Chuyện lạ Kon Tum, ban ngày làm quần quật trên nương, tối đến người Xơ Đăng cắp sách đi học

Hoàng Lộc Thứ sáu, ngày 28/04/2023 08:00 AM (GMT+7)
Ban ngày bên nương rẫy, tối đến, người Xơ Đăng ở Kon Tum lại rủ nhau cắp sách vở đến lớp để học con chữ với ước mơ thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Những học viên ở lớp này có người đã U40, U50, thậm chí có người đã lên chức ông, bà.
Bình luận 0

Khi tuổi trung niên đi học chữ

Trời vừa nhá nhem tối, hàng chục học viên cầm theo đèn pin rọi đường và cắp sách vở kéo nhau về điểm trường thôn Đăk Xô thuộc Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) để học lớp xóa mù chữ.

Đúng 18h30 phút, lớp học xóa mù nơi đây bắt đầu sáng đèn và vang vọng tiếng ê a tập đánh vần của các học viên. Cô Y Phân, giáo viên tại điểm trường thôn Đăk Xô được phân công giảng dạy lớp học xóa mù chữ này.

Lớp học “đặc biệt” của bà con vùng cao ở Kon Tum - Ảnh 1.

Lớp học xóa mù chữ tại thôn Đăk Xô, xã Hiếu được mở từ tháng 11/2022 đến nay và có 34 học viên tham gia học

Để lớp học đông đủ và sôi nổi như vậy, khoảng 30 phút trước khi lớp học bắt đầu, cô Phân đi đến đến từng nhà thăm hỏi, động viên từng học viên.

Theo cô Phân, lớp học có khoảng 34 học viên và đã mở từ tháng 11/2022 đến nay. Lớp được mở từ thứ 2 đến thứ 5, kéo dài từ 18h30 phút đến 20h. Điểm chung của tất cả học viên này đều là nông dân, người đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng ở thôn Đăk Xô. Ban ngày, họ làm việc ở trên nương rẫy, khi tối muộn thì tranh thủ đến lớp để học chữ.

Nhằm tạo thuận lợi cho bà con học chữ, Trường PTDTBT Tiểu học xã Hiếu đã bố trí một phòng học của học sinh lớp 1 tại điểm trường thôn Đăk Xô.

Lớp học “đặc biệt” của bà con vùng cao ở Kon Tum - Ảnh 2.

Các học viên ở đây là nông dân, người đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Vì điều kiện gia đình khó khăn, những người này chưa từng được đến lớp học con chữ

"Mỗi học viên ở lớp có một hoàn cảnh khác nhau, người chưa được đi học, có người đã đi học dở chừng. Chính vì vậy, tôi thường cố gắng lựa chọn những phương pháp dạy phù hợp để giúp các học viên dễ hiểu, dễ nhớ và tích cực hơn trong học tập", cô Phân nói.

Ngày nào cũng vậy, cứ đều đặn mỗi tối, chị Y Chen (40 tuổi, trú tại thôn Đăk Xô, xã Hiếu) lại cắp sách vở đến lớp để học chữ. Chị Chen chia sẻ, lúc nhỏ, do cuộc sống khó khăn, nhà lại đông anh chị em nên chị không được đi học chữ mà phải theo bố mẹ làm trên nương rẫy để kiếm cái ăn. Khi lớn lên, chị lập gia đình rồi sinh con. Cuộc sống cứ trong vòng luẩn quẩn cơm, áo, gạo, tiền khiến chị quên mất mình không biết chữ. Cuối tháng 11/2022, biết thông tin thầy cô mở lớp xóa mù chữ, chị đã đăng ký học.

"Những ngày đầu học chữ với tôi rất khó khăn. Đôi tay của tôi trước giờ chỉ quen với cái cuốc, cái cày nên bị viết nó bị cứng tay. Từ đó, dẫn đến con chữ thường nguệch ngoạc. Sau gần 5 tháng học chữ, được sự hướng dẫn tận tình của cô giáo, tôi đã biết đánh vần, biết viết rồi biết tính toán. Nhờ đó mà tôi có thể tính toán được sản lượng sắn, gạo sau khi thu hoạch để bán lấy tiền", chị Chen bộc bạch.

Lớp học “đặc biệt” của bà con vùng cao ở Kon Tum - Ảnh 3.

Cô giáo Y Phân trao đổi với các học viên lớp xóa mù chữ

Giống như chị Chen, ông A Tắc (50 tuổi, trú tại thôn Đăk Xô, xã Hiếu) cũng quanh năm gắn bó với nương rẫy. Giờ đây, khi đã có cháu nội lẫn cháu ngoại nhưng ông Tắc vẫn chưa biết đọc, biết viết. Khi biết có lớp xóa mù chữ được mở ra, ông liền đăng ký tham gia học.

"Vì không biết chữ nên từ trước đến giờ để ký xác nhận các giấy tờ, như sổ đỏ, hay những giao dịch quan trọng, tôi toàn phải nhờ người thân trong gia đình hoặc tự mình lăn tay. Khi học học thuộc bảng chữ cái, biết đánh vần thì tôi đã có thể tự viết được tên mình, dù còn nguệch ngoạc nhưng tôi vui mừng, phấn khởi lắm", ông Tắc cho hay.

Còn bà Y Mai (66 tuổi, trú tại thôn Đăk Xô, xã Hiếu) cho biết, bà sinh ra vào thời điểm chiến tranh loạn lạc cộng với nhà nghèo nên không thể đi học như bạn bè cùng cùng trang lứa. Khi trưởng thành, lao vào cuộc sống mưu sinh nên cụ chưa từng nghĩ có ngày sẽ đi học và biết chữ.

"Được đi học tôi cảm thấy rất vui. Giờ đây, tôi cũng nhận được mặt chữ, biết cộng được các con số và viết được tên mình rồi", bà Mai hồ hởi nói.

Cô giáo Y Phân chia sẻ thêm, chứng kiến bà con đến lớp đông mới hiểu được họ không ngại tuổi tác mà vẫn rất ham học và muốn học để biết con chữ. "Họ cảm thấy, mỗi ngày đến lớp là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Đó chính là nguồn động viên to lớn giúp tôi đứng lớp mỗi ngày", chị Phân nói thêm.

Xóa mù chữ để giảm nghèo

Theo Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đơn vị đã phối hợp với các trường học mở 4 lớp xóa mù chữ tại các xã Đăk Ring, Măng Buk, Hiếu và Ngọk Tem từ tháng 11/2020 đến nay. Các lớp học đã thu hút 128 học viên tham gia, hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số từ 20 tuổi đến 69 tuổi.

Lớp học “đặc biệt” của bà con vùng cao ở Kon Tum - Ảnh 4.

Chị Y Chen (đứng) muốn học chữ để cải thiện cuộc sống gia đình

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết, để các lớp xóa mù chữ đạt hiệu quả cao, các trường trên địa bàn huyện đã lựa chọn các thầy, cô giáo phụ trách giảng dạy là người có kinh nghiệm, và biết tiếng đồng bào. Bên cạnh việc dạy học, các thầy, cô giáo còn phối hợp với chính quyền địa phương để làm công tác tuyên truyền, vận động các học viên ra lớp.

"Sau khi kết thúc giai đoạn 1 của lớp học, chúng tôi hy vọng rằng, các anh/chị học viên sẽ học thuộc và viết thạo được bảng chữ cái và biết tính toán cơ bản", ông Cường cho biết.

Lớp học “đặc biệt” của bà con vùng cao ở Kon Tum - Ảnh 5.

Các học viên học rất chăm chỉ

Còn ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu (huyện Kon Plông) cho hay, thôn Đăk Xô có tổng cộng 74 hộ, trong đó 51 hộ nghèo và 94% người dân thôn này đều là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy và đi làm thuê.

"Lớp học xóa mù chữ được mở ra rất ý nghĩa và thiết thực đối với người dân ở đây. Hy vọng rằng, sau khi hoàn thành khóa học thì tất cả bà con đều biết đọc, biết viết và thay đổi được nhận thức để nâng cao chất lượng cuộc sống và từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo", ông Vinh chia sẻ.

CLIP: Lớp học xóa mù chữ vào buổi tối tại thôn Đăk Xô, xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem