Công nhân cùng cực vì lương thấp, gánh nặng chi tiêu quá lớn

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 29/04/2022 06:24 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Uyên (24 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết, làm công nhân được 5 năm nhưng cho đến giờ phút này tài sản của chị chưa có gì ngoài con trai gần 2 tuổi và đang bầu người con thứ 2 được hơn 3 tháng. Cuộc sống lại quá khó khăn vì thu nhập ít, chi tiêu nhiều.
Bình luận 0

Cuộc sống khốn khó của công nhân khi gánh nhiều nỗi lo cơm áo

Chiều tối cuối tháng 4, sau một ngày mệt nhọc kết thúc công việc làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Vinh (27 tuổi, quê Thanh Hoá) về khu nhà trọ tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội nghỉ ngơi, cơm nước.

Cuộc sống công nhân đang ra sao khi lương thấp, "gánh nặng" nhiều nỗi lo cơm áo? - Ảnh 1.

Khu nhà trọ của công nhân ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trong căn nhà trọ rộng hơn 10m2 của hai vợ chồng anh Vinh không vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc xe máy là phương tiện di chuyển chung cùng chiếc tủ lạnh cũ. Diện tích nhỏ là vậy nhưng ngay sát cửa sổ vợ chồng anh đặt tạm chiếc bếp gas nấu ăn. Bữa cơm tối của cả hai vợ chồng công nhân như anh Vinh đơn giản có 2 món chủ đạo gồm thịt rang, rau muống xào.

Căn nhà trọ nhỏ mái fibro xi măng nằm hun hút trong khu dành cho công nhân thuê như vợ chồng anh Vinh thêm nóng khi nấu ăn bên cạnh nồi cơm điện cũ kỹ bốc khói ngun ngút.

Cuộc sống công nhân đang ra sao khi lương thấp, "gánh nặng" nhiều nỗi lo cơm áo? - Ảnh 2.

Vợ chồng anh Nguyễn Quốc Vinh ăn ở sinh hoạt trong căn nhà trọ rộng khoảng hơn 10m2. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Vinh tỏ ra ngại ngần kể, vợ chồng lập gia đình sớm và có 2 người con, trong đó con gái lớn năm nay đã 10 tuổi. Vì cuộc sống ở quê khó khăn, chỉ quanh quẩn đồng ruộng nên anh và vợ quyết định ra Hà Nội làm công nhân được hơn 2 năm nay.

Theo anh Vinh, làm công nhân tuy vất vả nhưng với nhiều lao động phổ thông như anh trước mắt cũng giải quyết được việc làm và có thêm thu nhập lo cho bản thân, gửi về quê cho ông bà nhờ chăm sóc các con.

Cuộc sống công nhân đang ra sao khi lương thấp, "gánh nặng" nhiều nỗi lo cơm áo? - Ảnh 3.

Phòng nhỏ được vợ chồng anh Vinh tận dụng là nơi nấu nướng, đầu hè nóng mướt mồ hôi. Ảnh: Gia Khiêm

"Vợ chồng tôi làm công nhân mỗi tháng được khoảng hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí thuê nhà trọ mỗi tháng cả điện nước gần 2 triệu, gửi cho ông bà ở quê nhờ chăm sóc, tiền ăn học cho các con khoảng 2, 3 triệu…. Với mức thu nhập như vậy, vợ chồng cũng phải lên kế hoạch chi tiêu nhưng cũng dè dặt, chỉ đủ ăn không dư giả là bao", anh Vinh chia sẻ.

Ngày đầu hè chưa nóng gắt nhưng căn nhà trọ của nóng hầm hập nhưng vợ chồng anh Vinh chưa bao giờ có ý định lắp điều hoà bởi một phần chi phí lắp đặt tốn kém, thêm nữa tiền điện cũng khá cao.

"Có hôm đi làm về mệt, vợ chồng bị mất ngủ vì nóng quá nhưng phải cố gắng, làm quen với cuộc sống. Với mức lương công nhân như hiện nay chưa bao giờ vợ chồng tôi dám nghĩ hay mơ ước đến việc mua nhà Hà Nội", anh Vinh chia sẻ.

Làm công nhân 5 năm "lãi" mỗi con cái

Quanh Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng như nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp khác trên địa bàn TP Hà Nội là nơi trú ngụ của hàng vạn công nhân. Đa phần họ đều có cuộc sống khó khăn khi lương chẳng đáng là bao nhưng chi phí thuê nhà, điện nước, trăm khoản chi tiêu đổ lên đầu.

Cuộc sống công nhân đang ra sao khi lương thấp, "gánh nặng" nhiều nỗi lo cơm áo? - Ảnh 4.

Làm công nhân đến nay đã 5 năm nhưng với chị Nguyễn Thị Uyên (ngoài cùng bên phải) cho biết, đến giờ phút này tài sản của chị chưa có gì ngoài con trai gần 2 tuổi và đang bầu con thứ 2 được hơn 3 tháng. Ảnh: Gia Khiêm

Làm công nhân đã được 5 năm nhưng với chị Nguyễn Thị Uyên (24 tuổi, quê Phú Thọ) cho đến giờ phút này tài sản chưa có gì ngoài con trai gần 2 tuổi và đang bầu người con thứ 2 được hơn 3 tháng. Chị Uyên là lao động chính trong gia đình. Để phụ giúp chị đi làm, người mẹ ở quê cũng ra Hà Nội chăm sóc cháu ngoại được hơn 1 năm nay.

"Nếu làm công nhân và không tăng ca lương của chúng tôi cũng chỉ khoảng 4, 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó không đủ cho chi phí sinh hoạt trong gia đình. Tháng nào có nhiều đơn hàng tăng ca và làm đêm tổng thu nhập của tôi được khoảng 8-9 triệu đồng. Để được số tiền đó bắt buộc mình phải cố gắng, bỏ ra nhiều công sức và không có nhiều thời gian gần gũi bên con cái", chị Uyên chia sẻ với PV Dân Việt.

Cuộc sống công nhân đang ra sao khi lương thấp, "gánh nặng" nhiều nỗi lo cơm áo? - Ảnh 5.

Bữa cơm đơn giản của gia đình nữ công nhân. Ảnh: Gia Khiêm

Với mức thu nhập của một người có thâm niên như chị Uyên cũng chỉ tạm đủ để chị lo chi phí sinh hoạt trong gia đình. "Có con nhỏ tôi cũng phải cố gắng thuê căn phòng rộng hơn chút để con đỡ khổ cực. Riêng tiền thuê nhà mỗi tháng 1,7 triệu, điện 3.500 đồng/số. Với những tháng hè cả tiền nhà, điện nước dè dặt cũng trên 3 triệu đồng/tháng. Đó là mình cũng chỉ dám bật điều hoà một lúc xong tắt. Khi nào nóng quá lại bật cho con mát. Ngày mùa đông thì chi phí thuê khoảng hơn 2 triệu đồng", chị Uyên thành thật kể.

Riêng tiền nhà cũng đã chiếm hơn 1/3 tháng lương của chị Uyên. Chưa kể, tiền bỉm sữa cho con, tiền ăn uống sinh hoạt, lúc ốm đau… Bài toán chi tiêu cũng khiến người mẹ trẻ này khá đau đầu.

"Cách đây 1 tháng tôi bị Covid-19 sốt cao khi đang mang thai. Lo sợ ảnh hưởng đến con trong bụng tôi đi khám sàng lọc hết 4 triệu đồng. Cho đến giờ phút này, công nhân như tôi chưa dư giả gì. Sắp tới sinh con thứ 2 cũng phải lo toan nhiều. Thôi mình phải cố gắng vì cuộc sống, con cái", chị Uyên tâm sự.

Bữa cơm tối của người mẹ đang mang thai cùng con trai nhỏ và người bà ngoại đơn giản có bát canh cua cùng một ít chả cá cứ thế qua ngày. Những công nhân tha phương như chị Uyên chưa bao giờ giám nghĩ với thu nhập thực tại bao giờ sẽ mua được nhà ở Hà Nội…

Còn nữa!

Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về nhu cầu tăng lương tại doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 3/2022 trên hơn 2.000 công nhân trong cả nước cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân, lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân vẫn rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ.

Bên cạnh đó, có hơn 55% công nhân, lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống. 23% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và có hơn 13% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống mức sống cơ bản tối thiểu.

12% công nhân lao động cho biết thường xuyên đi vay hàng tháng để chi tiêu, ổn định cuộc sống. 35% số được khảo sát nói thi thoảng phải đi vay, chỉ có hơn 17% nói không phải đi vay tiền để chi tiêu.

Do túng quẫn nên có tới hơn 1/5 số lao động được khảo sát cho biết họ từng đã rút BHXH 1 lần (chiếm hơn 20%), sau đó lại tiếp tục tham gia BHXH.

5,5% người được hỏi rất ít khi trong bữa cơm của họ có thịt, cá (chỉ 1 tuần/1 lần). 33% cho biết thi thoảng (1 tuần/3 lần) có mua thịt cá trong bữa ăn. Điều này dẫn tới tình trạng sức khỏe không đảm bảo.

Hơn 54% lao động cho biết lương thấp, không đủ sống là nguyên nhân khiến họ e ngại không muốn lập gia đình. 67% lao động có gia đình, có 2 con cho biết tiền lương không đủ đảm bảo chi phí học hành cho con cái.

Ngoài ra tiền lương thấp cũng khiến nhiều lao động e ngại khi tiếp cận với các chính sách chăm sóc sức khỏe. hơn 43% lao động cho biết họ không dám đi khám vì không có tiền. Khi ốm đau chỉ tự mua một số loại thuốc cơ bản. Có tới 57% lao động tự mua thuốc về chữa trị và chỉ đến cơ sở y tế khi bệnh trở nặng.

Để bù đắp thu nhập, hơn 44% lao động được khảo sát chọn giải pháp làm thêm để tăng thu nhập. Có 69% doanh nghiệp được khảo sát ủng hộ tăng lương tối thiểu từ 1/7.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem