"Cổ phiếu khẩu trang": Chuyên trách tăng vọt, "tay trái" bị ghẻ lạnh

05/02/2020 06:04 GMT+7
Khẩu trang đang là mặt hàng "nóng" nhất, nóng hơn cả vàng vì vậy "cổ phiếu khẩu trang" lần đầu tiên được gọi tên. Điều đáng nói, công ty chuyên trách được chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt, còn với công ty coi khẩu trang là sản phẩm phụ, cổ phiếu bị nhà đầu tư ghẻ lạnh.

Dịch viêm phổi lạ do virus Corona chủng mới nCoV đang hoành hành trên toàn cầu. Một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng được Bộ Y tế đưa ra là phải đeo khẩu trang. Vì vậy, mặt hàng này bỗng chốc trở nên vô cùng khan hiếm.

Khẩu trang là mặt hàng rất nhỏ bé và ít doanh nghiệp tham gia sản xuất, phân phối khẩu trang. Trên thị trường chứng khoán, giới chuyên gia và đầu tư phân chia ra thành rất nhiều ngành như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, y tế, dược phẩm,… khẩu trang chưa bao giờ được coi là ngành riêng biệt.

Vì vậy, giới đầu tư chỉ nhắc đến cổ phiếu y tế hay cổ phiếu ngành dược. Và khẩu trang sẽ nằm lẫn giữa hai ngành này. Thậm chí, đôi khi khẩu trang còn "lạc" vào ngành dệt may vì một vài công ty dệt may cũng cung cấp khẩu trang ra thị trường.

"Cổ phiếu khẩu trang": Chuyên trách tăng vọt, "tay trái" bị ghẻ lạnh - Ảnh 1.

Cổ phiếu DNM của Danameco tăng mạnh nhờ khẩu trang.

Nhưng khi dịch Corona bùng phát, khẩu trang trở thành mặt hàng vô cùng quan trọng, có người có ví von quan trọng hơn vàng. Vì vậy, "cổ phiếu khẩu trang" lần đầu tiên được nhắc tới. Thế nhưng, rất khó để tìm được những "cổ phiếu khẩu trang" đúng nghĩa vì có rất ít công ty chuyên trách khẩu trang. Với nhiều đơn vị, khẩu trang chỉ là sản phẩm phụ.

Trong những ngày này, Tổng công ty dệt may Việt Nam (Vinatex) nổi lên là một "đại gia khẩu trang". Ngày 3/2, Vinatex thậm chí còn tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác phòng chống dịch Corona (nCoV) tới Lãnh đạo các đơn vị thành viên (ĐVTV) và CBCNV trong Tập đoàn tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP. HCM.

Tại Hội nghị, Vinatex đã công bố một thông tin quan trọng. Đó là Tập đoàn và các công ty con đang nỗ lực sản xuất để cung ứng khẩu trang ra thị trường nhằm giúp người dân phòng chống dịch Corona.

Cụ thể, Dệt kim Đông Xuân là sản xuất vải dệt kim khảng khuẩn, còn May Đồng Nai là sản xuất vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho một số đơn vị ngành May như: May 10, May Hưng Yên, Việt Tiến, Dệt May Huế, Dệt May Hòa Thọ, Hanosimex,… để sản xuất các loại khẩu trang kháng khuẩn.

Vinatex cho biết những ngày đầu, do là mặt hàng mới, nên mỗi công nhân chỉ sản xuất trung bình được khoảng 100 sản phẩm/ngày, tuy nhiên đến nay đã nâng được công suất lên 300 – 400 sản phẩm/người/ngày. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ cung ứng được ra thị trường từ 300.000 – 400.000 sản phẩm/ngày.

Đây sẽ là đóng góp rất lớn của Vinatex. Thế nhưng, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGT của Vinatex chưa nhận được sự "cảm ơn" của giới đầu tư. Trong 4 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý 2020, cổ phiếu VGT chỉ biết đến hoặc giảm hoặc đứng giá.

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 3/2/2020, VGT dừng ở mức 7.900 đồng/CP sau khi giảm 1.000 đồng/CP, tương ứng 11,2% so với ngày 22/1/2020 – phiên cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019. Đà giảm này của VGT khiến vốn hóa thị trường Vinatex hao hụt 500 tỷ đồng.

Theo thông báo của Vinatex, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cũng nằm trong chuỗi sản xuất – cung ứng khẩu trang góp phần giúp người dân phòng chống dịch Corona. Thế nhưng, cổ phiếu HSM của Hanosimex vẫn tiếp nối chuỗi ngày "zombie" bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam biến động rất mạnh.

Đóng cửa phiên 3/2, HSM dừng ở mức 22.000 đồng/CP, không đổi so với phiên trước đó vì không có bất cứ cổ phiếu nào được mua bán thành công. HSM đã có chuỗi ngày không phát sinh giao dịch 24 phiên liên tiếp kể từ ngày 24/12/2019.

Trong khi đó, dù không phải là sản phẩm duy nhất nhưng khẩu trang vẫn là sản phẩm quan trọng của Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco. Chính vì vậy, khi khẩu trang lên cơn sốt, cổ phiếu DNM cũng "sốt nóng" theo.

Những ngày vừa qua, truyền thông hay nhắc tới việc cổ phiếu ngành y dược được "lì xì". Hai mã đại diện là DHG của Dược Hậu Giang và DHT của Dược phẩm Hà Tây đua nhau tăng mạnh. Thế nhưng, xét về tỷ lệ tăng, DHG và DHT thua xa cổ phiếu ít được biết đến là DNM.

Đóng cửa phiên giao dịch 3/2, DNM dừng ở mức 12.100 đồng/CP sau khi tăng trần 3 phiên liên tiếp và 1 phiên tăng mạnh với mức tăng 3.600 đồng/CP, tương ứng 42,4%. DNM lần đầu tiên tìm lại mệnh giá kể từ ngày 18/7/2019.

Có thể thấy, chắc chắn DNM sẽ là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất những ngày đầu năm 2020. DNM có được điều này là do khẩu trang.

Tiểu My
Cùng chuyên mục