Thu thuế của Uber: Phải nắm kẻ có tóc

Thứ sáu, ngày 24/06/2016 05:00 AM (GMT+7)
Nguyên tắc về quản lý thuế là phải “túm” được “ người có tóc”, do đó Uber phải là người kê khai và nộp thuế chứ không thể là tài xế Uber và khi có phát sinh thu nhập ở Việt Nam thì phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Việt Nam.
Bình luận 0

Tổng cục Thuế vừa giao cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của Uber Hà Lan có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho nhà thầu Uber, điều này liệu có khả thi?

Trong khi đó, lợi nhuận vẫn được chuyển về nước cho Uber Hà Lan mỗi ngày lên đến hàng tỷ đồng nhưng đến nay cơ quan thuế Việt Nam vẫn chưa nhận tiền thuế từ Uber Hà Lan.

Uber phải là người nộp thuế chứ không phải tài xế

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban cải cách (Tổng Cục thuế) cho biết, ngành Thuế sẽ rà soát và kiểm tra lại về nghĩa vụ nộp thuế những cá nhân đối tác của Uber.

Nhưng theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, thì việc truy thu thuế cá nhân với người tham gia Uber là “không tưởng”.

Vì thực tế lợi nhuận từ hoạt động của Uber lại được chuyển 100% về Uber Hà Lan, sau đó mới trích trả lại cho cá nhân tại Việt Nam, chứ không phải như ký kết trong hợp đồng là phía đối tác Việt Nam giữ 80% và gửi 20% về phía Hà Lan.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM, cho rằng việc giao cho các đối tác của Uber có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho nhà thầu Uber theo tỉ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu với nhà thầu là không thể tiến hành.

Ông Sơn lý giải, nguyên tắc của thuế là khấu trừ tại nguồn, đơn vị nào chi trả thu nhập phải có trách nhiệm thu hộ cho cơ quan thuế. Trường hợp của Uber, toàn bộ doanh thu của dịch vụ vận tải đều được chuyển về Uber Hà Lan, do đó Uber Hà Lan là đơn vị thu tiền, ngoài việc phải kê khai nộp thuế, nhà thầu này còn có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của tài xế trước khi chi trả thu nhập cho họ, chứ không phải thu từ cá nhân đó.

“Nếu cứ thu thuế cá nhân theo hướng dẫn của Tổng cục thuế, người nộp thuế sẽ đặt câu hỏi vì sao người lao động thì bị thu từng đồng còn Uber Hà Lan hoạt động mấy năm trời không thu được đồng thuế nào?” ông Sơn nhấn mạnh.

img

Xét theo như hướng dẫn của công văn 2529 của Tổng cục Thuế, khả năng bị thất thu thuế rất lớn vì hầu hết xe tham gia vào mạng lưới Uber là xe của cá nhân nhàn rỗi đưa vào kinh doanh. Nghĩa vụ thuế của họ còn chưa hoàn thành thì việc yêu cầu họ khấu trừ thuế nhà thầu cho Uber sẽ là không thể.

Có cùng quan điểm như trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, không thể mập mờ trong việc xác định ngành nghề kinh doanh của Uber nữa, Uber là vận tải bởi thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh vận tải, việc áp dụng công nghệ chỉ là phương thức hoạt động thôi.

Đặc biệt, theo ông Tuấn, cơ quan thuế không thể đi tìm từng tài xế Uber để thu thuế bởi có hàng nghìn người ở khắp đất nước, là người làm công nhật, có hợp đồng không thời hạn với Uber.

Nguyên tắc về quản lý thuế là phải “túm” được “những người có tóc”, do đó Uber phải là người kê khai và nộp thuế chứ không thể là tài xế Uber và khi có phát sinh thu nhập ở Việt Nam thì phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Việt Nam.

“Xiết” bằng cách nào?

Trong khi vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh việc thu thuế cá nhân của những người tham gia mạng lưới Uber, thì chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh cũng “hiến kế” cho ngành thuế.

Theo ông Minh, nếu muốn thu thuế được của Uber cần kết hợp nhiều biện pháp bao gồm cả phần gốc và phần ngọn.

img

Phần ngọn là cơ quan thuế có thể gửi văn bản đề nghị phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo các ngân hàng tra soát tất cả các thanh toán thẻ cho Uber, bởi có rất nhiều khách hàng Uber thanh toán qua thẻ. Điều này hoàn toàn có thể có công cụ để làm được. Bên cạnh đó, việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cơ quan quản lý cũng có thể kiểm tra, kiểm soát được.

Tuy nhiên giải pháp căn cơ hơn là vận động, tuyên truyền và cho lái xe khai báo ban đầu. Với những xe đã khai báo cơ quan quản lý sẽ cài đặt phần mềm theo dõi doanh thu của xe đó. Những xe đã khai báo sẽ có nhận diện để nhà nước kiểm soát. Dựa trên tổng doanh thu cơ quan thuế sẽ tính thuế với Uber.

Trường hợp đã cho đăng ký nhưng chủ xe cố tình không đăng ký thì sẽ phạt thật nặng, không để tình trạng khi cơ quan chức năng đi kiểm tra phát hiện sai phạm, phạt xong rồi đâu lại vào đấy, chưa kể Uber cũng “lách” bằng nhiều cách.

Trong khi đó, dư luận vẫn đang còn nhiều thắc mắc làm thế nào để xác định rõ Uber là loại hình vận tải hành khách xe hợp đồng hay taxi hay chỉ là một đơn vị quản lý kinh doanh về công nghệ thông tin. Nếu không làm rõ được vấn đề này, các quy định vẫn “mập mờ” sẽ tạo ra kẽ hở cho những loại hình kinh doanh mới tìm cách “lách luật” khi xuất hiện và phát triển ở Việt Nam.

Thy Hằng (Diễn đàn doanh nghiệp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem