Công ty của Trịnh Sướng nợ nần ngập ngụa; giải tỏa kê biên hàng chục thửa đất của đại gia

26/12/2021 07:43 GMT+7
Sắp tới, TAND tỉnh Đắk Nông sẽ tuyên án vụ Trịnh Sướng và 38 đồng phạm sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả). Công ty Trịnh Sướng nợ nhiều ngân hàng, có ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng hiện chưa trả nợ.

Công ty Trịnh Sướng nợ nhiều ngân hàng

Thông tin trên Pháp Luật TP.HCM cho hay, ngày 30/12 tới, TAND tỉnh Đắk Nông sẽ tuyên án vụ Trịnh Sướng và 38 đồng phạm sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả).

Trong vụ án này, ngoài bị cáo Trịnh Sướng bị đề nghị tuyên mức hình phạt 12-13 năm tù, các bị cáo khác cũng bị đề nghị mức án từ ba năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 8 năm tù.

Tại toà, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị HĐXX xem xét đối với các tài sản thế chấp hợp pháp của Trịnh Sướng để giao cho các ngân hàng xử lý trong việc thu hồi nợ. Đáng nói, trong vụ án này, Công ty Trịnh Sướng nợ nhiều ngân hàng, có ngân hàng lên đến hàng trăm tỉ đồng nhưng đến nay không trả nợ.

Công ty của Trịnh Sướng nợ nần ngập ngụa; giải tỏa kê biên hàng chục thửa đất của đại gia - Ảnh 1.

Trịnh Sướng bị đề nghị mức án đến 13 năm tù. Ảnh PLO

Đại diện Ngân hàng Aribank Sóc Trăng cho biết số tiền mà hai Công ty của Trịnh Sướng là Mỹ Hưng và Gia Thành đã nợ tính đến nay đã hơn 500 tỉ đồng (đã bao gồm tiền lãi). Từ đó đề nghị HĐXX được xử lý toàn bộ tài sản thế chấp hợp pháp đảm bảo dư nợ trên.

Mặc khác, nhóm nợ đã chuyển sang nợ xấu buộc phải thanh toán hoặc phải xử lý tài sản đảm bảo vì đây là nguồn thu (tài sản của Nhà nước) tại cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Ngân hàng cũng đề nghị HĐXX cho phép được xử lý, phát mãi tài sản hình thành từ vốn vay là xăng dầu các loại (hàng tồn kho) được lưu trữ tại kho xăng dầu Mỹ Hưng (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Vì đây là tài sản hình thành từ vốn vay, đã bảo sung thế chấp và được công ty ghi nhận liên quan báo cáo ngân hàng phù hợp với nghĩa vụ bên đi vay…

Ngoài ra, đối với 69/73 thửa đất của Trịnh Sướng và người liên quan, đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị HĐXX giải toả kê biên, cùng với một số động sản gồm tàu, xe ô tô… không liên quan trực tiếp trong việc phạm tội của bị cáo để các ngân hàng được xử lý, thu hồi nợ theo quy định…

Đại diện VKS đồng ý về nội dung này và đề nghị HĐXX xem xét, giải kê biên 69/73 thửa đất và các tàu, xe đang thế chấp tại ngân hàng không liên quan trực tiếp hành vi phạm tội của bị cáo...

Trịnh Sướng pha trộn xăng giả gây lợi bất chính 151 tỷ đồng

Trước đó, vụ án sản xuất, mua bán xăng giả đã được TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 8/4, đến ngày 20/4 HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra làm rõ thêm một số nội dung: khối lượng xăng giả, số tiền thu lợi trái pháp luật của Trịnh Sướng và các bị cáo chủ chốt khác.

Theo cáo trạng, năm 1996, Trịnh Sướng thành lập Công ty TNHH Mỹ Hưng tại Sóc Trăng, chuyên kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm có liên quan. Sau thời gian dài kinh doanh, ông Sướng biết cách pha chế dung môi để làm xăng giả, nên đầu năm 2017 thuê người và nhiều kho bãi để làm xăng A95 và E5 Ron 92 bán ra thị trường. Sướng pha chế xăng giả bằng cách pha dung môi với 20%-30% xăng thật (A95) cùng các hóa chất, sau đó cho hợp chất màu công nghiệp Azo vào để tạo màu.

Để phục vụ cho việc sản xuất, buôn bán xăng giả, đại gia xăng dầu miền Tây mở thêm Công ty TNHH Gia Thành nhưng cho em vợ Trương Như Tuyết làm giám đốc. Đồng thời, ông ta thông qua Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Ressol (Sướng sở hữu 75% cổ phần) thuê thêm mặt bằng kho chứa tại quận Ô Môn, Cần Thơ để mở rộng việc làm xăng giả.

Sướng không trực tiếp đứng ra mua bán mà thông qua Trương Như Tuyết và nhiều người khác. Trong đó, Tuyết được giao phụ trách xuất hóa đơn giá trị gia tăng, giúp Sướng hợp thức hóa nguồn dung môi mua vào và xăng giả bán ra; quản lý tiền mặt, thanh toán tiền nguyên liệu...

Tháng 5/2019, ông này mua hàng triệu lít dung môi và hóa chất chở bằng đường thủy và đường bộ về hai kho của mình. Khi các công nhân đang bơm hóa chất Toluene đã pha trộn với MTBE và xăng A95 từ tàu lên bồn tại Kho xăng dầu Ressol để pha trộn thì bị cảnh sát bắt và thu giữ nhiều tang vật.

Trong vụ án này, các bị can đã tổ chức pha trộn và bán ra hơn 200 triệu lít xăng giả. Trong đó, nhóm Trịnh Sướng đã pha trộn xăng giả nhiều nhất với 192 triệu lít, và bán ra thị trường 188 triệu lít, thu lợi bất chính hơn 151 tỉ đồng; nhóm Đinh Chí Dũng pha trộn và bán ra thị trường hơn 4 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính 2,4 tỉ đồng; Nguyễn Ngọc Quan và đồng bọn cũng pha trộn hơn 11 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 3,5 tỉ đồng… Thời gian thực hiện hành vi phạm tội của các bị can từ đầu năm 2017 đến tháng 5.2019. Số lượng xăng giả được bán ra trên địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Nai, Đắk Nông, TP.Cần Thơ và TP.HCM.

Vụ án từng được đưa ra xét xử nên lần này tòa tập trung làm rõ các vấn đề mới, không hỏi lại các nội dung đã thẩm vấn tại lần làm việc trước.

Trả lời HĐXX, ông Trịnh Sướng nói không đồng tình với cáo buộc đã cùng đồng phạm sản suất 192 triệu lít xăng giả và bán ra thị trường 188 triệu lít. Theo bị cáo, ngoài số xăng tự sản xuất, bị cáo cũng mua từ đầu mối về bán và hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xác định số xăng bán ra là giả hay kém chất lượng.

Ông Sướng thừa nhận số lượng xăng giả sản xuất như cáo trạng lần trước là 137 triệu lít, thu lợi bất chính 800 đồng/lít, nhưng chưa trừ các chi phí vận chuyển - tương đương số tiền thu lợi bất chính khoảng 102 tỷ đồng.

Về việc pha trộn xăng với dung môi, bị cáo cho biết đã pha theo tỷ lệ tối thiểu là 30%, cao nhất là 70%-80% xăng nền, có khi là 90%, tùy thời điểm.


PV
Cùng chuyên mục