Chuyên gia lý giải về Hội nghị Trung ương bất thường để kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long

Nguyễn Hoà Thứ năm, ngày 30/06/2022 17:08 PM (GMT+7)
Vừa qua Ban Chấp hành Trung ương đã họp bất thường để xử lý kỷ luật 2 Ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã chia sẻ về vấn đề này tại buổi tọa đàm của Báo Dân Việt/NTNN.
Bình luận 0

Hiểu đúng về Hội nghị T.Ư bất thường

Tại buổi tọa đàm 10 năm triển khai phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Những bài học lớn (ngày 29/6), ông Nguyễn Đức Hà đã đề cập tới câu chuyện ngày 6/6, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường để xử lý kỷ luật 2 Ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long.

Ông Nguyễn Đức Hà đã làm rõ cụm từ "bất thường", bởi có người hiểu không đầy đủ lại cho rằng có điều gì khác thường.

Ông Hà cho biết, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương một năm họp 2 kỳ vào tháng 5, tháng 10. Ngoài 2 lần họp định kỳ này, có những cuộc họp khác không phải vào tháng 5, tháng 10 đều là những kỳ họp đột xuất.

Chuyên gia lý giải việc triệu tập Hội nghị TƯ bất thường để kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long - Ảnh 1.

Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường để xử lý kỷ luật 2 ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh – nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 6/6. Ảnh: MH

Trường hợp Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường ngày 6/6, theo ông đó chính là hội nghị đột xuất, chỉ khác nhau về câu chữ.

"Có 2 vấn đề cần phải lưu ý. Thứ nhất Trung ương họp định kỳ 1 năm 2 lần, trong khi đó Hội nghị Trung ương 5 vừa bế mạc ngày 10/5, đó là họp định kỳ.

Thứ hai, quy chế làm việc của Bộ Chính trị đã được Trung ương thông qua thì xác định, thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Chính trị khi xem xét, xử lý kỷ luật đối với các Ủy viên Trung ương, theo đó Bộ Chính trị có thẩm quyền xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo. Nếu xử lý Ủy viên Trung ương với hình thức kỷ luật cao hơn mức cảnh cáo, phải đưa ra trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định. 

Từ hai lý do đó, Hội nghị Trung ương định kỳ thì vừa qua, trong khi Bộ Chính trị xem xét kỷ luật của 2 ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long thấy rằng mức độ vi phạm, hệ lụy để lại lớn quá, hình thức kỷ luật phải cao hơn hình thức cảnh cáo, tức là phải đưa ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.

Nếu đợi đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương định kỳ (tháng 10) thì không ổn nên Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị bất thường hay đột xuất để xem xét xử lý việc này" – ông Nguyễn Đức Hà phân tích.

Vẫn theo ông Hà, việc xử lý 2 Ủy viên Trung ương rõ ràng càng thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta, thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng là không có vùng cấm, có khuyết điểm đến đâu xử đến đó, có tội đến đâu xử đến đó, đến hình thức nào xử lý đến đó.

Chuyên gia lý giải việc triệu tập Hội nghị TƯ bất thường để kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, Hội nghị bất thường nêu trên cũng là hội nghị đột xuất. Ảnh: Viết Niệm

"Từ Đại hội XIII đến nay, chúng ta mất 3 Ủy viên Trung ương chính thức rồi… Điều này chứng tỏ quyết tâm chính trị của Đảng ta. Quyết tâm này từ đâu, bắt nguồn chính từ Nghị quyết Đại hội XIII.

Đại hội XIII nhấn mạnh cán bộ quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu.

Ban Chấp hành Trung ương từng bước cụ thể hóa để lãnh đạo, chỉ đạo đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống là như vậy. Đây là một trong những quyết định thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Chính cái đó, tôi phải nói rằng chính việc xử lý quyết liệt của Đảng này được lòng dân, được nhân dân ủng hộ, nhân dân tin tưởng" – ông Nguyễn Đức Hà bày tỏ.

Phải "cắt một vài cành sâu để cứu cả cây"

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng Nguyễn Đức Hà, chúng ta trong 10 năm vừa qua có rất nhiều kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

"Tôi công tác ở Ban Tổ chức Trung ương nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ,  phải thừa nhận rằng chưa có nhiệm kỳ nào chúng ta xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao như nhiệm kỳ Đại hội XII, năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Nhiều cán bộ bị xử lý phải nói rất đau xót. Tổng Bí thư vẫn thường nói rằng, trong sự mất mát, trong sự thiệt hại thì mất mát về cán bộ là cái đau xót nhất, lớn nhất.

Nếu có thiệt hại về kinh tế, mất mát về kinh tế chúng ta cũng có thể để bù đắp lại được, nhưng mất mát cán bộ, thiệt hại về cán bộ để lại những hệ lụy lâu dài, chúng ta không thể khắc phục nó trong một sớm, một chiều.

Chuyên gia lý giải việc triệu tập Hội nghị TƯ bất thường để kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Hà cho biết, chưa có nhiệm kỳ nào chúng ta xử lý kỷ luật nhiều cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao như nhiệm kỳ Đại hội XII, năm đầu Đại hội XIII. Trong ảnh là cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong một phiên tòa. Ảnh: MH

Tổng Bí thư cũng nói: Thật là đau lòng, thật đau xót khi xử lý đồng chí, cán bộ của mình nhưng chúng ta không thể không làm. Vì sự trong sạch của Đảng, sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, vì sự tối thượng của pháp luật Nhà nước và vì ý nguyện của nhân dân, chúng ta đã làm, đang làm và còn phải tiếp tục làm trong thời gian tới", ông Nguyễn Đức Hà nói.

Phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp lâu dài

Bàn về băn khoăn phải chăng hành lang pháp lý, hệ thống luật pháp và các quy định, công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn còn kẽ hở dẫn tới cán bộ nổi lòng tham khi họ có cơ hội, dẫn chứng là vụ án liên quan Công ty Việt Á vừa qua, nêu quan điểm tại buổi tọa đàm, GS –TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia HCM cho rằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng là một sự nghiệp lâu dài.

Những nước có thành tích chống tham nhũng tốt nhất hiện nay như ở Bắc Âu, họ phòng chống tham nhũng đến vài trăm năm trong Nhà nước của họ. Người ta ghi nhận họ có những chủ trương, phòng, chống tham nhũng đến vài trăm năm.

Chuyên gia lý giải việc triệu tập Hội nghị TƯ bất thường để kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long - Ảnh 4.

GS –TSKH Phan Xuân Sơn nhìn nhận, công cuộc phòng, chống tham nhũng là một sự nghiệp lâu dài, chúng ta cần làm tốt cả khâu chống và phòng. Ảnh: Viết Niệm

"Nói như vậy không phải là mình không chống mà sự nghiệp phòng, chống tham nhũng rất khó khăn và lâu dài. Chúng ta vừa rồi chống như vậy là tương đối ổn, có thành tích rõ, còn phần phòng nữa.

Phần phòng như ta hay thường nói, đó là làm cho không có thể tham nhũng, không cần tham nhũng. Thực tiễn thì phần này chúng ta chưa có những bước đi thật là rõ rệt, GS –TSKH Phan Xuân Sơn nói.

GS –TSKH Phan Xuân Sơn lấy ví dụ, nói chống tham nhũng lại xuất hiện những vụ án to hơn, lĩnh vực mới như chứng khoán, kit xét nghiệm nhưng bản chất của tham nhũng vẫn thế. Tức là lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi cá nhân.

"Bây giờ làm thế nào để người ta không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân? Hiện nay luật pháp của chúng ta khá đầy đủ, tất nhiên là phải hoàn thiện nhưng phần phòng phải làm thế nào? Tôi cho rằng chúng ta phải hoàn thiện thêm trong pháp luật có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp" – ông Phan Xuân Sơn nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem