Cổ phiếu An Gia có giúp nhà đầu tư an gia?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 18/09/2019 14:07 PM (GMT+7)
An Gia Group đang chuẩn bị IPO lên sàn HoSE với giá phát hành 28.500 đồng/cổ phiếu. Cơ hội nào cho mã chứng khoán bất động sản này?
Bình luận 0

Theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Tập đoàn Bất động sản An Gia quyết định sẽ niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) với “thời gian không muộn hơn” ngày 31/3/2020.

Trước mắt, An Gia đang chuẩn bị IPO với giá 28.500 đồng/CP - một mức giá “không kém cạnh” so với những tên tuổi bất động sản đình đám khác như: Nam Long, Phát Đạt… Cơ sở nào để An Gia Group định ra mức giá IPO như thế?

img

Dự án The Sóng Vũng Tàu đang thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư (Ảnh: IT)

“Sức khỏe” của An Gia?

Dù mới xuất hiện trên thị trường khoảng hơn chục năm nay, An Gia Group dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường bất động sản với hàng loạt các dự án “đình đám” như The Star, The Garden, Riverside, Skyline… và mới nhất là River Panorama. Điểm đặc biệt trong hướng đi của An Gia Group là hướng vào phân khúc căn hộ trung - cao cấp với xu thế cạnh tranh rất quyết liệt, song nhờ nguồn tài chính khá dồi dào từ các đối tác chiến lược nước ngoài, An Gia Group dễ dàng M&A các dự án bị “trùm mền” do chủ đầu tư cũ không đủ tiềm lực. Điều này được thể hiện rõ qua báo cáo tài chính 3 năm gần đây của An Gia Group (từ 2016 - 2018).

Cụ thể, nếu năm 2016, doanh thu của doanh nghiệp (DN) chỉ đạt 733 tỷ đồng, thì bước sang năm 2017, 2018 doanh thu của An Gia Group tăng lên lần lượt là 989 tỷ đồng và 1.492 tỷ đồng (tương đương 64,3 triệu USD), tăng gấp 167 lần so với 4 năm trước. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 chỉ là 25 tỷ đồng, thì bước sang năm 2017 tăng lên 59 tỷ đồng và năm 2018 ước tính là 292 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2017.

Cơ cấu tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của An Gia Group cũng tăng lên “chóng mặt”. Nếu năm 2016 tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là 858 tỷ đồng và 133 tỷ đồng; thì sang năm 2017 tỷ lệ này là 2.452 tỷ đồng và 189 tỷ đồng; và năm 2018 là 2.291 tỷ đồng và 839 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu các năm từ 2016-2018 lần lượt là 1,1; 1,7 và 0,4.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia bất động sản, An Gia Group có sự phát triển vượt bậc trong 3 năm trở lại đây bắt nguồn từ khi chính thức ký kết hợp tác toàn diện trị giá 200 triệu USD với quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản). Đây là quỹ đầu tư được thành lập vào năm 1996, chuyên về phát triển các dự án bất động sản với tổng tài sản lên đến 5 tỷ USD, với kinh nghiệm phát triển nhiều dự án bất động sản ở nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Malaysia, Cambodia, Singapore, Myanmar, Bangladesh và Việt Nam.

img

Kế hoạch kinh doanh của An Gia (Nguồn SSI)

Với nguồn tiềm lực tài chính từ Creed Group, An Gia đã tự tin thực hiện các thương vụ M&A, có thể kể đến như: Dự án Angia Star (quận Bình Tân) mua lại của Công ty CP Đầu tư xây dựng Tân Bình; phát triển dự án Angia Riverside và Angia Skyline từ 2 block của DA Lacasa vốn “trùm mền” hàng mấy năm trời trước đó;… Gần đây nhất, An Gia và Creed Group cũng đã hợp tác với Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt tái khởi động DA River City, quy mô 11,25 ha và đang thi công đúng tiến độ xây dựng, dự kiến bàn giao trong năm 2019.

Được biết, ngoài đầu tư vốn, Creed Group còn chuyển giao công nghệ phát triển dự án của Nhật Bản cho An Gia, đảm bảo mỗi dự án đều đạt chuẩn quốc tế về tiến độ, xây dựng và kiến trúc. Đây cũng là ưu thế để nhà đầu tư xem xét khi quyết định “xuống tiền” với cổ phiếu An Gia.

Nhiều thành công và cũng không ít… trở ngại

Thời gian qua, An Gia Group khá “nổi đình nổi đám” trên thị trường bất động sản với nhiều dự án nổi bật. Chẳng hạn, với dự án River Panorama - An Gia đã tạo sự khác biệt trong hệ thống tiện ích và thiết kế căn hộ. Đầu tiên là sảnh đón được đầu tư thiết kế với diện tích rộng thoáng, tích hợp các yếu tố thiên nhiên mang hơi thở các khu resort 5 sao. 

Một dự án khác của An Gia là Skyline (khu vực quận 7 với 480 căn hộ có diện tích từ 58 - 112m2) cũng chính thức được vinh danh tại hạng mục Dự án phân khúc hạng trung tốt nhất (Best Mid-end Condo Development) tại giải thưởng BĐS uy tín hàng đầu châu Á PropertyGuru Vietnam Property Awards 2018. Skyline gồm 1 block cao 35 tầng với 480 căn hộ có diện tích từ 58 - 112m2, từ 2 - 3 phòng ngủ. 

Mới đây nhất, dự án The Sóng Vũng Tàu do An Gia và Quỹ đầu tư Creed Group làm chủ đầu tư cũng tạo “sóng” trên thị trường với những tiện ích được giới thiệu thuộc loại bậc nhất ở thành phố biển Vũng Tàu như: hồ bơi độ cao 120m, quầy bar, trung tâm thương mại, khu thể thao, khu sinh hoạt cộng đồng, khu vực BBQ, công viên nước, sảnh tiệc, kid club, phòng game và karaoke, phòng gym,...

Dù vậy, An Gia cũng vướng phải không ít “lùm xùm”. Chẳng hạn, để đối phó với việc UBND TP.HCM tạm ngưng cấp phép cho dự án officetel, An Gia Investment đã “chơi chữ” khi “hô biến” phần offietel tại dự án The Signial (Q.7) thành loại hình căn hộ mới mang tên Smartel, sau đó chào bán ra thị trường với giá cao ngất ngưỡng, và đẩy mọi rủi ro về phía khách hàng.

Được biết, dự án The Signial (tọa lạc tại địa chỉ 89 Hoàng Quốc Việt, quận 7), do An Gia và Creed Group làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án là Ricons-Coteccons. Dự án có quy mô 42.458m2 với 35 tầng và 1.150 căn hộ diện tích từ khoảng 32-39m2, giá bán dao động trong khoảng 1,3 - 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông tin trên nhiều mặt báo, dự án Smartel The Signial trên thực tế là một phần trong dự án khu dân cư phức hợp Lacasa.

Cụ thể, vào ngày 12/3/2017, An Gia Investment và Creed Group công bố đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa từ tay Công ty Vạn Phát Hưng. Theo quy hoạch 1/500 của Khu dân cư này được UBND TP.HCM phê duyệt tại quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 thì dự án Smartel The Signial chính là phần officetel Khu phức hợp Lacasa. Thế nên, việc An Gia “hô biến” phần officetel Khu phức hợp Lacasa trở thành căn hộ smartel đang khiến nhiều nhà đầu tư phân vân bởi những rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra về mặt pháp lý với dự án này.

Tháng 3/2019, UBND TP đã có công văn 1466, yêu cầu dừng cấp phép các dự án officetel trên địa bàn TP.HCM. Tại công văn này, lãnh đạo TP đề nghị tạm dừng việc xem xét, điều chỉnh, bổ sung hoặc chuyển đổi một phần chức năng của công trình, dự án sang officetel (căn hộ văn phòng) trên địa bàn cho đến khi Chính phủ ban hành quy định đối với loại hình này.

Đồng thời, UBND TP cũng chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc xử lý các trường hợp chuyển đổi chức năng officetel sang chức năng khác, không có chức năng ở tại các dự án trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem