Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Còn nhiều băn khoăn
Băn khoăn về lĩnh vực, ngành nghề
Theo đánh giá của Ban soạn thảo Nghị định, sau hơn 4 năm thực thi, Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về chuyển ĐVSNCL thành CTCP đã tạo khung pháp lý, góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa các ĐVSNCL.
Thống kê từ các bộ và địa phương cho thấy, đến tháng 8/2019, có 338 ĐVSNCL đã được đưa vào Danh mục chuyển đổi thành CTCP nhưng mới có 31 ĐVSNCL đã hoàn thành chuyển đổi thành CTCP.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, quá trình chuyển đổi nêu trên đã gặp nhiều vướng mắc về khuôn khổ pháp lý, do đó, Nghị định về chuyển ĐVSNCL thành CTCP đang được Bộ Tài chính xây dựng (theo nhiệm vụ được Chính phủ giao) sẽ chú trọng tháo gỡ các vướng mắc này.
Điểm đáng chú ý trong Dự thảo là quy định về điều kiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP, bao gồm: tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự bảo đảm được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi; còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị ĐVSNCL; thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
Bình luận về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi, bà Nguyễn Thị Lê Thu, chuyên gia của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, về nguyên tắc, nên thực hiện đối với các ĐVSNCL cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân và người dân sẵn sàng bỏ tiền mua, qua đó mang lại lợi nhuận cho công ty.
Mặt khác, sản phẩm, dịch vụ mà các ĐVSNCL cung cấp không phải là thiết yếu mà Nhà nước cần bảo đảm quyền tiếp cận của người dân. Trên cơ sở này, đối tượng khi chuyển thành CTCP bao gồm toàn bộ các ĐVSNCL kinh tế; các cơ sở giáo dục đại học (trừ ngành sư phạm và đặc thù); cơ sở dạy nghề; cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chất lượng cao, chuyên khoa răng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mĩ; các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ khoa học công nghệ; trung tâm văn hóa...
Cần đảm bảo quyền tiếp cận của người dân
Xem xét từ góc độ vai trò của Nhà nước, bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP phải được đánh giá kỹ lưỡng để có chính sách phù hợp. Trong đó, việc xác định đúng ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với chuyển đổi là cần thiết.
“Vai trò điều tiết của Nhà nước trong những dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục rất quan trọng. Kể cả ở những nước phát triển thì nhà nước vẫn giữ vai trò điều tiết một số dịch vụ công thiết yếu cho người dân, như giáo dục. Danh mục chuyển đổi phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công sau khi các ĐVSNCL chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp”, bà Quyên nói.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia của WB, còn một số quy định cần làm rõ trong quá trình chuyển đổi này, chẳng hạn là các quy định về công khai minh bạch thông tin, xử lý mâu thuẫn giữa giá trần dịch vụ công và quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Với nhiều vấn đề đặt ra như vậy, theo bà Quyên, nên chăng khuyến khích việc chuyển đổi từng bước, trước hết là chuyển sang công ty 100% vốn nhà nước để các ĐVSNCL làm quen với mô hình hoạt động của DN trước, sau đó mới chuyển thành CTCP. Mặt khác, để bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ sau khi chuyên đổi, Nhà nước vẫn phải giữ vai trò quan trọng trong giám sát tình hình tài chính, kết quả hoạt động của doanh nghiệp và vấn đề này cần được đưa vào thành quy định cụ thể trong Nghị định.
Cùng quan điểm, bà Lê Thu cho rằng, để bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ của các ĐVSNCL sau khi chuyển đổi thành CTCP, Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn giám sát và có chế tài xử lý vi phạm. Với những lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, xử lý rác thải thì Nhà nước cần quản lý giá nhằm bảo đảm quyền tiếp cận của người dân.