Công nhân mong được thuê nhà giá rẻ hơn là mua nhà ở xã hội?

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 06/08/2023 15:14 PM (GMT+7)
Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, tiền lương không có tích lũy vì thế đa phần công nhân đều mong được về quê. Đây là một trong những lý do khiến nhiều công nhân chỉ muốn thuê nhà chứ không muốn mua nhà ở xã hội...
Bình luận 0

Nên đầu tư vốn vào xây nhà cho thuê nhiều hơn bán nhà ở xã hội

Thực tế này được đưa ra tại Tọa đàm Chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách vừa được Báo Kinh tế đô thị và Liên đoàn huyện Đông Anh, cùng với các tổ chức tổ chức An sinh, tổ chức sáng nay (6/8).

Theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có hơn 3,78 triệu công nhân, lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Trong khi đó kết quả phát triển nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng hơn 62.000 căn hộ, đáp ứng được hơn 30% nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động. Hiện có thêm 127 dự án nhà ở, với khoảng hơn 160.900 căn hộ đang được triển khai.

nhà ở công nhân

Các đại biểu tham gia Tọa đàm Chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách. Ảnh: NN

Tại Hà Nội cũng có gần 170.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, với các khu nhà ở đã xây dựng, hiện thành phố mới cung cấp được 1.532 phòng (khoảng 11.520 chỗ ở) cho công nhân, đáp ứng được khoảng 6,8% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân.

Thực tế hiện nay cho thấy với mức lương trung bình từ 6-9 triệu đồng/tháng, công nhân sẽ không có điều kiện tích lũy để mua nhà ở xã hội. Điều này dẫn tới việc công nhân phải chọn thuê trọ trong những căn phòng trọ có điều kiện sống tạm bợ, diện tích chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí...

Từ thực tiễn ấy, việc Chính phủ phê duyệt đề án xây mới 1 triệu căn nhà ở xã hội có ý nghĩa rất quan trọng với công nhân, lao động. Tuy nhiên, liệu chính sách ấy có thực sự phù hợp? Công nhân cần nhà hay chỉ mong muốn được thuê nhà ở giá rẻ là vấn đề nhiều người quan tâm.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Bùi Quốc Dũng - Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết, chỗ ở cho công nhân được TP.Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, Khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của thành phố.

Khu nhà ở cho quy mô 28 tòa, gồm 24 tòa nhà cao 5 tầng (1.084 căn hộ), cung cấp 9.168 chỗ ở và 4 tòa nhà cao 15 tầng (448 căn hộ), cung cấp 2.352 chỗ ở. Số lượng chỗ ở này mới đáp ứng được khoảng 6,8% chỗ ở cho công nhân hiện nay. Giá cho thuê của các căn hộ tại đây khá rẻ: 120.000 đồng/ngườ/tháng với căn hộ tập thể và gần 30.000 đồng/m2/tháng đối với căn hộ có diện tích 45-70m2.

Mặc dù được thiết kế, xây dựng cung cấp chỗ ở phù hợp cho các đối tượng: Đơn thân (phòng ở tập thể), hộ gia đình (căn hộ khép kín), song ông Bùi Quốc Dũng cũng thành thật chia sẻ, các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ chứ chưa mang tính hấp dẫn, chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày: Nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội...

Chia sẻ thêm về vấn đề gói cho vay với lãi suất ưu đãi 8,2%/năm và cho vay thời hạn 5 năm để mua nhà, ông Dũng cho rằng chính sách này chưa hấp dẫn, không phù hợp với công nhân.

"Công nhân thu nhập thấp, không có tích lũy nên lãi suất 8,2% là quá cao, chưa kể lại phải trả trong 5 năm là thời hạn quá ngắn", ông Dũng nói.

Công nhân sung sướng vì tiền thuê nhà ở công nhân chỉ bằng 1 bát phở

Là một trong những công nhân tham gia buổi tọa đàm, chị Nguyễn Thị Thu Hường (23 tuổi) - Công nhân công ty Canon Việt Nam cảm thấy may mắn vì mình được thuê nhà ở giá rẻ từ dự án nhà chung cư cho công nhân, lao động. Từ 2 năm nay Hường chuyển vào ở trong khu nhà chung cư cho công nhân (Hải Bối, Đông Anh). Khu đơn nguyên dành riêng cho công nhân nữ chừng 20m2, có có 3 giường tầng, mỗi giường 2 tầng cho 6 người ở. Ngoài phòng ở, tại đây còn bố trí phòng điều hòa, phòng bếp, phòng sinh hoạt chung và khu vệ sinh riêng biệt cho lao động.

"So với việc ở phòng trọ ngoài thì ở đây như 'thiên đường' với công nhân chúng tôi. Điều kiện sinh hoạt đảm bảo, an ninh tốt, đặc biệt giá thuê chỉ bằng 1 bát phở (40-50.000 đồng/tháng)", chị Hường nói.

nhà ở công nhân

Chị Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, chị khá hài lòng khi được ở trọ tại khu nhà ở công nhân, đặc biệt chị thấy giá thuê quá rẻ, chỉ 40-50.000 đồng/tháng. Ảnh: NN

Không giống như chị Hường chị Nguyễn Thị Hiền - Công ty Panasonic lại đăng ký thuê căn hộ dành cho gia đình. Căn nhà chừng 70m2 với giá hơn 1,7 triệu đồng. So với mức thu nhập của 2 vợ chồng thì khoản tiền nhà này vẫn khá cao. Hiện tại lương của 2 vợ chồng chị chỉ được khoảng 15 triệu đồng.

May mắn được thuê nhà ở chung cư dành cho công nhân, nhưng theo chị Hiền chất lượng nhà ở khá thấp, cũ kỹ. Thang máy thường xuyên bị hỏng, điều hòa lúc bật được lúc không.

Còn lao động Trịnh Thị Dung, công nhân ở khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) thì cho biết, chị chưa từng nghĩ tới chuyện mua nhà: "Hai vợ chồng tôi đi làm chỉ đủ ăn và nuôi 2 con. Chúng tôi xác định thuê nhà ở tới khi nào không làm nữa thì về quê".

Chia sẻ về lý do không mua nhà, chị Dung nói, vì khó khăn, hai vợ chồng làm không có tích lũy. Mua nhà thì phải vay, mà hiện nay lãi suất tiền vay khá cao 8,2%, chưa kể chỉ được vay với lãi suất ưu đãi này trong 5 năm. Tất cả những điều này khiến cho vợ chồng chị không nghĩ tới việc mua nhà.

"Hiện nay vấn đề lo lắng nhất của tôi là con sắp vào cấp 3, nếu không có nhà ở thì vợ chồng chị sẽ không có hộ khẩu, không có hộ khẩu thì con tôi sẽ không được học cấp 3 ở trường công", chị Dung chia sẻ.

Chia sẻ với những khó khăn mà người lao động đang gặp phải, bà Nguyễn Thị Tám - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết huyện có trên 4.000 doanh nghiệp. 22.400 công nhân đang đang làm việc và thuê trọ. Trước đây huyện đã hỗ trợ thuê trọ cho toàn bộ số lao động này. Riêng xã Kim Chung, có khoảng 800 nhà dân có nhà cho thuê trọ, khoảng 5.000 lao động thuê trọ.

"Do số lượng chung cư xã hội cho công nhân hạn chế nên hầu hết công nhân chọn thuê trọ ngoài nhà dân, dù phòng ốc chật chội nhưng cũng tiện cho sinh hoạt", bà Tám nói.

Từ nhiều năm nay, huyện cũng quan tâm, đầu tư xây dựng các trường, mầm non, trường tiểu học... để cho con em công nhân có nơi học. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, đảm bảo người dân ở đây có gì thì công nhân lao động ở đây cũng được thụ hưởng những cái đó.

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.Hà Nội, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng, thực tế chỗ ở vẫn là nỗi đau đáu của nhiều công nhân. Nhưng có an cư thì mới lạc nghiệp, có chỗ ở ổn định thì công nhân, lao động mới tập trung vào công tác.

"Từ thực tế khảo sát, tiếp xúc với công nhân tôi thấy nhà ở cho công nhân vẫn đang rất thiếu. Bên cạnh đó, rất nhiều công nhân chỉ có nhu cầu thuê nhà, thay vì mua nhà", bà An nói.

https://danviet.vn/hon-900000-ty-dong-trong-quy-bhxh-sao-khong-trich-de-xay-nha-o-cho-cong-nhan-dang-kho-khan-20211112165706384.htm

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng cần tăng cường xây nhà cho thuê cho công nhân thay vì chỉ tập trung vào xây nhà ở xã hội. Ảnh: NN

Để công nhân có nơi ăn ở ổn định, phù hợp điều kiện thu nhập (khoảng 6-8 triệu đồng/tháng), bà Bùi Thị An cho rằng, cần có quỹ để xây dựng nhà cho thuê cho công nhân. Bên cạnh đó, cần có chính sách thực tiễn, khả thi, phân vai rõ ràng (nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì) có chính sách tín dụng hợp lý... để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê...

"Trước đây tôi đi họp chương trình tín dụng cho nông dân, nhiều nông dân ý kiến vòng vo mãi mà không vay được. Tôi chỉ lo bây giờ tín dụng cho công nhân cũng vậy. Trước hết Nhà nước nên có quỹ tiền xây nhà cho công nhân thuê. Sau đó còn tiền thì mới xây nhà bán vì nhu cầu thuê lớn hơn mua", bà An nói.

Bà An cũng cho rằng Liên đoàn Lao động Hà Nội nên có rà soát và đánh giá cụ thể lại thực trạng nhà ở cho công nhân lao động để có đề xuất giải quyết những khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem