Chuyện về tên phố "ngọt nhất" Hà Nội

Nguyễn Văn Ất Chủ nhật, ngày 01/01/2023 06:24 AM (GMT+7)
Phố Hàng Đường - cái tên có nguồn gốc từ các mặt hàng kẹo bánh và các sản phẩm làm từ đường, mật. Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue du Sucre.
Bình luận 0

Phố Hàng Đường là một phố trong khu phố cổ Hà Nội, chạy theo hướng bắc - nam, đầu phía bắc nối với phố Đồng Xuân, cuối phố phía nam nối vào phố Hàng Ngang. Cắt ngang Hàng Đường có phố Hàng Cá và phố Ngõ Gạch. Từ ngã tư Hàng Đường - Hàng Cá - Ngõ Gạch đổ về phía Đồng Xuân, dân sở tại trước đây hay gọi là "Hàng Đường trên", từ ngã tư này đổ về phía dưới phía đầu Hàng Ngang thì gọi là "Hàng Đường dưới". "Hàng Đường dưới" phải dài gần gấp đôi "Hàng Đường trên".

Nói thì như vậy thôi, chứ thực ra phố Hàng Đường không dài lắm, chỉ vẻn vẹn có 180m, và bề rộng lòng đường cũng chỉ 8m. Từ đầu phố đến chợ Đồng Xuân chỉ tầm 150m. Từ cuối phố đến Bờ hồ Hoàn Kiếm không đầy 500m.

Chuyện về phố từng "ngọt nhất" Hà Nội  - Ảnh 1.

Phố Hàng Đường, ảnh chụp năm 1930. Ảnh tư liệu.

Tên phố "Hàng Đường" có nguồn gốc từ các mặt hàng kẹo bánh và các sản phẩm làm từ đường, mật.

Thời xa xưa, từ thế kỷ XV, phố Hàng Đường là một con đê của sông Tô Lịch. Cho đến tận thế kỷ XIX, sông Tô Lịch từ cửa sông ở chỗ Chợ Gạo chảy qua phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, cắt ngang phố Hàng Đường rồi đi chéo sang phố Hàng Lược mà lên Bưởi. Để đi qua khúc sông Tô Lịch ở chỗ Hàng Đường này có một cái cầu đá, gọi là Cầu Đông. Nay cầu đã mất nhưng kỷ niệm về cây cầu đá ấy vẫn còn với tên gọi ngôi chùa trên phố là chùa Cầu Đông.

Chùa Cầu Đông ngoài thờ tượng Phật còn có tượng Trần Thủ Độ, vị Thái sư thời nhà Trần và tượng bà Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ. Nay chùa Cầu Đông tọa lạc ở số 38 Hàng Đường.

Cũng gắn với cây cầu đá bắc qua sông Tô Lịch khi xưa ở phố Hàng Đường có chợ Cầu Đông. Sau này chợ Cầu Đông rời đến phố Đồng Xuân nên gọi là chợ Đồng Xuân. Có thể nói chợ Đồng Xuân chính là "hậu duệ" của chợ Cầu Đông trên phố Hàng Đường khi xưa.

Trên phố Hàng Đường, ngay cạnh chùa Cầu Đông còn có đình Đức Môn. Đình Đức Môn thờ ngài Ngô Văn Long, một vị tướng thời Vua Hùng Vương thứ 18. Ở phố Hàng Đường khi xưa còn có một ngôi đình nữa là đình Vĩnh Hanh (tọa lạc ở số nhà số 19B bây giờ). Ngày xưa tầng dưới của đình là nơi buôn bán, bên trên để thờ. Ngày nay dấu tích về ngôi đình hầu như không còn…

Sau khi người Pháp đặt sự cai trị ở xứ Bắc Kỳ và Hà Nội, cùng với sự thay đổi của phố phường thì phố Hàng Đường cũng có nhiều thay đổi.

Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue du Sucre, cũng dịch từ "hàng Đường" mà ra. Tuyến xe điện từ Bờ Hồ chạy qua phố Hàng Đường để lên Đồng Xuân và Thụy Khuê là tuyến xe điện có sớm nhất ở Hà Nội, từ năm 1900.

Sau năm 1945, phố lại trở lại tên cũ là phố "Hàng Đường". Như đã nói ở trên, tên phố "Hàng Đường" có nguồn gốc từ các mặt hàng kẹo bánh và các sản phẩm làm từ đường, mật. Ngày ấy hàng hóa đặc trưng của phố là các loại bánh kẹo, hàng làm từ mật, đường mía, đường phèn. Đường phèn từ Quảng Ngãi mang ra, đường mật mía từ các vùng xung quanh, qua tay lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành các loại bánh kẹo. Những tháng tấp nập nhất là trước tết và rằm Trung thu. Đi trên con phố vào những ngày giáp lễ, tết ấy là bao âm thanh rộn rã của tiếng khuôn dập bánh và ngào ngạt mùi thơm thanh mát của các loại bánh mứt kẹo…

Người ở Hà Nội trước năm 1954 và sau đó một vài năm chắc chưa quên một số thương hiệu bánh mứt kẹo nổi tiếng đất Hà thành khi đó như Tùng Hiên, Ngọc Anh, Bích Lan…Tất cả các hiệu đó đều ở phố Hàng Đường.

Chuyện về phố từng "ngọt nhất" Hà Nội  - Ảnh 2.

Nhãn hàng “Bánh-Mứt-Kẹo Bích Lan” trước năm 1954. Ảnh tư liệu.

Nhưng ít người biết chủ của hiệu Bích Lan khi đó là đôi vợ chồng còn rất trẻ: Ông bà Nguyễn Hữu Lễ và Nguyễn Thị Nga. Cả hai người khi đó mới ngoài 20 tuổi.

Hiệu "Bánh-Mứt-Kẹo Bích Lan" ở số 73 Hàng Đường. Tuy nhiên đây chỉ là nơi bán hàng, vì ngôi nhà này tuy mặt tiền rộng nhưng hơi nông. Vì thế xưởng sản xuất khá lớn phải nằm ở bên trong số nhà 43 cùng phố. Mặt hàng chính của hiệu Bích Lan là mứt Tết và bánh Trung Thu. Xưởng sản xuất phải thuê nhiều công nhân.

Sau năm 1954 "Bánh-Mứt-Kẹo Bích Lan" còn tồn tại vài năm nữa, chủ yếu dựa vào các nguyên liệu như đường, sữa. sôcôla… còn từ thời Pháp để lại.

Cuối năm 1959, đầu 1960 với việc "cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh" thì "Bánh- Mứt-Kẹo Bích Lan" phải đóng cửa, giải tán thợ. Ông bà chủ phải "hiến" nhà 73 Hàng Đường và chuyển làm nghề khác.

Chủ hiệu bánh mứt kẹo Bích Lan cụ Nguyễn Hữu Lễ và cụ Nguyễn Thị Nga là thân sinh ra nhà tôi. Nay các Cụ đã là "người thiên cổ". Bây giờ phố Hàng Đường thuộc Phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Con phố vẫn mang tên Hàng Đường nhưng người dân chuyển sang kinh doanh nhiều thứ mặt hàng khác như quần áo, giày dép, túi ví…; tuy nhiên vẫn còn một vài cửa hàng bán mứt kẹo và ô mai.

Hiện nay phố là đường một chiều theo chiều từ Hàng Ngang đến Đồng Xuân. Phố nằm trong tuyến phố đi bộ vào các buổi tối cuối tuần. Một địa danh du khách nếu tham quan Hà Nội không nên bỏ qua…


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem