Có lo ngại làn sóng dừng hoạt động của doanh nghiệp?

05/10/2020 06:22 GMT+7
Trung bình mỗi tháng có 8.701 doanh nghiệp dừng hoạt động. Con số này cao hơn 27% so với 9 tháng đầu năm 2019. Nhiều ý kiến đặt ra lo ngại về làn sóng dừng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới, nên rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.

Báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết có 78.306 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có 8.701 doanh nghiệp dừng hoạt động. Con số này cao hơn 27% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Hơn 78.000 doanh nghiệp đóng cửa sau 9 tháng

Trong đó, 38.629 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng tới 82% so với cùng kỳ năm 2019; 27.588 doanh nghiệp chờ giải thể và 12.089 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh lý giải, quãng thời gian từ khi bắt đầu quá trình phục hồi nền kinh tế, các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đến nay còn chưa đáng kể và diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp. Đây là nguyên nhân kéo tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng lên.

Cơ quan này cho rằng việc số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động tăng 82% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong giai đoạn 2015-2020 thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

So với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở 17 lĩnh vực. Trong đó, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng cao nhất.

Danh sách cụ thể gồm: Kinh doanh bất động sản (1.103 doanh nghiệp, tăng 161%); giáo dục và đào tạo (745 doanh nghiệp, tăng 130%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.414 doanh nghiệp, tăng 120%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.320 doanh nghiệp, tăng 109%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (305 doanh nghiệp, tăng 102%).

Theo quy mô vốn, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động kinh doanh phần lớn có quy mô vừa và nhỏ với vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng. 35.247 doanh nghiệp thuộc nhóm này tạm dừng kinh doanh, chiếm tỷ lệ hơn 90%.

Trung bình mỗi tháng có 8.701 doanh nghiệp dừng hoạt động

Trung bình mỗi tháng có 8.701 doanh nghiệp dừng hoạt động

Có lo ngại làn sóng dừng hoạt động của doanh nghiệp?

Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến đặt ra lo ngại về làn sóng dừng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới, và đặt câu hỏi Chính phủ có giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề trên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó doanh nghiệp Việt Nam không phải là ngoại lệ, đều bị ảnh hưởng trước tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, kết quả về phát triển kinh tế của nước ta trong 9 tháng đầu năm rất đáng khích lệ.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất.

Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, các công tác mà Chính phủ yêu cầu bao gồm: Thứ nhất, phải hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của FDI, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh Covid-19 không thể đi ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua trực tiếp giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.

Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Mặc dù chúng ta không đi được theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta đã tổ chức nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, 3 tháng cuối năm chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn không những cho quý 4 và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho rằng, khó khăn của các doanh nghiệp sau 9 tháng vẫn còn. Tuy nhiên đã đỡ hơn rất nhiều so với đầu năm. Kết quả thể hiện rõ ở mức tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn như những doanh nghiệp liên quan đến hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp lữ hành du lịch.

Do đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các bộ, ngành đang rà soát, báo cáo với Chính phủ, có kiến nghị cụ thể đối với tình hình sắp tới, nếu cần sẽ kiến nghị thêm những chính sách mới.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục