Bình Dương: Gần 1/3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghỉ bán, giá xăng dầu giảm đang trở thành gánh nặng

Trần Khánh Thứ năm, ngày 06/10/2022 13:08 PM (GMT+7)
Gần 1/3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Bình Dương nghỉ bán vì khó tiếp cận nguồn cung và đối mặt nhiều áp lực kinh doanh...
Bình luận 0

Gánh nặng cho người dân và cửa hàng kinh doanh xăng dầu

Giá xăng dầu vừa có phiên giảm thứ 4 liên tiếp vào ngày 3/10. Tưởng là tin vui nhưng giá xăng dầu giảm liên tiếp lại đang tạo áp lực lớn cho hoạt động kinh doanh, và gây khó khăn ngược trở lại phía người dân. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng đang đối diện nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn.

Giá xăng dầu giảm lần thứ 4 liên tiếp, từ ngày 3/10. Ảnh: Trần Khánh

Giá xăng dầu giảm lần thứ 4 liên tiếp, từ ngày 3/10. Ảnh: Trần Khánh

Anh Lê Tuấn Anh, người dân ở TP.Thủ Dầu Một cho biết, tình trạng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghỉ bán xuất hiện từ đầu tuần đến nay.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã treo bảng hết xăng, ngưng bán. Nhiều người ghé vào đổ xăng đành quay ra khi thấy nhân viên ra hiệu hết xăng. Có người do xe đã cạn xăng, đành phải dắt bộ.

Việc cửa hàng kinh doanh xăng dầu hết xăng, ngừng bán hoặc đóng cửa tạm thời đang gây nhiều khó khăn cho người dân, nhất là khoảng 5 giờ chiều đến 9 giờ tối. "Tôi cũng phải đi rất nhiều chỗ mới tìm được cửa hàng còn xăng để đổ", anh Tuấn Anh kể.

Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, lực lượng chức năng đã đi kiểm tra ngay khi có thông tin người dân phản ánh việc cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghỉ bán, khi giá xăng giảm từ chiều ngày 3/10.

Qua kiểm tra, Sở Công thương cho biết không có tình trạng cửa hàng kinh doanh xăng dầu găm hàng. Thế nhưng một khó khăn khác đặt ra là nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu không còn hàng để bán.

img
img

Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết khi đến kiểm tra thì thấy có nơi đang nhập hàng, có chỗ thì hết dầu còn xăng, có chỗ thì hết xăng còn dầu. Có cửa hàng chỉ bán xăng dầu trong giờ hành chính. Ảnh: Trần Khánh

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, khi đến kiểm tra thì thấy có nơi đang nhập hàng, có chỗ thì hết dầu còn xăng, có chỗ thì hết xăng còn dầu. Có cửa hàng chỉ bán xăng dầu trong giờ hành chính, từ 7 giờ đến 17 giờ.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo biển ngưng bán do kinh doanh thua lỗ hoặc do sự chậm trễ trong hoạt động nhập và bán hàng.

Gần 1/3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghỉ bán

Cây xăng Hồng Thảo ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một là một trong 13 đơn vị phản ánh lên Sở Công Thương về tình trạng doanh nghiệp đầu mối chậm cung ứng hàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quản lý cây xăng Hồng Thảo kể, cây xăng không còn xăng để bán từ ngày 2/10. Đến ngày 4/10, cây xăng mới được cung ứng khoản 4.000 lít. Đến ngày 5/10 lại hết hàng.

Theo bà Thảo, tình hình kinh doanh xăng dầu đang rất khó khăn. Mức chiết khấu hoa hồng thấp. Trong khi chi phí hoạt động của cửa hàng lại tăng cao, gây áp lực cho việc duy trì hoạt động.

Nhiều cửa hàng càng bán càng lỗ, thậm chí không có hàng để bán. "Nhiều ngày nay, 4 nhân viên của chúng tôi ngồi chơi không", bà Thảo nói.

img
img

Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở Bình Dương tạm thời nghỉ bán. Ảnh: Trần Khánh

Tổng Công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ là một trong những đơn vị đầu mối cung ứng xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất tại Bình Dương. Nhiều cửa hàng xăng dầu phản ánh tình trạng chậm cung ứng xăng là đại lý hoặc cửa hàng của Tổng Công ty Thanh Lễ.

Sự chậm trễ trong hoạt động nhập và bán hàng không chỉ khiến nhiều cửa hàng đóng cửa hoặc xin nghỉ bán tạm thời mà còn tạo áp lực lên đầu mối cung ứng khác.

Từ đầu tháng 10 đến nay, sản lượng bán ra của các cửa hàng trực thuộc Công ty xăng dầu Sông Bé (Petrolimex) tăng 35% so với trước.

Ông Trịnh Đình Tuấn - Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Sông Bé cho biết, thị phần của Petrolimex trên địa bàn Bình Dương chỉ hơn 20%.

Những ngày qua, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thiếu hụt nên áp lực đổ dồn về phía công ty. Áp lực lớn, Petrolimex Sông Bé không thể gánh hết thì phần toàn tỉnh.

"Chúng tôi mong muốn các đầu mối kinh doanh trên địa bàn cùng san sẻ khó khăn và trách nhiệm, đảm bảo nhu cầu xăng dầu phục vụ người dân", ông Tuấn nói.

Nhiều người dân ở Bình Dương phải đi tìm nhiều nơi mới thấy cửa hàng còn xăng để đổ xăng. Ảnh: Trần Khánh

Nhiều người dân ở Bình Dương phải đi tìm nhiều nơi mới thấy cửa hàng còn xăng để đổ xăng. Ảnh: Trần Khánh

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh Bình Dương có 447 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Hiện nay, Bình Dương đã có 122 cửa hàng ngừng hoạt động tạm thời, hoặc vĩnh viễn.

Ông Bùi Văn Phong, người dân ở TP.Thuận An cho biết, từ nay đến cuối năm, nhu cầu đi lại tăng cao. "Nếu ngành chức năng không sớm có giải pháp đảm bảo nguồn cung, sẽ còn nhiều cửa hàng xăng dầu nghỉ bán, càng gây khó khăn cho người dân", ông Phong lo ngại.

Sở Công Thương cho biết, ngành đang nỗ lực phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng xăng dầu, làm việc với các doanh nghiệp đầu mối để tìm giải pháp bình ổn cho thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem