Chuyên gia lâm nghiệp: Rừng tự nhiên giúp hạn chế lũ ống, lũ quét

Khánh Nguyên (thực hiện) Thứ năm, ngày 29/10/2020 13:00 PM (GMT+7)
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, rừng tự nhiên có tác dụng giữ nước rất tốt, nên hạn chế tình trạng lũ ống lũ quét.
Bình luận 0

Tín hiệu đáng mừng

Mới đây, Bộ NNPTNT và Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) vừa ký một thỏa thuận về đối tác các-bon. Trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang phải chống chọi với mưa lũ suốt thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về thỏa thuận này với chiến lược phát triển rừng bền vững ở Việt Nam?

- Giảm phát thải các-bon là nhiệm vụ của toàn thế giới, nếu không có những hành động khẩn thiết ngay từ bây giờ thì những tác động của biến đổi khí hậu sẽ còn khủng khiếp hơn nữa.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu là do nồng độ cacbonnic trong không khí tăng lên, nhiệm vụ của chúng ta là làm thế nào để giảm nồng độ cacbonnic trong không khí.

Rừng tự nhiên có thể hạn chế lũ ống, lũ quét - Ảnh 1.

Phát triển rừng gỗ lớn tại Thanh Hóa. Ảnh: T.L

img

"Thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5-10ha rừng trồng vì nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất".

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung

Trong bối cảnh đó, việc chúng ta ký hợp tác, để có thêm nguồn lực tài chính mới để phát triển rừng là một tín hiệu đáng mừng. Nếu phát triển rừng tốt, nồng độ cacbonnic sẽ giảm.

Đầu thế kỷ XX, khi diện tích rừng còn nhiều, nồng độ cacbonnic cân bằng và trong ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, từ cuộc cách mạng công nghiệp 2.0, với sự ra đời của động cơ đốt trong và hiện nay là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì lượng phát thải khí cacbonnic ngày càng nhiều.

Những nước công nghiệp phát triển có lượng phát thải quá mức, trong khi những nước như Việt Nam thì lượng phát thải khí nhà kính không đáng kể do công nghiệp chưa phát triển.

Do vậy, những nước phát thải khí cacbonnic quá mức phải bỏ tiền ra cho những nước phát thải ít, điều này mang lại sự công bằng. 

Người ta định lượng cho mỗi nước được phát thải bao nhiêu, nếu vượt quá mức thì phải đóng tiền và trả cho những nước phát thải ít.

 Quá trình đóng tiền, điều chỉnh việc chi trả được thực hiện bởi Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp. Các nước phát thải nhiều có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp để chi trả cho những người làm giảm phát thải các-bon.

Có thể hiểu, với việc ký thỏa thuận này, Việt Nam hướng đến việc giảm phát thải bằng phát triển rừng, chứ không liên quan đến những ngành khác như nhiệt điện, đúng không thưa ông?

- Đúng là như vậy, theo thống kê, có 17 ngành có thể giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có nhiệt điện.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ thỏa thuận này, Việt Nam chọn cách phát triển rừng để làm giảm lượng các-bon trong không khí.

Ngày 22/10/2020, Bộ NNPTNT và WB - cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Với thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.

Hay nói cách khác, chúng ta dùng tác dụng của thực vật, sự quang hợp của cây xanh để giảm các-bon. Cây xanh tích tụ các-bon, quá trình trao đổi chất biến thành xenlulo giúp cây rừng phát triển.

Dựa vào trữ lượng, chất lượng rừng chúng ta có thể tính toán giảm được đã giảm được bao nhiêu các-bon và dựa vào đó để trả tiền.

Cây hấp thụ được các bon, tạo thành rừng, giữ được các-bon trong đó. Những nước giữ được rừng ổn định, lấy được các-bon và tích lũy lại thông qua sự phát triển của cây rừng sẽ tính toán giữ được bao nhiêu các-bon và căn cứ trên tính toán đó Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp sẽ trả tiền. Việc làm này sẽ giúp hình thành thị trường các-bon trên thế giới.

Cũng xin nói thêm, việc ký thỏa thuận này không có nghĩa là bây giờ chúng ta mới nhận được tiền từ Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp mà quỹ này đã viện trợ cho chúng ta 9 năm nay để thử nghiệm đánh giá.

Việc thực thi REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng) chúng ta nỗ lực trong suốt thời gian qua nhằm thực hiện mục tiêu này.

Nếu người dân, ngành chức năng tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, tăng năng suất rừng thì rừng sẽ tích lũy các-bon chuyển hóa thành xenlulo, đó chính là con đường giảm phát thải khí nhà kính bền vững.

 Cây rừng càng lớn càng tích lũy được nhiều các-bon, có nghĩa rừng gỗ lớn sẽ được trả nhiều tiền hơn cho quá trình tích lũy các-bon.

Như vậy có thể hiểu, với việc ký thỏa thuận này, chúng ta chỉ việc giữ rừng thật tốt?

- Đúng rồi, làm sao đừng để cháy rừng, đừng để đất trống đồi trọc. Như tôi đã nói, có nhiều cách giảm phát thải khí nhà kính, nhưng liệu chúng ta có thể giảm nhà máy không, hay do xu thế phát triển chung, các nhà máy mọc lên ngày càng nhiều, trong khi việc đổi mới công nghệ đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực.

Chính vì vậy, giảm phát thải từ rừng đang được quốc tế quan tâm, ưu ái do diện tích rừng ngày càng giảm, do biến đổi khí hậu, lũ lụt, chuyển đổi mục đích sử dụng khiến lượng phát thải khí CO2 ra không khí nhiều quá.

Rừng tự nhiên giữ nước rất tốt

Tình hình mưa lũ ở miền Trung vô cùng nghiêm trọng suốt thời gian qua cũng đặt ra bài toán về bảo vệ và phát triển rừng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Phải khẳng định, rừng tự nhiên giữ nước rất tốt, do hệ thống rễ chằng chịt, mưa bao nhiêu cũng thấm xuống đất, không có hiện tượng chảy tràn thì sẽ không có lũ ống lũ quét. Nếu lượng mưa quá lớn, thì lượng chảy tràn cũng chỉ 20 - 30%. Trong trường hợp không có rừng thì 90% lượng nước chảy tràn trên mặt.

Nếu một cây gỗ rừng trồng thì có đến 70% là gỗ, trong khi cây ở rừng tự nhiên chỉ có 30% là gỗ, còn lại là vỏ, cành, nhánh nên có tác dụng giữ nước tốt.

Do vậy, hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải là rừng tự nhiên. Thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5-10ha rừng trồng vì, nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét…

Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1-2 giờ với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét.

Ở thời điểm năm 1945, độ che phủ rừng tự nhiên lên tới 43%, tuy nhiên, sau đó do tác động của chiến tranh cùng với trình độ quản lý kém hiện nay, độ che phủ của rừng đã bị mất tới gần một nửa (còn khoảng 27% độ che phủ), gây ra những mối đe dọa tới sinh hoạt, phát triển nông nghiệp.

Hiện nay, nhờ các chương trình phát động, diện tích che phủ cũng đã được tăng lên tuy nhiên, đó là rừng trồng nên khả năng tích trữ, chống lũ, sụt lún cũng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên.

Do vậy, theo tôi, chúng ta phải quản lý chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, việc này không chỉ có riêng ngành lâm nghiệp mà phải được cả xã hội ủng hộ. Trước đây, Phú Yên hay Vĩnh Phúc từng có dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sau khi dư luận lên tiếng, việc này phải dừng lại.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem