“Cởi trói” cho nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 27/04/2023 14:15 PM (GMT+7)
"Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NNPTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Bộ NNPTNT xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình luận 0

"Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NNPTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Bộ NNPTNT xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đóng góp 35% giá trị gia tăng của ngành

Tại hội nghị triển khai "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NNPTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, Bộ NNPTNT đã triển khai thành công 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: Chương trình Công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình sản phẩm quốc gia.

Bộ cũng đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ; đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hội nhập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước...

"Những đóng góp của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển của các ngành, lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới. Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi..."-Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

“Cởi trói” cho nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh 1.

Sản phẩm trưng bày của Viện Chăn nuôi. Ảnh: K.N

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, Bộ hiện có 37 giáo sư; 2.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và 3.000 thạc sĩ; khoảng 15.000 người tham gia làm công tác nghiên cứu khoa học với 14.700ha đất. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu tháo gỡ, "cởi trói" được vướng mắc về chính sách tăng cường hợp tác công tư, gắn khoa học công nghệ với sự phát triển của doanh nghiệp và việc phát huy được cơ sở vật chất, trang thiết bị và diện tích đất đai… đó sẽ là động lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

"Cởi trói" cho nghiên cứu khoa học

Xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NNPTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%; tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030. 

Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. 

Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.

Ngành sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển từ 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; động lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu chính là khoa học công nghệ.

Để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NNPTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ NNPTNT xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu chính sach thu hút doanh nghiệp FDI trong nghiên cứu khoa học công nghệ, bổ sung chức năng cho các cơ sở nghiên cứu khoa học công lập thuộc bộ, từ đó mở rộng không gian nghiên cứu cho các nhà khoa học. 

Đầu tư nâng cao tiềm lực của các cơ sở nghiên cứu, cả về cơ sở vật chất và nhân lực; nâng cao công tác khuyến nông, phát triển khuyến nông số, hoàn thiện ý tưởng sáng tạo của các nông dân; hình thành các nhóm nghiên cứu chất lượng... 

Đặc biệt, Bộ NNPTNT sẽ chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đưa sản phẩm nghiên cứu đến với đối tượng cần sử dụng là người nông dân. Thí điểm nghiên cứu thành lập trung tâm dịch vụ kỹ thuật để lan tỏa các sản phẩm khoa học công nghệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem