Công nghiệp điện tử: Vẫn khó kết nối doanh nghiệp nội với khối FDI
Năm 2019 đánh dấu những thay đổi mang tính đột phá cho ngành điện tử Việt Nam, khi xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam. Sự ra đời của nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart của Vingroup và đặc biệt là thỏa thuận ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) hứa hẹn mở ra nhiều cánh cửa mới cho ngành này.
Xuất khẩu điện tử vẫn thuộc về khối FDI
Số liệu từ Hiệp hội điện tử Việt Nam cho thấy, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với giá trị vượt ngưỡng 70 tỷ USD (cuối năm 2017).
Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) đều nằm trong khu vực FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn nhập khẩu.
Nhiều nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa kết nối được với các doanh nghiệp FDI.
Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành điện tử Việt Nam phần đông là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, để đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam rất cần nắm bắt cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả và phù hợp.
Là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang kết nối với nhiều nhà cung cấp linh kiện trên toàn cầu, bà Đào Thu Huyền, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, tại 3 nhà máy của Canon ở Việt Nam đã có 170 nhà cung cấp nội địa trên tổng số 378 nhà cung cấp trên toàn cầu. “Sản phẩm của Canon có tỷ lệ nội địa tại Việt Nam chiếm 65% trên tổng máy in, nhưng rất tiếc chỉ có 24 doanh nghiệp thuần Việt, ngoài ra là các doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc”, bà Huyền cho biết.
Bà Huyền cũng cho biết, dù các nhà cung cấp Việt Nam có lợi thế về vị trí gần nên chi phí vận chuyển thấp, dễ dàng cho Canon Việt Nam sang hỗ trợ và quản lý nhưng năng lực sản xuất của các nhà cung ứng Việt Nam còn thấp.
Bên cạnh đó, thiếu vốn, thiếu thiết bị, yếu về kỹ thuật, chất lượng không ổn định... vẫn là những điểm yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Mặt khác, hệ thống quản lý và phương pháp quản lý của các doanh nghiệp này chưa chuyên nghiệp, chưa có chính sách dài hạn.
Theo ông Nguyễn Văn Khải, Công ty RMG Việt Nam, hạn chế nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là về quản lý chất lượng. Doanh nghiệp vẫn phải nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc sau đó gia công thô, bán lại cho các doanh nghiệp FDI mà chưa có nguồn nguyên liệu chủ động. Bên cạnh đó, thời gian giao hàng, quy mô sản xuất chưa đáp ứng cùng kỹ năng, khả năng thiết kế và quy trình quản lý chất lượng... chưa cao.
Doanh nghiệp nội chưa tạo lợi thế về nguồn cung
Chỉ rõ những hạn chế trong quá trình kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp điện tử trong nước, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng, các doanh nghiệp FDI thiếu nhà cung cấp có năng lực cũng như có khả năng cạnh tranh do thiếu thông tin về các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa thực sự đầu tư vào việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ thuật để tạo lợi thế về nguồn cung. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thiếu năng lực cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cả về cơ chế quản lý hiện đại lẫn năng lực sản xuất. Khu vực này khó có cả khả năng tiếp cận nguồn vốn; thiếu kỹ năng giao tiếp, tiếp thị; thiếu thông tin.
Giải thích việc các các doanh nghiệp FDI vẫn thường tăng cường tìm nguồn cung ứng từ các doanh nghiệp nước ngoài thay vì tìm đối tác là các doanh nghiệp Việt Nam, ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) chỉ rõ, các doanh nghiệp hiện nay vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, trình độ ngoại ngữ non kém nên khả năng tiếp cận kết nối với các doanh nghiệp FDI rất hạn chế.
Để kết nối được với các FDI, ông Ron Ashkin cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam không phải chỉ hiểu xu hướng chung của các doanh nghiệp toàn cầu, mà cần hiểu cụ thể những gì bên mua cần, cả xu hướng và nhu cầu cụ thể của họ.
“Doanh nghiệp Việt Nam phải biến những thông tin nhận biết được thành hành động cụ thể, cân nhắc xem doanh nghiệp đang ở đâu, so sánh năng lực của mình với nhu cầu bên mua để biết khả năng cung ứng, cần so sánh sự thiếu hụt của mình là gì và phải làm gì để đáp ứng nhu cầu bên mua. Sau đó, doanh nghiệp cần tính đến các khả năng tăng cường năng lực để đáp ứng yêu cầu bên mua như năng lực tài chính, công nghệ, con người...”, ông Ron Ashkin chỉ rõ.