Cổ phiếu họ FLC “múa bên trăng”, nhóm bất động sản nằm sàn la liệt sau vụ "quay xe" của Tân Hoàng Minh

Quốc Hải Thứ tư, ngày 12/01/2022 15:02 PM (GMT+7)
Trước thông tin ông Trịnh Văn Quyết 'bán chui' cổ phiếu FLC và phải hoàn tiền, kèm việc Tân Hoàng Minh xin hủy cọc lô đất Thủ Thiêm, các cổ phiếu 'họ FLC' và nhóm bất động sản đang bị nhà đầu tư bán ra mạnh, “nằm sàn” la liệt...
Bình luận 0
Cổ phiếu họ FLC “múa bên trăng”, nhóm bất động sản nằm sàn la liệt sau vụ "quay xe" của Tân Hoàng Minh - Ảnh 1.

Các mã chứng khoán họ FLC và nhóm BĐS đỏ sàn trong phiên giao dịch hôm nay... - Ảnh: IT

Phiên giao dịch chứng khoán hôm nay 12/1 diễn ra trong sự lo lắng của nhiều nhà đầu tư khi cùng lúc xuất hiện hai thông tin "nặng ký". Đó là việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - bị hủy toàn bộ giao dịch "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu FLC; và thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin hủy cọc lô đất vàng Thủ Thiêm.

Cụ thể, với thông tin liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, ngay khi khởi động phiên, toàn bộ 7 thành viên thuộc "họ FLC" đều bị giảm điểm mạnh, trong đó riêng mã GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) bị giảm điểm trong sắc đỏ, các mã còn lại đều bị giảm sàn xanh lơ.

6 thành viên "họ FLC" đang bị giảm sàn, trắng bên mua gồm: FLC (Tập đoàn FLC) bị giảm sàn xuống mốc 18.550 đồng, ROS (Xây dựng FLC Faros) bị giảm sàn còn 12.950 đồng, AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone) bị lao xuống giá sàn 8.910 đồng, KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) bị giảm sàn còn 8.600 đồng, HAI (Nông dược H.A.I) bị rớt xuống giá sàn 8.570 đồng, ART (Chứng khoán BOS) nằm ở giá 13.700 đồng.

Trong lúc đó, phản ứng trước thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc, xin chấm dứt hợp đồng mua đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, hàng loạt mã bất động sản cũng nằm sàn la liệt. Điển hình như mã CII (Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM), LDG (Đầu tư LDG), QCG (Quốc Cường Gia Lai), VRC (Bất động sản và đầu tư VRC), NHA (Nhà và đô thị Nam Hà Nội), NBB (Đầu tư Năm Bảy Bảy), KHG (Khải Hoàn Land), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), HAR (Bất động sản An Dương Thảo Điền), EVG (EverLand)...

Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên gia, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho hay, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc chỉ là ngòi nổ và đây là chất xúc tác để cổ phiếu BĐS giảm giá, thậm chí giảm sàn mạnh xảy ra sớm hơn mà thôi.

Vì sao? Ông Phương nhấn mạnh rằng, thực tế cho thấy trong suốt hơn 1 tháng vừa qua, cổ phiếu BĐS đã tăng nóng, tăng bất chấp, tăng không cần lý do, tăng theo kiểu tin đồn, tăng theo suy diễn, tự định giá… chứ thực ra không hề có luận chứng thuyết phục để chứng minh cho đà tăng của nhóm này.

Hầu hết các mã chứng khoán BĐS từ nhỏ đến lớn đều tăng nóng. Đúng là từ khi hết giãn cách, các hoạt động cũng bình thường trở lại, các hoạt động xây dựng, các dự án cũng khởi động trở lại nhưng điều này không đồng tình, đồng thuận với đà tăng giá nhanh, mạnh của cổ phiếu BĐS thời gian qua.

"Cổ phiếu BĐS thời gian qua cứ xanh xanh, tím tím rồi cuối phiên lại đóng trần màu tím. Nó mang rất nhiều dấu ấn của việc làm giá, mua bán theo bầy đàn, theo hô hào hoặc dự đoán chứ không thể hiện đúng bản chất giao dịch công bằng, minh bạch và đúng giá trị như trên mặt bằng chung.

Cho nên, hiện nay nếu cổ phiếu BĐS có bị điều chỉnh giảm sâu thì cũng là câu chuyện riêng của cổ phiếu BĐS chứ không phải đại diện cho mặt bằng của toàn bộ thị trường" – ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam.

Nguyên nhân cổ phiếu BĐS tăng giá mạnh thời gian qua là được "mượn" sự việc đấu giá của Tân Hoàng Minh ở Thủ Thiêm. Từ đó, "đội lái , tay to" đổ vào đẩy giá cổ phiếu lên. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc các vị lãnh đạo DN BĐS có can thiệp vào việc "thổi" giá cổ phiếu lên hay không.

"Ai cũng biết việc phát hành trái phiếu của DN ngày càng khó khăn hơn do sự chỉ đạo từ Bộ Tài chính, NHNN. Kể cả Chính phủ cũng đã lên tiếng về việc không để các DN lạm dụng phát hành trái phiếu vô tội vạ. Do đó, việc huy động vốn từ thị trường này gặp khó khăn. Trong khi đó, việc vay từ các ngân hàng cũng khó, bởi trong giai đoạn giãn cách, các DN BĐS đã gặp rất nhiều khó khăn, họ không bị chuyển nhóm nợ cũng là may rồi. Do vậy, không loại trừ nhiều khi các DN đẩy giá cổ phiếu lên để tăng giá trị danh mục tài sản của lãnh đạo các DN. Khi đó, lãnh đạo các DN này sẽ dùng một số nghiệp vụ kỹ thuật (repo khéo) để rút tiền ra từ danh mục tài sản mà họ đang sở hữu", ông Phương phân tích.

Ông Phương cho rằng, sự việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc chỉ là ngòi nổ để giúp cho cổ phiếu BĐS trở về giá trị thực. Còn nguyên nhân chính yếu vẫn là việc giá cổ phiếu BĐS bị thổi lên quá cao và bắt đầu mang hơi hướng của "bong bóng". Mà khi đã là "bong bóng" thì sớm muộn cũng bị nổ hay điều chỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem