Cú lấn sân sang metaverse của Tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ

Huỳnh Dũng Thứ năm, ngày 20/01/2022 07:29 AM (GMT+7)
Walmart đang trở nên nghiêm túc về metaverse khi đã đăng ký một số nhãn hiệu mới với hy vọng sản xuất và bán hàng hóa ảo.
Bình luận 0

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ Walmart đang hướng sự chú ý của mình vào thế giới ảo, giống như nhiều thương hiệu khác, bao gồm cả Facebook, công ty đã đổi tên thương hiệu vào năm ngoái thành Meta, và công bố công khai mục tiêu đầu tư và mở rộng sang metaverse, một không gian ảo nơi mọi người có thể tương tác kỹ thuật số bằng cách sử dụng hình đại diện kỹ thuật số (avatar).

Mới đây, Walmart đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho nhiều sản phẩm, ở đây tập đoàn bán lẻ đang lên kế hoạch kinh doanh sản phẩm ảo, bao gồm thiết bị điện tử, đồ chơi, thiết bị gia dụng, dụng cụ thể thao, quần áo, đồ trang trí nhà cửa và nhiều sản phẩm khác. Nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu của Walmart còn đề cập việc người dùng có thể sử dụng tiền số và có cơ hội mua bán NFT.

Bên cạnh đó, Walmart nhắc đến việc tổ chức "các dịch vụ rèn luyện thể chất" và "các lớp học sức khỏe và dinh dưỡng" tại không gian ảo. Công ty này đã nộp đơn để sử dụng tên và biểu tượng độc quyền trong môi trường thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR).

Walmart là công ty lớn tiếp theo có kế hoạch cho metaverse. Ảnh: @AFP.

Walmart là công ty lớn tiếp theo có kế hoạch cho metaverse. Ảnh: @AFP.

Trong đó, Walmart đã đăng ký nhãn hiệu cho các tên "Verse to Home", "Verse to Curb" và "Verse to Store". Điều này cho thấy thương hiệu có khả năng đang ấp ủ dự án trải nghiệm mua sắm ảo. Trong một tuyên bố, Walmart cho biết họ đang "liên tục khám phá cách các công nghệ mới nổi có thể hình thành trải nghiệm mua sắm trong tương lai". Nhưng hiện tại công ty từ chối bình luận về các hồ sơ nhãn hiệu cụ thể.

Bất chấp kế hoạch của nhiều công ty cho metaverse, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn không chắc chắn về cách tạo ra một thế hệ metaverse chính thức. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley nói rằng, metaverse có thể là một cơ hội trị giá 8 nghìn tỷ đô la, nhưng thách thức sẽ là khiến người tiêu dùng tin và mua vào nó. Tuy nhiên, Walmart đã chứng kiến doanh số bán hàng trực tuyến của mình phát triển mạnh vào năm 2021, với doanh thu đạt 11,1 tỷ đô la trong quý thứ ba /2021 theo báo cáo Digital Commerce 360, điều này có thể chứng minh hữu ích cho tham vọng lấn sân vào metaverse của Walmart.

Josh Gerben, một luật sư thương hiệu tại Mỹ cho biết: "Có rất nhiều điều thú vị trong công nghệ ảo, điều này cho thấy có rất nhiều kế hoạch đang diễn ra đằng sau hậu trường về cách các thương hiệu sẽ giải quyết tiền điện tử, cách họ giải quyết metaverse và thế giới ảo dường như sắp tới hoặc nó đã dần ở đây".

Gerben cho biết kể từ khi Facebook thông báo đổi tên công ty thành Meta báo hiệu tham vọng của họ ngoài mạng xã hội, các doanh nghiệp đã gấp rút tìm hiểu xem họ sẽ phù hợp với thế giới ảo như thế nào. Nike đã nộp một loạt đơn đăng ký nhãn hiệu vào đầu tháng 11/2021 để xem trước kế hoạch bán giày thể thao và quần áo mang nhãn hiệu ảo. Cuối tháng đó, công ty cho biết đã hợp tác với Roblox để tạo ra một thế giới trực tuyến có tên Nikeland. Vào tháng 12/2021, thương hiệu này đã mua lại công ty giày sneaker ảo RTFKT với số tiền không được tiết lộ.

Gerben còn nói: "Ở những nơi khác, cả Under Armour 's và Adidas', các tài sản NFT ra mắt đều bán hết vào tháng trước. Hiện họ đang tìm kiếm những mức giá cao ngất ngưởng trên thị trường NFT OpenSea".

Ngoài ra, các nhà bán lẻ hàng may mặc Urban Outfitters, Ralph Lauren và Abercrombie & Fitch cũng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trong những tuần gần đây, nêu chi tiết ý định mở một số loại cửa hàng ảo của họ.

Walmart đang chuẩn bị để tiến lớn trên metaverse, với NFT và tiền điện tử của riêng mình. Ảnh: @AFP.

Walmart đang chuẩn bị để tiến lớn trên metaverse, với NFT và tiền điện tử của riêng mình. Ảnh: @AFP.

Một báo cáo từ CB Insights đã chỉ ra một số lý do tại sao các nhà bán lẻ và thương hiệu có thể muốn thực hiện các dự án kinh doanh như vậy, vốn có khả năng mang lại nguồn doanh thu mới. Việc tung ra NFT giúp các doanh nghiệp có thể "mã hóa" các sản phẩm và dịch vụ vật lý để giúp giảm chi phí giao dịch trực tuyến. Và đối với các thương hiệu xa xỉ như Gucci và Louis Vuitton, NFT có thể đóng vai trò như một hình thức xác thực đối với hàng hóa hữu hình và đắt tiền hơn, CB Insights lưu ý.

Gerben nói rằng khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng làm quen với metaverse và các mặt hàng được lưu trữ trên blockchain, thì sẽ có nhiều nhà bán lẻ muốn tạo ra hệ sinh thái của riêng họ xung quanh nó.

Theo Frank Chaparro, giám đốc tại công ty dịch vụ thông tin tiền điện tử The Block, nhiều nhà bán lẻ vẫn đang quay cuồng với thương mại điện tử, vì vậy họ không muốn bỏ lỡ metaverse. Chaparro nói: "Tôi nghĩ đó là đôi bên cùng có lợi cho bất kỳ công ty nào trong lĩnh vực bán lẻ, ngay cả khi nó chỉ là một mốt nhất thời, chẳng hạn như việc thử một thứ gì đó kỳ lạ như tặng một số khách hàng một NFT trong một cuộc rút thăm trúng thưởng chẳng hạn".

Vào đầu tháng 12/2021, Giám đốc tài chính của Walmart, Brett Biggs cho biết tại một hội nghị phân tích rằng, công ty sẵn sàng cho phép người mua hàng thanh toán bằng tiền điện tử nếu khách hàng yêu cầu, nhưng công ty thấy chưa cần phải vội vàng đưa ra bất kỳ khả năng nào. Trước đây vào tháng 8/2021, Walmart đã đăng thông báo tuyển dụng chuyên gia về sản phẩm tiền điện tử. Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Walmart ngày càng quan tâm đến metaverse và tiền điện tử.

Huỳnh Dũng – Theo Cnbc/ Businessinsider/Fortune

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem