Có thể tăng vốn 500 tỷ đồng khi dịch chuyển ga ngầm C9 ở Hồ Gươm

Bình Nguyên Thứ bảy, ngày 26/03/2022 12:49 PM (GMT+7)
Thay đổi vị trí ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm sẽ kéo theo các phương án thi công, kỹ thuật phức tạp khiến dự án tăng vốn thêm 500 tỷ đồng.
Bình luận 0

UBND TP Hà Nội vừa thông báo về phương án xây dựng ga ngầm C9 dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. 

Theo đó, thành phố thống nhất lựa chọn phương án 1, xây dựng ga ngầm 4 tầng, không nằm trong vùng bảo vệ II di tích đặc biệt Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn, cách xa Tháp Bút.

Có thể tăng vốn 500 tỷ đồng khi dịch chuyển ga ngầm C9 ở Hồ Gươm - Ảnh 1.

Phương án xây dựng ga ngầm C9 Hồ Gươm dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã nhiều lần được bàn thảo. Trong ảnh là vị trí đặt ga ngầm C9 ở gần Hồ Gươm theo phương án 1. Ảnh: MRB

Ngày 26/3, trả lời PV Dân Việt, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho hay, đây chưa phải là phương án tối ưu nhất nhưng phù hợp pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo ông Hiếu, so với phương án 2, thì nhà ga ngầm được xây dựng theo phương án 1 nằm trên đường cong và xếp chồng với 4 tầng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật thi công đặc biệt, xử lý nền đất phức tạp phát sinh chi phí xây dựng, khó khăn và rủi ro khi thi công.

"Chúng tôi sẽ thuê tư vấn để tiếp tục tính toán, hiện dự kiến mức chi phí tăng thêm ở phương án 1 khoảng 500 tỷ đồng", ông Hiếu nói.

Đại diện MRB khẳng định việc đặt ga ngầm C9 ở gần Hồ Gươm phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ba phương án đặt ga ngầm được Hà Nội đưa ra là Phương án 1: kéo ga ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và HĐND-UBND TP Hà Nội. Phương án 2 (phương án ban đầu) là đặt trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội, dưới vườn hoa bờ Hồ Gươm. Phương án 3 là bỏ ga ngầm C9 hoặc lùi thời điểm xây dựng sau khi tuyến số 2 vận hành.

Hơn 10 năm sau khi được phê duyệt, vị trí ga C9 vẫn chưa được thống nhất.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2008, ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn năm 2013. Điểm đầu tuyến tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Theo phương án đã được phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km. Tổng đầu tư của dự án sau điều chỉnh hơn 34.670 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem