trên nền tảng một số quý năm 2021 tăng trưởng âm.

Bước sang năm 2023, dựa trên nền tảng tăng trưởng mạnh của năm 2022, để tăng trưởng 6,5%, nền kinh tế cần lượng cung tiền rất lớn. Đây là điều NHNN cần tính toán kỹ và có kế hoạch chủ động.

Chuyên gia: Không thể "treo" lãi suất cao như hiện nay, lãi suất huy động 6 – 7%/năm là hợp lý - Ảnh 3.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên cam kết giảm lãi suất cho vay năm 2023.

TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý thêm, năm nay, Chính phủ đã trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát không quá 4,5% cho năm 2023, có nghĩa là chấp nhận lạm phát cao hơn năm ngoái. Đây là "khung" thuận lợi để NHNN tăng cung tiền, giảm lãi suất.

"Tôi cho rằng, lạm phát năm nay có thể khó lên tới mức 4,5%, vì hiện nay, cầu tiêu dùng đang giảm khá nhanh trong nước. Hiện nay, doanh nghiệp đang rất khó khăn, chúng ta không thể "treo" lãi suất cao như vậy mãi được. Theo tôi, lãi suất huy động thực chỉ khoảng 2-3% là phù hợp. Có nghĩa là, lạm phát 4% thì lãi suất huy động chỉ 6-7%/năm là hợp lý. Khi đó, lãi suất cho vay không trở nên quá sức với doanh nghiệp", ông Nghĩa khuyến nghị thêm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank thông tin, ngân hàng này sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank. Thời gian giảm từ 1/1/2023 đến hết ngày 30/4/2023.

"Hệ thống của Vietcombank sẽ tự động giảm lãi suất cho vay mà khách hàng không phải có đơn đề nghị hay thủ tục giấy tờ gì.

Trong năm 2023, Vietcombank vẫn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh" - ông Tùng nói.

Trước đó, cùng với Agribank và một loạt ngân hàng tư nhân đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2012. Vietcombank cũng đã thực hiện giảm lãi suất 1%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân đang vay với thời gian triển khai từ ngày 1/11 đến hết 31/12/2022.


H.Anh
Cùng chuyên mục