Cơ quan thuế “tê liệt” trước Uber trong suốt 3 năm

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 16/07/2016 19:30 PM (GMT+7)
Bình luận về việc Tổng cục thuế vừa quyết định thu hồi văn bản hướng dẫn nộp thuế của Uber, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan thuế đã phản ứng quá chậm chạm, để Uber hoạt động tới 3 năm mà không thu được thuế thì đúng là đã bị “tê liệt” trước loại hình kinh doanh mới.
Bình luận 0

Uber chỉ là một trong nhiều loại hình mới sẽ vào

Nói về loại hình kinh doanh của Uber, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đây là loại hình dịch vụ mới, có hình thái đặc biệt, một hình thái dịch vụ không cần có người đại diện mà nó chỉ mang tính chất “mang danh”. Do đó, việc tiến hành thu thuế là phải thực hiện nhưng phải có cách thức khác so với cách hình thức từ trước tới nay chúng ta đã có.

Ông Thịnh cũng cho rằng, xu thế chung của hội nhập là tất cả các loại hình kinh tế mới trên thế giới sẽ tới Việt Nam, do đó các cơ quan chức năng phải nghiên cứu các hoạt động, phương thức trả tiền, phương thức ăn chia…của các loại hình này để có cách tính thuế cho hợp lý.

Trường hợp Uber cũng vậy, ngành thuế và Bộ Tài chính cần có nghiên cứu để có phương thức quản lý được các loại hình mới này, bởi sau này còn rất nhiều loại hình kinh doanh khác nữa vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy, các loại hình dịch vụ ở trên thế giới có rất nhiều nhưng hiện nay Việt Nam chưa có. Ngay cả lĩnh vực tài chính ngân hàng, trên thế giới họ có khoảng 4.000 – 5.000 các loại dịch vụ còn hệ thống ngân hàng ở Việt Nam mới sử dụng không quá 300 dịch vụ. Do đó, cơ quan quản lý, cơ quan thuế phải nghiên cứu, tìm tòi cách thức hoạt động để có phương pháp quản lý tốt nhất và không trái với các quy luật của quốc tế.

img

3 năm hoạt động nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể thu được thuế của Uber

Theo ông Thịnh, các nước phát triển họ thực hiện kiểm soát thuế cho các hoạt động dịch vụ này rất dễ bởi tất cả người dân đều thanh toán bằng thẻ tín dụng và có tài khoản. Mỗi người dân đều có mã số thuế nên trong mỗi một hoạt động gia tăng tài khoản của mỗi cá nhân đều được kiểm soát để ngành thuế có thể thu thuế.

Còn như ở Việt Nam, 90% vẫn là sử dụng tiền mặt và dịch vụ của Uber với các hãng taxi cũng đều thực hiện bằng tiền mặt là chính. Do việc quản lý dịch vụ Uber với các lái xe của các hãng taxi chủ yếu bằng tiền mặt nên kiểm soát khó khăn hơn. Thậm chí, ở đây còn có sự lưu chuyển tiền qua biên giới nên cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ để thu thuế được của Uber.

Theo ông Thịnh, vấn đề quan trọng nhất đối với các cơ quan chức năng là phải nghiên cứu thật kỹ cách thức quản lý và các phương thức kinh doanh để biết được có bao nhiêu xe taxi hợp tác với Uber. Ngoài ra, cách thức tiến hành trả tiền của Uber với taxi cũng phải được theo dõi sát và chặt chẽ mới thu được thuế. Còn cơ quan quản lý vẫn không biết có bao nhiêu người trả tiền cho Uber thì làm sao chúng ta thu được tiền thuế. Do đó, cách thức tiến hành trả tiền giữa Uber với taxi là rất quan trọng, cần có những cách thức mới để quản lý các chủ thể kinh doanh tốt hơn, từ đó mới có thể thu thuế được chính xác và đầy đủ tiền thuế.

Chỉ mình ngành thuế sẽ không thu được thuế Uber

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc để 3 năm mà chưa thu được đồng thuế nào của Uber thì đúng là đã có sự chậm trễ của các cơ quan chức năng của Việt Nam. Tuy nhiên, phải nhìn vào thực tế, ngành thuế của Việt Nam cũng còn non kém trong khi Uber lại thuộc dạng “lão làng”.

Ngoài ra, việc thu thuế của Uber cũng chưa có sự hợp tác của ngành công nghệ thông tin và ngân hàng. Do đó, cần có sự chỉ đạo của Chính phủ để liên kết giữa ngân hàng, thuế, công nghệ thông tin phối hợp với nhau. Nếu chỉ để  một mình ngành Thuế muốn thu thuế theo kiểu “ăn cả”, không có sự “ăn chia” với các lĩnh vực ngân hàng, công nghệ thông tin thì sẽ không thể thu được thuế của Uber.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Phong, tốt nhất các cơ quan chức năng của Việt Nam cần  sang các nước khác có hình thức kinh doanh của Uber hoạt động (như Mỹ) để tìm hiểu thật kỹ mô hình quản lý của họ.

“Để thu được thuế của Uber cần áp dụng 2 hình thức: Một là hình thức sử dụng tiền điện tử, buộc Uber khi hoạt động ở Việt Nam phải thanh toán qua ngân hàng; thứ 2 là kết nối mã trực tiếp để kiểm tra, khi họ gọi cho nhau thì minh nghe được, tạo ra con số để làm bằng chứng cho thanh toán. Ngoài ra, để cho “chắc ăn” cần bắt Uber nộp một khoản tiền “đặt cọc” nhất định, nếu trốn thuế thì các cơ quan chức năng sẽ “cấu” luôn khoản đó”, ông Phong đề xuất..

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem