Chuyên gia phân tích xu hướng giúp châu Á hưởng lợi từ dòng vốn bền vững 3,5 nghìn tỷ USD

20/11/2024 08:38 GMT+7
Tổng tài sản quản lý (AUM) của các quỹ tài chính bền vững toàn cầu ghi nhận mức kỷ lục mới là 3,5 nghìn tỷ USD; chiếm 7% tổng tài sản các quỹ đầu tư toàn cầu.

Dòng vốn tiếp tục đổ vào các quỹ tài chính bền vững

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tính đến cuối tháng 6 năm nay, tổng tài sản quản lý (AUM) của các quỹ tài chính bền vững toàn cầu ghi nhận mức kỷ lục mới là 3,5 nghìn tỷ USD, tăng 3,9% kể từ đầu năm. Hiện các quỹ đầu tư bền vững chiếm khoảng 7% tổng tài sản các quỹ đầu tư toàn cầu.

Trong khi đó, tổng tài sản của các quỹ đầu tư truyền thống chỉ tăng khoảng 2,5% kể từ đầu năm. Sự gia tăng về tổng tài sản của quỹ đầu tư bền vững chủ yếu do tác động bởi hai yếu tố, thứ nhất là hiệu quả đầu tư, yếu tố thứ hai là dòng tiền mới.

"Trong 6 tháng đầu năm nay, các quỹ đầu tư bền vững trên thế giới có mức lợi nhuận trung bình là 1,7%, cáo hơn so với mức 1,1% của các quỹ truyền thống. Điều này được lý giải là do các quỹ bền vững thường có tỷ trọng phân bổ danh mục vào cổ phiếu nhiều hơn các quỹ truyền thống, trong khi cổ phiếu đang là tài sản đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong giai đoạn này", Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết.

Vì sao lợi nhuận trung bình các quỹ đầu tư bền vững cao hơn truyền thống? - Ảnh 1.

AUM của các quỹ tài chính bền vững toàn cầu ghi nhận mức kỷ lục mới là 3,5 nghìn tỷ USD; chiếm 7% tổng tài sản các quỹ đầu tư toàn cầu (Nguồn: Morgan Stanley)

Cũng theo bà Hiền, AUM của các quỹ tài chính bền vững toàn cầu ghi nhận mức kỷ lục mới là 3,5 nghìn tỷ USD; chiếm 7% tổng tài sản các quỹ đầu tư toàn cầu, theo Morgan Stanley.

Trong 6 tháng đầu năm, các quỹ tài chính bền vững vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, khi có thêm 20 tỷ USD vốn mới, tương đương với khoảng 0,6% tổng tài sản. Đáng chú ý, dòng vốn mới rút ròng ở khu vực Bắc Mỹ, trong khi Châu Á trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư bền vững trong 6 tháng đầu năm.

Các quỹ bền vững khu vực Bắc Mỹ chịu sự rút ròng chủ yếu do tại Mỹ, các tranh cãi chính trị xuất phát từ đảng Cộng Hòa về những nghi ngờ liên quan đến mối lo ngại ”tẩy rửa xanh” (các công ty đưa ra tuyên bố sai lệch hoặc lừa đảo về lợi ích môi trường của sản phẩm, dịch vụ hoặc chính sách của họ), đã ảnh hưởng đến dòng vốn tài chính bền vững của nước này.

Trong năm 2023, các lãnh đạo chính trị thuộc đảng Cộng hòa ở một số bang ở Mỹ đã rút hàng tỉ đô la tiền đầu tư của nhà nước từ các quỹ bền vững của các công ty quản lý tài sản hàng đầu như BlackRock. Đồng thời, họ cũng đề xuất nhiều dự luật nhằm hạn chế việc sử dụng các tiêu chí ESG trong đầu tư. Xu hướng này đã giúp cho các nước Châu Á được hưởng lợi từ dòng vốn 3,5 nghìn tỷ USD này.

Tại châu Á, khu vực Đông Nam Á cũng sôi nổi nhằm thu hút dòng vốn đầu tư bền vững. Dẫn số liệu thống kê của Morningstar trong năm 2023, bà Hiền cho biết các quỹ đầu tư bền vững ở khu vực này đã thu hút được dòng vốn ròng là 325 triệu đô, cao hơn 11,2% so với con số 292 triệu đô của năm 2022.

"Nhìn chung, các nhà đầu tư nói chung đang lạc quan hơn về Đông Nam Á một phần do tiềm năng tăng trưởng của khu vực này sẽ cao hơn so với phần còn lại của thế giới. Theo đó tăng trưởng GDP của ASEAN-6 (Singapore,Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Việt Nam) dự kiến sẽ phục hồi từ 4% năm 2023 lên 4,7% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025", bà Hiền nhấn mạnh.

Ngoài ra, khu vực này sẽ được hưởng lợi từ sự kết hợp giữa quy mô dân số lớn, gia tăng tiêu dùng nội địa, đô thị hóa và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Do đó, nhiều quỹ tài chính nhận diện nhiều cơ hội đầu tư bền vững liên quan đến chuyển đổi năng lượng, dịch vụ tài chính và đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các nước thuộc khu vực này.

Mặc dù các quỹ Đông Nam Á nhìn chung hoạt động tốt hơn vào năm 2023 so với năm 2022, nhưng các quỹ bền vững lại đạt được lợi nhuận trung bình cao hơn. Theo thống kê của Morningstar, các quỹ đầu tư bền vững khu vực Đông Nam Á dành phân bổ 2/3 tài sản vào cổ phiếu, trong khi các tài sản thu nhập cố định chỉ chiếm khoảng 6%. Các quỹ bền vững ở Đông Nam Á đạt mức lợi nhuận trung bình cả năm là 4,8%, tích cực hơn so với mức lợi nhuận âm 20,4% của năm trước. Trong khi đó, các quỹ truyền thống ghi nhận mức lợi nhuận 3,1% trong cả năm 2023, so với mức âm 12,4% vào năm 2022.

Vào tháng 12/2023, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Thái Lan (SEC) đã triển khai các chính sách mới cho các quỹ đầu tư bền vững để thu hút đầu tư và giảm phát thải ròng. Quỹ này phải đầu tư vào trái phiếu hoặc cổ phiếu niêm yết của công ty Thái Lan đáp ứng tiêu chí về phát thải và bền vững. Các nhà đầu tư vào quỹ đầu tư bền vững được khấu trừ thuế và miễn thuế cho thu nhập từ lãi nếu duy trì đầu tư trong ít nhất 8 năm.

Chính sách này đã mang lại hiệu quả khi tổng tài sản quỹ đầu tư bền vững của Thái Lan đã từ 75 triệu USD lên 236 triệu USD cuối năm 2023. Malaysia, một trong những thị trường tài chính bền vững lớn nhất khu vực, cũng đưa ra nhiều sáng kiến và hướng dẫn nhằm thu hút dòng vốn này. Tài sản quỹ đầu tư bền vững của Malaysia tăng 9,22% trong năm 2023 lên 7,7 tỷ ringgit (1,63 tỷ USD) với 68 sản phẩm quỹ đầu tư.

Vì sao lợi nhuận trung bình các quỹ đầu tư bền vững cao hơn truyền thống? - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS).

Cơ hội và thách thức cho sự phát triển dòng vốn đầu tư bền vững tại Việt Nam

Tại Việt Nam, theo Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS, xu hướng đầu tư ESG hay đầu tư bền vững đang ngày càng được quan tâm của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó dự báo, cũng như chi phí vốn này càng đắt như hiện nay. Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư này nhờ môi trường chính trị ổn định, tiềm năng phát triển năng lượng xanh lớn, tốc độ đô thị hóa cao, cũng như gia tăng tầng lớp trung lưu.

Mặt khác, các nhà đầu tư Việt Nam cũng đang tìm kiếm các mục tiêu bền vững hơn trong bối cảnh có nhiều biến động. Tuy nhiên, các thách thức chủ yếu của hoạt động này hiện nay tại Việt Nam bao gồm: thứ nhất, các doanh nghiệp có mức độ áp dụng thực hành tốt ESG trong hoạt động kinh doanh chưa nhiều, do đó mục tiêu đầu tư còn hạn chế. Thứ hai, nguồn thông tin và dữ liệu về thực hành phát triển bền vững của doanh nghiệp còn hạn chế và chưa đồng bộ, do đó việc tiếp cận và đánh giá còn gặp khó khăn.

Vì vậy, bà Hiền cho rằng để thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư bền vững tại Việt Nam cần có sự hợp tác mạnh mẽ giữa các thành viên tham gia thị trường bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, các công ty quản lý quỹ và các doanh nghiệp trên thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp cần công bố báo cáo phát triển bền vững theo các quy định cụ thể và được giám sát bởi cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp các quỹ đầu tư có nguồn dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy trong việc xây dựng các sản phẩm đầu tư bền vững.

Ngoài ra, cần có thêm các cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư bền vững, cũng như ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các quỹ này, nhằm tạo cú hích cho dòng vốn vào lĩnh vực này trọng giai đoạn đầu.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục