Công nghệ mã QR lấn sân kinh ngạc ở đất nước tỷ dân Ấn Độ

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 10/11/2021 08:48 AM (GMT+7)
Nếu nhìn cách đây khoảng một thập kỷ trước ở Ấn Độ, không ai có thể tưởng tượng được công nghệ mã QR lại đang lấn sân và gây sôi động ngay tại quốc gia tỷ dân này.
Bình luận 0

Hiện tại, khi đến nhiều quán ăn, nhà hàng cao cấp đang hoạt động tại Ấn Độ, bạn sẽ không phải đợi người phục vụ gọi món cho mình. Bạn chỉ cần hướng máy ảnh điện thoại thông minh của mình và quét mã Phản hồi nhanh, hoặc QR được dán trên bàn. Một menu sẽ mở ra trên điện thoại của bạn. Khi bạn đã đặt hàng, thông báo sẽ được gửi đến các đầu bếp trong nhà bếp và nhân viên bán hàng trong quầy thanh toán.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các nhà hàng Ấn Độ đã sử dụng máy tính bảng để nhận đơn đặt hàng. Bây giờ, thông lệ đó đã bị bỏ dần.

"Chúng tôi đã phải làm cho toàn bộ quá trình đặt hàng thực phẩm, món ăn trở nên không đụng hàng, vì vậy chúng tôi đã chuyển sang mã QR. Sẽ an toàn hơn nhiều khi bạn đang sử dụng điện thoại của chính mình để gọi đồ ăn", Anjan Chatterjee, giám đốc điều hành của Nhà hàng Đặc sản cao cấp Ấn Độ khẳng định.

"Việc áp dụng mã QR đã làm trơn tru các hoạt động; đặt món ăn và thanh toán hiện nay rất dễ dàng. Chúng tôi đang làm cho việc ăn uống không có rủi ro quá nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch; mã QR đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của thương hiệu chúng tôi", Anjan Chatterjee chia sẻ thêm.

Thậm chí, các công ty dịch vụ thanh toán và fintech như công ty FMCG, hay một số nhà bán lẻ, nhà điều hành du lịch & doanh nghiệp khách sạn, công ty thực phẩm, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Ấn Độ cũng đã sử dụng mã QR trong vận hành, giao dịch và cũng đạt được thành công với nhiều quy mô, mức độ khác nhau.

Mã QR đang trở nên phổ biến trong các ứng dụng và thiết bị thanh toán hiện đại ở Ấn Độ. Ảnh: @AFP.

Mã QR đang trở nên phổ biến trong các ứng dụng và thiết bị thanh toán hiện đại ở Ấn Độ. Ảnh: @AFP.

Mặc dù giá trị tiện ích của công nghệ mã QR chỉ mới mở rộng trong hai năm qua, nhưng mã QR đã có hơn 25 năm kể từ khi Masahiro Hara, một kỹ sư tại Denso Wave Corp của Nhật Bản phát minh ra nó vào năm 1994. "Tôi nghĩ mã QR sẽ chỉ được sử dụng cho một số mục đích kinh doanh, ngành nghề chuyên biệt. Tôi không nghĩ là nó trở nên phổ biến đến mức công chúng sử dụng nó trên đường phố, hay trong các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ như hiện nay tại Ấn Độ", một cựu chuyên gia thị trường Ấn Độ Hara, hiện 64 tuổi nói với trang ET. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mã QR sẽ được sử dụng để thanh toán hoặc bán vé điện tử như hiện nay", ông cũng nói thêm.


Mã QR là một phiên bản hai chiều của mã vạch thông thường có thể truyền tải nhiều loại thông tin gần như ngay lập tức với việc quét thiết bị di động. Trong khi mã vạch, hầu hết được nhìn thấy trên hộp sản phẩm chứa thông tin theo chiều ngang, mã QR lưu giữ thông tin theo cả chiều ngang và chiều dọc. 

Do đó, mã QR có thể chứa nhiều thông tin gấp hàng trăm lần mã vạch. Mã QR có thể lưu trữ tới 7.089 chữ số hoặc 4.296 ký tự bao gồm cả dấu chấm câu và ký tự đặc biệt. Mã QR có thể có liên kết đến các trang web (URL), PDF, văn bản và hình ảnh. Có một số trang web và ứng dụng di động cho phép bạn tạo mã QR miễn phí. Ngoài ra còn có một vài công ty giúp bạn tùy chỉnh các mã theo nhu cầu xây dựng thương hiệu. Nhưng mã QR chỉ có thể được quét bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.

Mã QR sử dụng rộng rãi

Hầu hết các công ty sử dụng mã QR để phổ biến thông tin liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ. Các nhà sản xuất sử dụng chúng để đảm bảo với khách hàng về chất lượng hoặc xuất xứ của sản phẩm. Hãy lấy Welspun- thương hiệu bán đồ dệt gia dụng thường xuyên có mặt tại một số cửa hàng bách hóa lớn nhất Ấn Độ làm ví dụ. Khăn trải giường hoặc khăn bông Welspun được làm bằng sợi cao cấp như bông Ai Cập, bông Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bông Supima đều mang mã QR để xác định tính xác thực nguồn gốc của sản phẩm cao cấp.

"Khách hàng nên chắc chắn về những gì họ đang mua. Họ nên biết tính xác thực của một sản phẩm cao cấp mà họ đang trả giá cao hơn. Với tư cách là một nhà sản xuất, chúng tôi tin rằng toàn bộ chuỗi cung ứng của một sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc", Keyur Parekh, chủ tịch & người đứng đầu toàn cầu thương hiệu Welspun cho biết. "Mã QR giúp chúng tôi giải thích sản phẩm tốt hơn và nó cũng mang dấu xác thực. Chúng tôi có thể thiết lập xuất xứ của các sản phẩm của chúng tôi. Mã hóa QR cũng mang lại hiệu quả và giúp chúng tôi đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) của chúng tôi".

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hoặc chuỗi giá trị cũng đang trở thành một yếu tố quan trọng trong bán lẻ thực phẩm. Các thương hiệu bán lẻ thực phẩm lớn như Nature's Basket giữ trái cây và rau có mã QR trên kệ của họ; khách hàng chỉ cần quét mã để biết các thông tin chi tiết, chẳng hạn như trang trại từ nơi cung cấp trái cây chẳng hạn.

"Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng muốn biết mọi thứ về các sản phẩm thực phẩm mà họ mua. Devendra Chawla, giám đốc điều hành của Spencer's Retail- công ty điều hành một loạt các cửa hàng tiện lợi và đại siêu thị trên khắp đất nước Ấn Độ cho biết. Ông khẳng đinh mã QR cung cấp cho họ thông tin về toàn bộ chuỗi giá trị. "Mã QR có thể đi một chặng đường dài trong việc xây dựng lòng tin giữa thương hiệu và khách hàng. Từ quan điểm hoạt động, mã QR đã giúp chúng tôi mở rộng quy mô các kênh ngoài cửa hàng của mình. Trong những ngày này, rất nhiều người quét và thanh toán tại các cửa hàng của chúng tôi".

Hầu hết tất cả các quảng cáo sản phẩm và các sáng kiến tiếp thị và xây dựng thương hiệu đều mang mã QR để giao tiếp hiệu quả hơn với khách hàng quen của họ. Theo Agnello Dias, cựu chủ tịch sáng tạo của Dentsu Ấn Độ, mã QR tạo ra một loại "hành vi kiểm chứng mua hàng" mói đầy tin cậy cho khách hàng vì nó rất dễ dàng để thực hiện.

"Nó cũng giải phóng bớt gánh nặng cho các hình thức quảng cáo truyền thống khi phải truyền đạt lượng lớn thông tin. Vì vậy, công nghệ mã QR là một cầu nối thuận tiện giữa hai chiến lược tiếp thị 'đẩy' và 'kéo', "Dias nói.

Khi nói đến Ấn Độ, hình thức thanh toán hay xác minh nguồn gốc sản phẩm dựa trên QR đang tăng nhanh chóng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: @AFP.

Khi nói đến Ấn Độ, hình thức thanh toán hay xác minh nguồn gốc sản phẩm dựa trên QR đang tăng nhanh chóng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: @AFP.

Lĩnh vực khách sạn & du lịch vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hạn chế liên quan đến đại dịch tại Ấn Độ nay cũng đã bắt đầu sử dụng mã QR để làm cho doanh nghiệp của họ hạn chế tiếp xúc và hoạt động hiệu quả hơn. Các đại lý du lịch và các nhà điều hành tour du lịch sử dụng mã QR để nắm bắt các yêu cầu của khách hàng và các thông tin liên quan đến kinh doanh khác. Các sân bay sử dụng mã QR một cách rộng rãi để giảm bớt các điểm tiếp xúc tập trung.

"Mã QR là một công cụ rất hữu ích trong ngành du lịch", Ông Abraham Alapatt, chủ tịch và người đứng đầu quốc gia Bộ phận tiếp thị, chất lượng dịch vụ và đổi mới Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.


Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng đang sử dụng mã QR để lọc khách truy cập trên cơ sở yêu cầu dịch vụ của họ. Ngoài việc giảm các điểm tiếp xúc tại các cơ sở y tế, mã QR được sử dụng để hỗ trợ các chức năng như đặt lịch hẹn bác sĩ, đăng ký bệnh nhân, đặt thuốc và thanh toán.

Arvind Sivaramakrishnan, Giám đốc thông tin tại Bệnh viện Apollo, Ấn Độ cho biết: "Việc giới thiệu mã QR tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe tương tự như việc bắt đầu tái thiết kế quy trình kinh doanh mới. Công nghệ mã QR được vận hành khéo léo giúp thông tắc các khu vực chờ bệnh viện. Đó là một công nghệ thận trọng giúp cung cấp dịch vụ theo cách chúng tôi mong muốn và tiết kiệm được nhiều chi phí".

Ngoài ra, tại Ấn Độ công nghệ mã QR mới nhất có thể giúp xác nhận tính xác thực của giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19. Khi quét mã, nếu giấy chứng nhận tiêm chủng là hợp pháp, màn hình sẽ hiển thị thông báo 'Đã xác nhận thành công giấy chứng nhận'. Nếu đó là giả mạo, hộp thông báo sẽ nhấp nháy 'Chứng chỉ không hợp lệ.' Để có hộ chiếu vắc xin cho chuyến du lịch nước ngoài, người ta phải cập nhật số hộ chiếu của mình trong giấy chứng nhận. Mã QR có thể được quét và xác minh bởi cơ quan quản lý sân bay / xuất nhập cảnh tại Ấn Độ.

Ngay cả các tổ chức phi lợi nhuận và quỹ từ thiện Ấn Độ cũng đang sử dụng mã QR để hợp lý hóa các kênh quyên góp và quy trình đóng góp từ thiện của họ. Atul Satija, Giám đốc điều hành của GiveIndia và là người sáng lập của Tổ chức The Nudge Foundation cho biết: "Hình thứcquét mã QR và thanh toán trực tuyến không tiếp xúc chiếm gần 25% tổng số tiền quyên góp của tổ chức; Nhiều nhà tài trợ thích sử dụng mã QR vì nó dễ dàng".

Sự phổ biến của mã QR ở Ấn Độ cũng đã tăng vọt sau khi các công ty thanh toán (và các công ty fintech khác) bắt đầu sử dụng QR cùng với UPI- một hệ thống thanh toán tức thì được phát triển bởi National Payments Corporation of India (NPCI), khi mọi người e ngại về việc trao đổi tiền tệ trực tiếp trong bối cảnh đại dịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cho biết cần phải cẩn thận khi quét mã QR. "Mã QR là một cách nữa để những kẻ lừa đảo tấn công điện thoại của bạn và lấy thông tin được lưu trữ trong thiết bị của bạn", Burgess Cooper, chuyên gia an ninh mạng và đối tác tại EY cho biết. 

"Bạn không nên quét mọi mã QR trên tường công cộng, không chính thức hay được dán ở nơi bừa bãi đầy nghi vấn. Làm như vậy, bạn đang "mời" phần mềm độc hại xâm nhập vào điện thoại của mình", chuyên gia chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem