Chuyên gia: Ukraine không nên ảo vọng vào những lời hứa của Mỹ

Mỹ Hằng thực hiện Thứ tư, ngày 16/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Chuyên gia phân tích tình hình chính trị quốc tế Phạm Phú Phúc, nguyên phóng viên thường trú TTXVN tại Liên Hợp Quốc, cho rằng Mỹ đang thổi phồng căng thẳng giữa Nga và Ukraine, muốn dùng đây như một "con ngáo ộp" an ninh để gây sức ép với Châu Âu, trong khi Nga không có lợi ích gì nếu tấn công Ukraine.
Bình luận 0

Mỹ sợ Nga sẽ khuynh đảo Châu Âu

Ngày 14/2, Tổng thư ký LHQ nói rằng LHQ không có ý định sơ tán nhân viên khỏi Ukraine, Tổng thống Ukraine thì kêu gọi các doanh nhân, tỷ phú của họ quay lại đất nước. Thế nhưng Mỹ và phương Tây lại có những động thái ngược lại. Ông nghĩ thế nào về ý kiến của nhiều người cho rằng Mỹ dường như đang cố tình thổi phồng sự căng thẳng quanh vấn đề Ukraine?

- Đúng là như vậy và Mỹ có lý do để làm điều đó. Mỹ sắp bước vào bầu cử giữa kỳ và Tổng thống Biden cùng đảng Dân chủ muốn củng cố vị thế của họ trước đảng Cộng hoà nhưng hy vọng đó dường như đang bị đe doạ. Vì thế chính quyền Dân chủ muốn tạo điểm nhấn đối ngoại, kéo dư luận quan tâm đến đối ngoại trong khi đối nội không tốt như người ta muốn.

Chuyên gia: Ukraine không nên ảo vọng vào những lời hứa của Mỹ - Ảnh 1.

Nhà bình luận chính trị quốc tế Phạm Phú Phúc: Nga không tấn công Ukraine vì không muốn phía mạng sườn của mình bị hỗn loạn. Ảnh chụp màn hình TV.

Thứ hai, Mỹ có lúc tưởng như bước ra khỏi khủng hoảng Covid-19, nhưng ngược lại, thực tế gần đây cho thấy Mỹ tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng đó. Cũng giống như lý do đối nội trên, chính quyền Dân chủ muốn kéo sự lo ngại, thất vọng của người dân khỏi cuộc khủng hoảng này.

Thứ ba, cũng là vấn đề của nước Mỹ. Thời Tổng thống Donald Trump, dường như Mỹ khó có sự đồng cảm của đồng minh Châu Âu, Đông Bắc Á, thậm chí bị phản đối, bị quay lưng lại. Giờ Tổng thống Biden muốn sử dụng vấn đề nước Nga để lôi kéo đồng minh, dường như chủ trương đó đã thành công nên Mỹ muốn dấn thêm, thổi bùng vấn đề Nga – Ukraine.

Về đối ngoại, Tổng thống Nga Putin nhiều lần tuyên bố Nga không chủ trương tấn công Ukraine. Nhưng từ tháng Giêng Mỹ đã nhắc đến việc tấn công và cố tình thổi bùng sự việc lên để sự chống Nga của bên ngoài mạnh hơn. 

Mỹ đang muốn dùng vấn đề Nga – Ukraina như "con ngáo ộp" về an ninh để ngăn cản sự hợp tác giữa Nga và Châu Âu.

Thêm nữa, dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" đang chia rẽ Châu Âu với Mỹ thông qua chính sách chất đốt. Một số nước như Hungary hay Đức ủng hộ dự án "Dòng chảy phương Bắc 2", còn nhiều nước Châu Âu khác và Mỹ vẫn phản đối.

Mỹ đang muốn dùng vấn đề Nga – Ukraina như "con ngáo ộp" về an ninh để ngăn cản sự hợp tác giữa Nga và Châu Âu. Mỹ muốn tập trung mũi dùi an ninh vào Nga. Mỹ chuyển vũ khí cho Kiev, chuyển quân đến gần biên giới Ucraine với Nga. Mỹ muốn nói với Châu Âu rằng, nếu anh đồng lòng với tôi thì có tôi bên cạnh, có tôi đi đầu trong việc đảm bảo an ninh. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản thì Mỹ yêu cầu các nước này đóng tiền để được Mỹ bảo đảm an ninh, nhưng lần này với Ukraine, Tổng thống Biden chủ động cung cấp vũ khí và lực lượng, tất cả nhằm ngăn chặn đà thắng của Nga trong vấn đề Châu Âu, Mỹ sợ rằng Nga sẽ khuynh đảo Châu Âu.

Nga, Ukraine và châu Âu đều không muốn chiến tranh

Nhưng quan sát thực tế thì ông thấy tình hình có căng thẳng đến mức Nga phải tấn công Ukraine như Mỹ vẫn phát biểu?

Tôi cho rằng Nga không có ý  định xâm lược Ukraine, vì không muốn mạng sườn của mình hỗn loạn. Nếu Nga tấn công Ukraine thì ai cũng hiểu Mỹ và Châu Âu sẽ can thiệp vào. Trong khi kinh tế của Nga vẫn không chắc chắn, Tổng thống Putin cũng có vấn đề của ông ấy, xã hội Nga cần phải ổn định, nên tình hình sẽ ra sao nếu Ukraine rơi vào tình cảnh giống Syria? Các lực lượng khủng bố dễ tràn vào Nga, chưa kể biên giới Belarus với Nga sẽ trở nên bất ổn.

Chuyên gia: Ukraine không nên ảo vọng vào những lời hứa của Mỹ - Ảnh 3.

Quân dự bị Ukraine tham gia tập trận gần Kiev tháng 12/2021. Ảnh: EPA

Thứ hai, phần còn lại của Châu Âu trừ Ukraine là quá quan trọng với nước Nga. Nga không có tham vọng đất đai với Ukraine hiện giờ. Khác với ở Crimea và Sevastopol, vùng Donbass không phải Sevastopol. Với Nga thì Sevastopol là vấn đề lịch sử nên Nga có cớ cần kiểm soát, còn ở Donbass, Nga không có cớ chiếm vùng này. Nga ủng hộ Donbass vì ở đó người Nga rất đông. Sự căng thẳng với Ukraine là do có những người thổi phồng lên, còn Moscow không có ý định tấn công Ukraine. Châu Âu quan trọng với Nga hơn nhiều cả về an ninh và kinh tế, so với Kiev với Nga, nên Nga không muốn bị chia rẽ với Châu Âu.

Thứ ba, nếu Nga khai hoả cuộc chiến với Ukraine thì cái mất của Nga là kinh khủng. Vấn đề Crimea đã khiến Nga khốn khổ từ năm 2014 đến nay, Nga lấy lại được Crimea nhưng không yên ổn, trên Biển Đen các nước tập trận ngay sát Crimea. Nên không bao giờ Nga tấn công Donbass và Donetsk, Crimea đã quá đủ để Nga rút ra bài học. Nếu có chăng tình hình sẽ giống ở Syria hay Nam Ossetia, Nga chỉ tham gia can thiệp chớp nhoáng chứ không có ý định chiếm đóng giống Crimea.

Nếu Nga đưa quân vào Ukraine thì sợ rằng sẽ tạo ra cuộc chiến lớn ở Châu Âu, chưa nói là chiến tranh thế giới thứ ba. Nhưng tôi tin điều đó không xảy ra. Các nước Châu Âu không sẵn sàng theo Mỹ đưa quân vào Ukraine để đối đầu với Nga. Vì với Châu Âu, Chiến tranh Thế giới thứ nhất, thứ hai đã quá đủ để họ hiểu không được phép lâm vào một cuộc chiến tranh khác. Họ theo Mỹ đi chinh chiến ở Iraq, ở Afghanistan quá đủ rồi. Nhân dân các nước đó, kể cả nước nhỏ như Ba Lan, Hungary, Rumania cũng không cho phép chính phủ đưa quân vào Ukraine.

Nếu Nga đưa quân vào Ukraina thì sợ rằng sẽ tạo ra cuộc chiến lớn ở Châu Âu, chưa nói là chiến tranh thế giới thứ ba. Nhưng tôi tin điều đó không xảy ra. Các nước Châu Âu không sẵn sàng theo Mỹ đưa quân vào Ukraine để đối đầu với Nga.

Nếu xảy ra chiến tranh thiệt hại sẽ là khôn lường, Ukraine không loại trừ khả năng bị chia nhỏ giống Syria. Ukraine phải tự trách mình trước. Nền kinh tế Ukraine sau bao năm kiệt quệ, chính quyền liên tục thay đổi, đất nước bất ổn. Đất nước Ukaine phải mất nhiều năm mới trở lại như thời Liên Xô tan rã. 15 nước cộng hoà của Liên Xô cũ bây giờ có nước nào như Ukraine?

Với Nga cũng na ná như vậy. Nếu gây chiến thì kinh tế Nga sẽ đối mặt với rất nhiều số âm về  tăng trưởng, bạn hàng mất, kinh tế không phát triển, thiệt hại cả về ngoại giao.

Ukraine không phải là lợi ích để Mỹ lăn xả vào

Vậy theo ông, có thể làm gì để giải quyết căng thẳng Nga – Ukraine, nhất là khi yêu cầu của Nga rằng NATO không mở rộng về phía đông vẫn luôn bị phương Tây cho là vấn đề của riêng họ? 

- Hãy trông chờ các biện pháp ngoại giao. Nếu chiến tranh thì không bên nào thắng. Với vấn đề Ukraine, phương Tây và Nga đã xây dựng cơ chế đối thoại Normandy và đề ra Thỏa thuận Minsk.  Ukraine tham gia 2 cơ chế này, nhưng họ không tuân thủ thoả thuận. Vì thế cần phải khôi phục một cách tích cực và mang tính xây dựng các cơ chế đối thoại và thoả thuận đó.

Chuyên gia: Ukraine không nên ảo vọng vào những lời hứa của Mỹ - Ảnh 5.

Xe tăng Nga tập trận ở Vùng Leningrad, ảnh do Nga công bố ngày 14/2/2022.

Đặc biệt phía Ukraine không nên ảo vọng vào những lời hứa hẹn của Mỹ và phương Tây. Họ phải thấy được thế của mình để mà "bán anh em xa mua láng giềng gần" - phải biết điều đó chứ đừng ảo tưởng. Không bao giờ Mỹ đổ tiền của vào một cuộc xung đột nữa. Châu Âu cũng cần Nga hơn cần Ukraine. Trước đây vận chuyển khí đốt từ Nga phải qua Ukraine nhưng giờ không cần nữa, Ukraine không thể làm mình làm mẩy như trước. Nếu Ukraine đưa ra quân bài trở thành thành viên NATO, thì Nga đã có thông điệp rồi, yêu cầu cao nhất của Nga là NATO không kết nạp Ukraine, nếu không đó sẽ là hành động vượt lằn ranh đỏ và cả Châu Âu có thể bị kéo vào cuộc chiến với Nga.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ mới đây đã không đem lại đột phá gì, thậm chí sau đó ông Biden còn bị dư luận Mỹ chỉ trích ở thế yếu so với ông Putin. Nhưng ông có cho rằng Ukraine chỉ là cớ để hai bên tiếp tục đối thoại?

- Từ thời ông Biden lên cầm quyền, lãnh đạo Nga và Mỹ đã gặp nhau rồi, theo tôi nhớ là 1 cuộc gặp trực tiếp và 3 lần gặp trực tuyến. Việc họ điện đàm lần này không hẳn để giải quyết vấn đề Ukraine vì nó quá mắc mớ, mà là để duy trì đối thoại vì ngay giữa Nga và Mỹ có nhiều vấn đề phải đề cập, không chỉ là vấn đề Ukraine.

Họ biết điện đàm cũng không thể giải quyết vấn đề Ukraine vì các yêu cầu của Nga quá xác đáng, nếu đáp ứng thì buộc Mỹ - NATO phải thay đổi một loạt chủ trương. Nhưng Nga – Mỹ không thể để vấn đề Ukraine trùm lên và lánh mặt nhau. Ukraine không phải là một túi lợi ích của Mỹ, không phải là cái để người Mỹ lăn xả vào như Syria, người Mỹ không đưa con đưa cháu ra chiến trường vì Ukraine. 

Liên quan đến Ukraine thì lợi ích của Nga và Châu Âu quan trọng hơn nhiều so với Mỹ vì sát sườn ở đó. Nước Mỹ đang theo đuổi xu hướng dân tộc chủ nghĩa, đề cao lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, không chịu tốn kém vì nước khác. Kể cả Mỹ có đứng trên Châu Âu để giải quyết vấn đề Ukraine thì Châu Âu cũng không đồng ý. Hơn nữa Mỹ cũng đang có vấn đề của họ, nên cuộc điện đàm Biden - Putin có mục tiêu duy trì đối thoại, giữ quan hệ tương đối bình thường giữa hai bên trong bối cảnh có nhiều vấn đề không bình thường bao gồm cả vấn đề Ukraine mà thôi. 

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem