Đề xuất Bộ Công an là cơ quan quản lý nhà nước về an ninh hàng không

Thế Anh
14/07/2025 17:24 GMT +7
Tại dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam xác định rõ Bộ Công an là cơ quan quản lý nhà nước về an ninh hàng không.

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế luật hiện hành).

Tại dự thảo đã xác định rõ Bộ Công an là cơ quan quản lý nhà nước về an ninh hàng không. Dự thảo cũng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các nhà chức trách liên quan.

Đặc biệt, dự thảo điều chỉnh quy định cho phép các hoạt động hàng không dân dụng của lực lượng vũ trang và cơ quan nhà nước được thực hiện theo Luật này khi chưa có quy định riêng.

Sân bay Nội Bài.

Điều này làm rõ phạm vi áp dụng luật, phù hợp với Công ước Chicago 1944, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bay công vụ trong bối cảnh hiện đại hóa trang bị của các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, dự thảo điều chỉnh quy định về việc ký hợp đồng lao động giữa nhân viên hàng không và tổ chức sử dụng lao động để phù hợp với Bộ luật Lao động, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức nguồn nhân lực theo mô hình thị trường hàng không quốc tế.

Về quản lý, khai thác và xuất khẩu máy bay, dự thảo được sửa đổi nhằm bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế, nâng cao chỉ số tín nhiệm quốc gia theo khuyến cáo của Nhóm công tác hàng không AWG, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không Việt Nam tiếp cận tín dụng khi thuê, mua tàu bay.

Dự thảo sửa đổi các quy định về quy hoạch, đầu tư và khai thác cảng hàng không theo hướng linh hoạt, phù hợp với mô hình phổ biến quốc tế. Dự thảo khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đồng thời giữ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực then chốt này.

Nguyên tắc được xác lập là Nhà nước thống nhất sở hữu công trình hạ tầng quan trọng; nhà đầu tư chỉ được quyền quản lý, khai thác theo hợp đồng. Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo các luật hiện hành về đầu tư, đấu thầu, xây dựng để đảm bảo công khai, minh bạch, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia.

Dự thảo cũng sửa đổi các quy định liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển nhằm làm rõ trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi hành khách khi tham gia vận chuyển hàng không. Việc này cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, điều hòa hoạt động khai thác tại cảng hàng không, giảm tình trạng chậm, hủy chuyến.

Cuối cùng, dự thảo điều chỉnh quy định liên quan đến hoạt động hàng không chung, hàng không chuyên dùng và vận chuyển hàng không thương mại. Việc phân loại này sẽ đồng bộ với Công ước Chicago, giúp cải thiện công tác quản lý, an toàn và khai thác vùng trời tầm thấp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.