Cơn địa chấn mang tên 'Tổng thống Trump': Thị trường chứng khoán Việt Nam ngập sắc đỏ, một số hệ thống giao dịch bị nghẽn

L. Anh
03/04/2025 10:06 GMT +7
Thị trường chứng khoán toàn cầu "rực lửa" sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế quan đối ứng. Trong đó, tại Việt Nam, VN-Index có thời điểm tiêu cực mất gần 70 điểm.

Cập nhật lúc 9h15' ngày 3/4, sắc đỏ bao phủ bảng điện tử với 582 mã và 55 mã nằm sàn. Các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đồng loạt lao dốc. VN-Index giảm 43,7 điểm về 1.274,42 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số giảm 8,75 điểm về 229,38 điểm.

Trong ATO, VN-Index đang tạm giảm hơn 5,2%, tương ứng hơn mất 68,95 điểm. Hơn 140 mã giảm sàn đầu phiên. Với nhiều mã giảm sâu từ 4 - 5%. Đây cũng là cú rơi lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Về mức độ ảnh hưởng BID, CTG, VHM, VCB, VIC, TCV, FPT, HPG, MBB, VPB là nhóm chỉ số tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi lấy đi gần 32 điểm của chỉ số chung.

Ảnh: Vietstock.

Không chỉ riêng Việt Nam, thị trường chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan có đi có lại áp lên hơn 180 đối tác thương mại. Các thị trường châu Á vừa mở cửa phiên ngày 3/4 đã giảm chóng mặt.

Chỉ số Dow Jones tương lai sụt 1.069 điểm, tương đương giảm 2,5%. S&P 500 tương lai mất 3,6% và Nasdaq tương lai sụt 4,5%.

Mỹ áp thuế 46% hàng hóa từ Việt Nam: Công ty nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Đặc biệt, cổ phiếu của các công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách thuế quan như Nike, Adidas a quốc gia giảm la liệt, như Nike và Apple giảm khoảng 7%.

Tuy nhiên, mức giảm lớn nhất rơi vào các công ty kinh doanh hàng hóa nhập khẩu ở Mỹ như Five Below giảm 14%, Dollar Tree giảm 11%, Gap giảm 8,5%... Tương tự, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng bị bán mạnh như Nvidia giảm 5% và Tesla giảm 7%.

Tại thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán của Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đua nhau lao dốc. Cụ thể, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 4%, Kospi của Hàn Quốc mất hơn 2%, trong khi ASX 200 của Australia sụt gần 2%...

Dẫn tin từ CNBC, điều khiến nhà đầu tư hoảng sợ là thuế suất được đưa ra đối với nhiều nền kinh tế là cao hơn nhiều so với dự báo trước đó. Chẳng hạn, thuế suất thuế đối ứng với Trung Quốc là 34%, đồng nghĩa hàng Trung Quốc bị áp thuế quan 54% nếu tính cả thuế quan bổ sung 20% mà ông Trump đã áp trước đó và chưa tính đến thuế quan từ nhiệm kỳ trước của ông.

Ông Trump tuyên bố áp thuế đối đẳng với các nước. Ảnh: CNBC.

Trước đó, các nhà giao dịch đã kỳ vọng thuế suất của thuế đối ứng chỉ dao động trong khoảng 10-20%. Theo ông Art Hogan, chiến lược gia của công ty tài chính Riley Wealth Management, mức thuế quan mới tệ hơn những gì mà nhà đầu tư đã lo sợ, và chưa được phản ánh hết vào thị trường.

Một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế quan qua lại gồm: các mặt hàng chịu thuế tại sắc lệnh khác (50 USC 1702(b); các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo quy định khác; các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế trong tương lai; vàng thỏi; năng lượng và một số khoáng sản khác không có sẵn tại Mỹ.

Tổng thống Trump tuyên bố, Mỹ sẽ áp thuế 25% với ô tô nhập khẩu và thuế đối ứng với mọi quốc gia. "Đó là lý do tại sao, chúng ta sẽ áp thuế 25% đối với tất cả ô tô sản xuất ở nước ngoài từ nửa đêm nay", ông cho hay.

Ngoài ra, Tổng thống Trump công bố mức thuế ít nhất 10% đối với hầu hết mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, cộng thêm mức thuế thậm chí còn cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thâm hụt thương mại cao nhất với Mỹ.


Do ảnh hưởng từ thông tin Mỹ áp thuế 46% lên một số mặt hàng của Việt Nam, phiên sáng nay ghi nhận lượng lớn lệnh đặt ngay đầu phiên, gây ảnh hưởng đến hệ thống giao dịch ở một số công ty chứng khoán. Hiện bộ phận IT của các công ty chứng khoán đã khắc phục được sự cố.