Chuyển hộ khẩu có cần đổi Căn cước công dân?

14/10/2020 09:00 GMT+7
Pháp luật hiện hành quy định có trường hợp chuyển hộ khẩu phải đổi CMND, có trường hợp không bắt buộc khiến nhiều người thắc mắc. Vậy, khi chuyển hộ khẩu có phải làm lại CMND, Căn cước công dân hay không?

Trường hợp người dân đang dùng chứng minh nhân dân

Theo quy định tại Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13), những công dân đã được cấp chứng minh nhân dân (CMND) được đổi lại trong các trường hợp sau:

- Quá thời hạn sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp;

- CMND rách, nát, không rõ ảnh hoặc một trong các thông tin đã ghi trên CMND;

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh. Những thay đổi này phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

- Những người đã được cấp giấy CMND nhưng chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp chuyển đăng ký hộ khấu thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố mà công dân có yêu cầu thì được đổi lại CMND;

- Thay đổi đặc điểm nhận dạng là những trường hợp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình hoặc vì lý do khác đã làm thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng của họ.

Ngoài ra, những công dân đã được cấp CMND nhưng bị mất thuộc trường hợp được cấp lại CMND.

Căn cứ quy định trên, trường hợp người dân đang dùng thẻ CMND mà chuyển hộ khẩu thường trú sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì bắt buộc phải thực hiện đổi lại CMND. Trường hợp chuyển hộ khẩu trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ được đổi CMND nếu người dân có nhu cầu.

Chuyển hộ khẩu có cần đổi Căn cước công dân? - Ảnh 1.

Căn cước công dân gắn chip tích hợp được nhiều thông tin của công dân, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính…

Trường hợp người dân đang dùng thẻ Căn cước công dân

Theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014:

1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này (khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi);

b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

d) Xác định lại giới tính, quê quán;

đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

e) Khi công dân có yêu cầu.

2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;

b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Trong những trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nêu trên, không có trường hợp nào do thay đổi hộ khẩu thường trú. Vì thế, nếu đang dùng Căn cước công dân mà thay đổi hộ khẩu, người dân không phải xin cấp đổi, cấp lại Căn cước công dân.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chip. Dự kiến, thẻ Căn cước công dân gắn chip sẽ được triển khai từ tháng 11/2020.

Được biết, Căn cước công dân gắn chip tích hợp được nhiều thông tin của công dân, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính…

PV
Cùng chuyên mục