Cổ phiếu mía đường cuối năm có tăng mạnh?

Phi Long Thứ ba, ngày 31/10/2017 13:45 PM (GMT+7)
Giá đường đã giảm xuống “đáy” trong khi Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết hàng loạt các nhà máy đường cũng gặp khó khăn về tiêu thụ phải “cầu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ. Cổ phiếu ngành đường có còn cơ hội trong các tháng cuối năm?
Bình luận 0

img

Cơ hội nào cho cổ phiếu mía đường cuối năm? (Ảnh: IT)

Từ đỉnh sóng bất ngờ rơi thảm hại

Nếu nhìn lại thời điểm “huy hoàng” của cổ phiếu ngành đường chỉ cách đây vài tháng, đỉnh cao nhất là vào thời điểm đầu tháng 7, 8 khi “sóng” cổ phiếu ngành đường đã giúp tài khoản của nhiều nhà đầu tư tăng lên đột biến. Tuy nhiên, thời điểm này, hàng loạt các nhà đầu tư vẫn chưa hết bàng hoàng không biết nên bán cắt lỗ hay tiếp tục chờ đợi và hi vọng vào các cổ phiếu của ngành đường trong những tháng cuối năm.

SBT (Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây  Ninh) là cổ phiếu ngành đường được các nhà đầu tư chú ý, nhất là sau khi thương vụ sáp nhập với Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (mã chứng khoán BHS) để tạo nên một công ty đường lớn nhất Việt Nam với thị phần trên 30%. Ngay sau đó, giá cổ phiếu BHS cũng đã tăng gần 100% còn SBT cũng tăng từ mức 24.000 đồng/cổ phiếu thời điểm cuối tháng 2 lên đỉnh cao nhất là ngày 31.7 với mức 41.560 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 31.10, cổ phiếu SBT có lúc đã giảm xuống 20.400 đồng/cổ phiếu tương đương với mức giảm 1 nửa so với thời điểm đỉnh sóng chỉ cách đó có 3 tháng.

Giả sử, nếu như nhà đầu tư chỉ mua vào 1.000 cổ phiếu đúng thời điểm đỉnh sóng của SBT là hơn 41.000 đồng/cổ phiếu, tương đường hơn 41 triệu đồng và để tới hôm nay thì tài khoản đã “bốc hơi” 20 triệu đồng.

Một cổ phiếu ngành đường khác được nhà đầu tư coi là có mức giá hấp dẫn và ổn định là LSS của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn nhưng cũng không ngoại lệ trong cơn “địa chấn” giảm giá của mía đường trong những tháng qua. LSS đạt đỉnh “sóng” vào ngày 26.6 với mức giá 14.950 đồng/cổ phiếu nhưng tại phiên giao dịch ngày 31.10, LSS có lúc đã rơi xuống 10.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua.

Một cổ phiếu mía đường khác được coi là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhất ngành mía đường như SLS của Công ty Cổ phần mía đường Sơn La cũng đã có những tháng ngày làm “thót” tim nhà đầu tư. Ngày 26.5.2017, SLS đạt “đỉnh sóng” với mức giá tròn trĩnh 200.000 đồng/cổ phiếu nhưng chốt phiên giao dịch buổi sáng ngày 31.10, SLS chỉ còn 160.000 đồng/cổ phiếu, “đánh rơi” tới 40.000 đồng/cổ chỉ sau khoảng 4 tháng.

Tuy nhiên, theo nhận định của VSSA, có lẽ hiếm có nơi nào được thiên nhiên ưu ái cho lĩnh vực canh tác mía như Sơn La. “Nếu như trước đây, trồng mía ở Sơn La hay bị chết vì sương muối thì từ khi có thủy điện Sơn La đã khắc chế hết hiện tượng sương muối. Với khí hậu thuận lợi, đêm dài, ngày ngắn tạo ra trữ lượng đường cho vùng mía ở Sơn La luôn đạt 100%. Do đó, SLS vẫn là doanh nghiệp có lợi thế trong lĩnh vực mía đường, đủ sức cạnh tranh với đường ngoại”, lãnh đạo VSSA phân tích.

Một cổ phiếu ngành đường khác là KTS của Công ty cổ phần đường Kon Tum cũng đạt “đỉnh sóng” vào ngày 6.7 với mức giá 55.000 đồng/cổ phiếu nhưng đến nay cũng đã giảm xuống 37.400 đồng/cổ phiếu và trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 31.10 không có một giao dịch nào.

Ngoài ra, cổ phiếu QNS của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (Upcom) cũng vừa cập nhật kết quả kinh doanh quý 3.2017, giá hiện tại 54.900 đồng/cp và tỷ lệ sở hữu nước ngoài 7,65%. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 3.2017 cũng gây thất vọng do giá đường giảm. Mặc dù QNS đạt 2,01 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần (+ 4,1% ), tuy nhiên, lợi nhuận thuần giảm đáng kể, chỉ đạt 194 tỷ đồng (-38,4% ) trong quý 3.2017.  Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, QNS đạt 5.935 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12,8% và 684 tỷ đồng lợi nhuận thuần (-15,2% ).

img

Nếu ngành đường được "giải cứu" như kiến nghị của VSSA, cổ phiếu mía đường sẽ lại có sóng lớn dịp cuối năm (Ảnh: IT)

Cơ hội cho cổ phiếu mía đường?

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường  Việt Nam (VSSA) cho biết, đã 15 ngày nay hàng loạt các doanh nghiệp mía đường trong nước không bán được 1kg nào dù giá đường đã giảm xuống “đáy” chỉ còn 12.000 đồng/1kg.

VSSA cho rằng, nếu thực hiện ngay cam kết Hiệp định ATIGA với khối ASEAN thì chắc chắn ngành mía đường trong nước sẽ bị Thái Lan  “thôn tính”  và sau đó cả khu vực ASEAN chỉ còn Thái Lan thống lĩnh mặt hàng đường, vốn là mặt hàng được coi là nhậy cảm, thậm chí có nước sếp vào rất nhậy cảm. Hiện tại, sản lượng đường của Thái Lan là 11 triệu tấn/năm, chỉ mới đường lậu của Thái cũng đã làm cho doanh nghiệp mía đường trong nước điêu đứng.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành đường, VSSA đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5%  của năm 2017. Đồng thời, VSSA cũng kiến nghị, thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan cũng giảm 50% so với trước đây chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng.

Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS): Giá đường tinh luyện (RS) đã giảm 16% từ mức trung bình 15.500 đồng/kg trong  6 tháng đầu năm 2017 xuống còn 13.000 đồng/kg trong quý 3.2017 và hiện tại chỉ ở mức 12.000-12.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường tinh luyện trung bình năm ngoái là 15.300 đồng/kg. Giá đường thế giới giảm và cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá đường trong nước.

Theo FPTS, giả định giá đường giảm năm 2018, Việt Nam sẽ không còn bảo trợ cho ngành đường nội địa. Thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ được giảm từ 5% xuống còn 0% và hạn ngạch nhập khẩu sẽ bị xóa bỏ (thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch hiện nay là 80%). Với những điều kiện thuận lợi này, kịch bản có khả năng cao là đường nhập khẩu (đặc biệt là từ Thái Lan) sẽ được phủ sóng trên thị trường do giá thấp hơn. Do đó, FPT đã giảm giả định giá đường RS cho những năm tới, từ 13.600 đồng/kg xuống 10.900 đồng/ kg. 

Như vậy, nếu như đề xuất của VSSA lên Thủ tướng Chính phủ được “giải cứu” thì cổ phiếu ngành mía đường trong các tháng cuối năm được dự báo có thể tiếp tục trở lại “sóng” và ngược lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem