Có vốn ưu đãi tiếp sức, một thanh niên ở Đà Nẵng “lên đời” nhờ sản xuất đặc sản luôn bán cháy hàng
Dám nghĩ, dám làm nhờ có vốn ưu đãi tiếp sức
Bà Nguyễn Thị Ánh Sương – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận Cẩm Lệ cho biết: Thời gian qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của NHCSXH để mở rộng mô hình kinh tế, tự tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập.

Tiêu biểu như mô hình làm chả ống tre của anh Trương Thanh Hiên ở phường Hòa An với; mô hình sản xuất lồng chim của bà Nguyễn Thị Nguyệt ở phường Hòa An; mô hình vận tải của anh Nguyễn Lâm Xuân Hoài ở phường Hòa Thọ Tây....
Chúng tôi cùng cán bộ NHCSXH quận Cẩm Lệ đến thăm mô hình làm chả ống tre của anh Trương Thanh Hiên, được anh Hiên cho biết: Với mong muốn đổi đời và giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân, anh Hiên đã từ bỏ công việc kế toán để về khởi nghiệp bằng nghề làm chả ống tre. Đến nay, sản phẩm chả ông tre đặc sản đã mang về cho anh doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo nhiều công ăn việc làm cho gần 20 lao động.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp gian truân, anh Hiên bộc bạch: "Trước đây tôi làm kế toán đến năm 2020, tôi được NHCSXH quận Cẩm Lệ cho vay 100 triệu đồng cộng với số tích góp được vợ chồng tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề làm chả ông tre đặc sản.
Nhận thấy các địa phương lân cận có nguồn nguyên liệu tôm dồi dào, nhưng chưa được phát huy tối đa giá trị kinh tế. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng làm chả từ con tôm và duy trì hoạt động chế biến các loại chả cho đến nay".

Là tay ngang rẽ hướng sang ngành ẩm thực, anh Hiên gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu khởi nghiệp. Để tìm ra một công thức làm chả tôm giữ vị ngon truyền thống, anh đã đổ bỏ rất nhiều mẻ chả với chi phí hàng chục triệu đồng.
Theo anh Hiên, làm chả ngon không khó, nhưng làm chả vừa thơm ngon, giòn dai, vừa đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn thực phẩm, giá thành phải chăng thì không dễ dàng. Trong quá trình sản xuất, cơ sở luôn chú trọng chọn các nguyên liệu tươi mới, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo thành phẩm đạt chất lượng cao.

Hiện nay, anh nhập nguyên liệu tôm tươi từ các vùng nuôi tôm của huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), huyện Phú Lộc (thành phố Huế), thịt heo, thịt bò từ lò mổ Đà Sơn (thành phố Đà Nẵng) để phục vụ sản xuất.
"Sau khi nghiên cứu thành công công thức làm chả, tôi nhận thấy sản phẩm của mình chưa có sự khác biệt so với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường. Vì thế tôi thử cho hỗn hợp chả sống vào trong ống tre để hấp chín thay vì gói bằng lá chuối. Thật bất ngờ cách làm này không chỉ giúp giữ được độ ngọt và chất dinh dưỡng của thịt, mà còn tạo ra sản phẩm chả có mẫu mã mới lạ, tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Từ đó, những sản phẩm mang thương hiệu chả ống tre Cocimo ra đời", anh Hiên chia sẻ.

"Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay tôi nhận được sự quan tâm rất lớn từ chính quyền địa phương, các hội đoàn thể. Đặc biệt là nguồn vốn của NHCSXH, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này mà gia đình tôi đã xây dựng được mô hình làm chả tre đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều...", anh Hiên vui mừng nói.
Doanh thu hơn 300 triệu đồng/tháng
Sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất, anh Hiên tích cực học hỏi kinh nghiệm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok.... Với phương châm luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, tuyệt đối không sử dụng hàn the hay bất cứ phụ gia độc hại nào gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, các sản phẩm chả ống tre Cocimo ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng.
Cùng với đó, anh Hiên đầu tư thêm nhiều máy móc để xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện cơ sở sản xuất của anh đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn HACCP.

Anh Hiên cho biết: "Trong quá trình sản xuất chả, công đoạn sơ chế ống tre là quan trọng nhất. Ống tre được tôi nhập về từ Kon Tum, sau đó kiểm tra loại bỏ ống bị sâu mọt, mốc, rồi rửa sạch và luộc để loại bỏ vi khuẩn. Tiếp đó cho hỗn hợp chả sống vào ống tre, định lượng, bọc một đầu ống bằng giấy bạc và dây dừa. Chả chứa trong ống tre khi hấp lên sẽ giữ được hương vị tự nhiên và thơm mùi tre nứa rất đặc trưng".
Hiện nay, anh Hiên sản xuất đa dạng các loại chả ống tre như: chả tôm, chả mực, chả bò, chả heo, chả bê Cầu Mống, xúc xích, tôm chua.... Trung bình mỗi tháng sản xuất hơn 6 tấn sản phẩm, cung cấp cho nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Lâm Đồng.... Nhờ đó, công ty của anh đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng mỗi tháng, tạo việc làm cho 11 lao động thường xuyên với mức lương từ 6,5-7 triệu đồng/người/tháng.


Năm 2024, sản phẩm chả heo ống tre Cocimo được UBND quận Cẩm Lệ công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Điều này đã tạo ra cơ hội lớn để sản phẩm chả Cocimo mở rộng thị thường, tham gia các chương trình, hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Anh Hiên tâm sự: "Khởi nghiệp với sản phẩm mới lạ từ con tôm và cây tre nên tôi gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Dù đã khởi nghiệp thành công, nhưng tôi không dừng lại ở đó mà luôn tích cực học hỏi, sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Cocimo. Đồng thời qua đó quảng bá những nét đẹp đặc trưng trong văn hóa và ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế".
“Từ khi thành lập đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH quận Cẩm Lệ luôn bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tiếp vốn cho người dân phát triển kinh tế.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình cho vay của Trung ương và địa phương như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách... vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân”. Bà Nguyễn Thị Ánh Sương – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Cẩm Lệ cho hay.
Đến 31/3/2025, tổng nguồn vốn của Phòng giao dịch NHCSXH quận Cẩm Lệ đạt 680,5 tỷ đồng, tăng 29,5 tỷ đồng so với năm 2024, tốc độ tăng 4,53%. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 371 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương là 309,5 tỷ đồng; nguồn vốn huy động là 56,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ là 679,5 tỷ đồng, tăng 28,8 tỷ đồng so với đầu năm 2024, tốc độ tăng 4,42%.